Ung thư đang là một bóng ma ám ảnh người dân khắp thế giới, đặc biệt là tại Việt Nam. Ngay cả những phương pháp điều trị bệnh như xạ trị cũng tàn phá cơ thể, khiến sức khỏe suy kiệt, tóc rụng...
Thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc ung thư
- 1. Thực phẩm biến đổi gene (GMO)
- 2. Bắp rang bơ quay lò vi sóng
- 3. Thực phẩm đóng hộp
- 4. Thịt đỏ nướng
- 5. Đường tinh luyện
- 6. Soda
- 7. Thịt đã qua chế biến
- 8. Chất tạo ngọt nhân tạo
- 9. Dầu ăn chưa bão hòa
- 10. Khoai tây chiên dạng lát
- 11. Thực phẩm bị nấu ở nhiệt độ cao, cháy khét
- 12. Các loại thức uống có cồn
- 13. Thực phẩm nấm mốc
- 14. Trái cây và rau củ không sạch (còn chất bảo vệ thực vật)
- 15. Hương nhân tạo
- 16. Cá muối kiểu Trung Quốc
- 17. Thực phẩm được bảo quản bằng muối
- Kết luận
Theo một nghiên cứu tại Mỹ, thực phẩm là một trong những nguồn gây ung thư đầu bảng. Vậy loại thực phẩm nào bạn cần phải tránh xa, nếu như không muốn tăng nguy cơ đối diện với căn bệnh tử thần này?
Những thực phẩm này không chỉ chứa các chất có hại cho cơ thể, mà còn làm tăng nguy cơ phát triển nhiều dạng ung thư khác nhau. Bạn cần loại bỏ chúng một cách tuyệt đối trong chế độ ăn hàng ngày của mình, theo Lifehack:
1. Thực phẩm biến đổi gene (GMO)
Thực phẩm biến đổi gene là một ngành công nghiệp đang lên với lợi nhuận béo bở. Hiện vẫn còn những tranh cãi xung quanh việc thực phẩm GMO có làm tăng nguy cơ phát triển khối u ở ngoài hay không. Dù vậy, rất nhiều nhà khoa học đứng về phe "Có".
2. Bắp rang bơ quay lò vi sóng
Bắp rang bơ quay lò vi sóng là một món ăn vặt khoái khẩu của nhiều người, nhất là trong những buổi tối sum họp gia đình, quây quần quanh chiếc TV thưởng thức bộ phim yêu thích. Tuy nhiên, bạn phải hết sức cẩn thận với loại thực phẩm này.
Có thời gian, người ta cho rằng việc hít mùi thơm từ gói bắp rang bơ tỏa ra có thể gây ung thư phổi. Điều này đã được chứng minh là sai sự thật, nhưng khoa học lại tìm thấy một tử thần khác. Chất độc này nằm trong lớp chống dính ở mặt trong túi đựng bỏng, khi được quay ở nhiệt độ cao sẽ phân hủy thành hợp chất acid perfluorooctanoic, tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, viền keo dán quanh túi cũng có thể tiết ra những chất cực độc khi túi bỏng được quay nóng.
3. Thực phẩm đóng hộp
Nếu như bạn nghĩ đồ hộp an toàn và vệ sinh thì hãy nghĩ lại. Hầu hết các vỏ hộp đều chứa chất BPA-A. Theo trang breastcancerfund.org, ngay cả khi tiếp xúc với một lượng nhỏ BPA-A thì cơ thể cũng có nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và nhiều chứng rối loạn khác.
4. Thịt đỏ nướng
Gần như tất cả mọi người đều mê mệt món bít -tết nướng than mềm, mọng nước và thơm lừng. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã phát hiện thấy cách chế biến thịt bò kiểu này sẽ làm giải phóng các amine heterocylic, một chất sinh ung thư phổ biến. Còn theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, việc nấu thịt ở nhiệt độ rất cao như trên than mọi sẽ tạo ra những chất sinh ung thư mạnh và làm tăng nguy cơ phát triển khối u ác tính.
5. Đường tinh luyện
Lần tới, khi cầm trên tay một chiếc bánh quy thơm lừng được làm bằng bột và đường tinh luyện, tốt nhất là bạn nên nghĩ lại và đặt nó xuống. Không, không phải là vì nguy cơ sâu răng hay tăng cân đơn giản. Trên thực tế, chúng ta đang tiêu thụ nhiều đường tinh luyện hơn bao giờ hết, và điều này thực sự nguy hiểm. Không chỉ làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường mà đường tinh luyện còn là tác nhân gây ra nhiều dạng ung thư như ung thư vú, tiền liệt, bàng quang, tuyến tụy và trực tràng, trang Cancercenter.com khuyến cáo.
6. Soda
Ai lại không thèm một ly soda mát lạnh trong một ngày nóng vã mồ hôi cơ chứ? Tuy nhiên, loại thức uống khoái khẩu này lại đẩy bạn tới chỗ nguy hiểm. Theo Trường Đại học Sức khỏe cộng đồng John Hopkins Bloomberg, việc uống hơn 1 ly soda mỗi ngày sẽ khiến cơ thể bạn tích tụ và sản sinh ra nhiều 4-methylimidazole, một chất có khả năng gây ung thư.
7. Thịt đã qua chế biến
Có rất nhiều món ăn được làm từ thịt chế biến như sandwich, xúc xích, thịt hun khói... Những loại thực phẩm này rất nhiều muối và chứa nhiều chất bảo quản cũng như các hóa chất có hại cho cơ thể. Nếu như bạn mua thịt xông khói, mọi chuyện còn tệ hơn vì chúng luôn bị nhiễm khói hydrocarbons carcinogenic polycyclic, gần giống như khi bạn hút thuốc lá vậy.
8. Chất tạo ngọt nhân tạo
Bạn tưởng rằng mình có thể tránh được nguy cơ ung thư hoặc "bỏ đói" các tế bào ung thư bằng cách không ăn đường tinh luyện nữa? Bạn nghĩ rằng các chất tạo ngọt nhân tạo an toàn và lành mạnh hơn? Sai hoàn toàn.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, việc sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo đã được chứng minh là gây ung thư ở các đối tượng chuột thí nghiệm, dù chưa có thêm nghiên cứu nào xác nhận mối liên hệ giữa chất tạo ngọt với ung thư ở người. Mặc dù vậy, tốt hơn cả là bạn vẫn nên hạn chế sử dụng loại thực phẩm này trong khẩu phần ăn thường nhật của mình.
9. Dầu ăn chưa bão hòa
Về cơ bản thì dầu chưa bão hòa là dầu thực vật, được chiết xuất từ các loại cây/thực vật thông qua một quy trình hóa học phức tạp. Trong dầu chưa bão hòa có chứa một lượng lớn acid béo Omega 6. Chất béo chuyển hóa này có thể gây tăng nguy cơ đau tim hoặc một số dạng ung thư như ung thư da, ung thư tuyến tụy, trực tràng...
10. Khoai tây chiên dạng lát
Ai lại không thích những lát khoai tây chiên vàng rụm, giòn tan cơ chứ? Thế nhưng đừng quên rằng chúng luôn được chiên ngập dầu và chứa lượng chất béo cực cao, đó là chưa kể các chất tạo hương vị nhân tạo và chất bảo quản nữa. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, khi được chiên ở nhiệt độ cao, một hoạt chất có tên acrylamide sẽ được sản sinh, đây là chất gây ung thư thường được tìm thấy ở thuốc lá.
11. Thực phẩm bị nấu ở nhiệt độ cao, cháy khét
Khi các loại thịt như gà, lợn, bò, cá được nấu chín hoặc chiên ở nhiệt độ cao, chúng tạo thành các hợp chất gọi là amin dị vòng (HCAs), hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs). Các hợp chất này sẽ thúc đẩy những thay đổi trong DNA, làm tăng nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu từ Đại học bang Kansas cho thấy, việc ướp thịt trong các loại gia vị như hương thảo, húng tây, oregano và cây xô thơm có thể cắt giảm tới 87% HCAs trong một miếng thịt
12. Các loại thức uống có cồn
Theo Viện Y tế Quốc Gia Mỹ, uống càng nhiều, nguy cơ mắc ung thư vòm họng, gan, vú và đại tràng càng cao. Cắt giảm lượng tiêu thụ là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu gần đây về người tiêu dùng các loại thức uống có cồn ở 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cho thấy, hơn ¼ số ca tử vong liên quan đến rượu ở những người trên 50 tuổi là do ung thư.
13. Thực phẩm nấm mốc
Mộc nhĩ ngâm nhiều ngày, ngô, lạc mốc,... và dầu tự ép trong các xưởng nhỏ có thể bị nhiễm aflatoxin . Chất độc cực cao này được Tổ chức Y tế Thế giới chỉ định aflatoxin là chất gây ung thư loại 1 vào năm 1993. Độc tính của nó mạnh gấp 68 lần so với asen và 10 lần so với kali xyanua. 1mg aflatoxin đã đủ để gây ung thư cho mô gan.
Nếu thức ăn đã bị mốc, bạn tuyệt đối không nên ăn. Ngoài ra, chúng ta cũng phải chú ý tránh nấm mốc ở các đồ dùng nhà bếp bằng tre, gỗ. Lau chùi và bảo quản khô các dụng cụ nhà bếp như thớt gỗ, đũa, lồng đũa,... để tránh sản xuất aflatoxin.
14. Trái cây và rau củ không sạch (còn chất bảo vệ thực vật)
Các loại rau củ quả không được trồng theo phương pháp hữu cơ thường sẽ còn rất nhiều chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hoặc được gieo trồng bằng hạt giống biến đổi. Tất cả yếu tố này đều liên quan đến việc tăng nguy cơ bị ung thư.
Bạn cần lựa chọn nguồn trái cây, rau xanh đảm bảo và chế biến rửa sạch, bỏ vỏ trước khi ăn để hạn chế nguy cơ gây ung thư từ chúng.
15. Hương nhân tạo
Tiến sĩ Maryam Nemati Shafaee, từ Trường Y Baylor ở Houston (Mỹ), cho biết gần đây, hương nhân tạo đã bị FDA cấm sử dụng. Nhưng từ lâu, hương nhân tạo đã được chứng minh là gây ra các rối loạn về sức khỏe, kể cả ung thư. FDA đặc biệt loại bỏ 7 chất tạo hương tổng hợp gây ung thư. Các chất này thường được sử dụng với số lượng rất nhỏ trong thực phẩm, dẫn đến rủi ro và phơi nhiễm ở mức độ thấp, theo Reader’s Digest.
16. Cá muối kiểu Trung Quốc
WHO khuyến cáo việc ăn nhiều cá muối kiểu Trung Quốc - món ăn chủ yếu được tiêu thụ ở một số nước châu Á có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vòm họng.
17. Thực phẩm được bảo quản bằng muối
WHO cho biết những thực phẩm được bảo quản bằng muối có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Trước đây, đã từng có nghiên cứu cho thấy đồ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori.
Ngoài ra, chế độ ăn thừa muối cũng làm tăng nguy cơ béo phì, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan, gây suy tim, suy thận và suy gan...
Kết luận
Dù rất nhiều loại thực phẩm được liệt kê ở trên rất ngon, khoái khẩu, nhưng việc ăn chúng quá nhiều hàng ngày chắc chắn sẽ khiến cơ thể bạn phải gánh chịu hậu quả. Hãy tìm kiếm những thực phẩm thay thế mà không chỉ ngon miệng, còn phải an toàn và lành mạnh nữa. Đừng bao giờ quên rằng, cái miệng có thể hại cái thân đến mức nào.