WHO đã chỉ định thịt qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích và thịt nguội có thể gây ung thư như rượu, amiang (còn gọi là asbestos), thạch tín và thuốc lá.
Ăn nhiều xúc xích và thịt xông khói có thể gây ung thư
Theo một công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thịt qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích và thịt nguội có thể gây ung thư. Theo đó, những người ăn 50g thịt qua chế biến mỗi ngày, tức là khoảng 2 lát thịt xông khói sẽ đối mặt với nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng (ruột) tăng lên 18%.
Trong khi đó, bản báo cáo của WHO cho thấy thịt đỏ “có thể gây ung thư”, nhưng bằng chứng về vấn đề này còn rất hạn chế. WHO nhấn mạnh rằng thịt cũng có lợi cho sức khỏe của chúng ta. Theo Trung tâm nghiên cứu ung thư của Anh, phát hiện này sẽ giúp chúng ta cắt giảm, chứ không phải loại bỏ thịt đỏ và thịt qua chế biến trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Thịt qua chế biến được chế biến để kéo dài hạn sử dụng hoặc thay đổi hương vị của thịt bằng cách hun khói, thêm muối hoặc chất bảo quản. Những hóa chất được cho vào trong quá trình chế biến thịt khiến người ăn vào có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao. Nấu ở nhiệt độ cao như nướng hoặc rán cũng có thể tạo ra các chất gây ung thư. Các món này bị xếp ngang hàng với các tác nhân gây ung thư khác như rượu, amiang (còn gọi là asbestos), thạch tín và thuốc lá.
Giáo sư Tim Key đến từ Trung tâm nghiên cứu ung thư, Anh cho biết: ”Phát hiện này không đồng nghĩa với việc bạn cần phải ngừng ăn bất kỳ loại thịt đỏ và thịt qua chế biến. Nhưng nếu đang ăn quá nhiều, bạn sẽ suy nghĩ lại về thực đơn hiện tại. Thi thoảng ăn thịt xông khói cũng không quá nguy hiểm”. Thịt qua chế biến được xếp ngang hàng với phóng xạ plutonium, rượu, các tác nhân gây ung thư cao. Mặc dù vậy, ông cũng cho biết không cần phải ngưng hẳn việc sử dụng thịt đỏ và thịt chế biến công nghiệp. Tuy nhiên cần phải giảm lượng sử dụng hằng ngày. Tiến sỹ Teresa Norat của WHO cũng bổ sung rằng có rất nhiều nguyên nhân gây ra ung thư đại tràng. Để giảm nguy cơ ung thư, cần giảm lượng thịt ăn vào. Thay vào đó, chúng ta cần tăng khẩu phần nhiều chất xơ như rau, củ, trái cây, duy trì cân nặng hợp lý, giảm uống rượu và tránh lối sống thụ động.
Robert Pickard, thành viên của ban tư vấn chế độ dinh dưỡng và chiến lược chống ung thư Đại học Cardiff, cho biết: "Những ưu tiên hàng đầu cho công tác ngăn ngừa ung thư không chỉ ngừng hút thuốc, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, tránh sử dụng đồ uống có cồn mà còn có thực đơn ăn thịt hợp lý. Điều này không có nghĩa bạn phải ngừng ăn thịt đỏ và thịt qua chế biến. Chúng ta có thể thay đổi bằng thịt cá hoặc lựa chọn salad đậu cho các món thịt". Thêm vào đó, tiến sĩ Elizabeth Lund - một nhà tư vấn độc lập trong vấn đề về sức khỏe tiêu hóa tại Viện Nghiên cứu Thực phẩm Anh - cho hay cô đã công tác trong ngành công nghiệp thịt lâu năm và chứng kiến trên 100.000 trường hợp ở các nước phát triển, mắc ung thư ruột có liên quan đến thịt đỏ và thịt chế biến.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thịt qua chế biến rất nguy hiểm. Một lát thịt xông khói không gây hại nhiều như một điếu thuốc. “Khả năng một người bị ung thư đại trực tràng do ăn thịt qua chế biến là nhỏ. Tuy nhiên, ăn càng nhiều thì nguy cơ càng cao”, Tiến sĩ Kurt Straif thuộc WHO cho biết. Ước tính mỗi năm có khoảng 34.000 người măc bệnh ung thư thiệt mạng xuất phát từ nguyên nhân khẩu phần ăn quá nhiều thịt qua chế biến.
Con số này không thấm vào đâu so với 1 triệu ca tử vong ung thư do hút thuốc lá và 600.000 người thiệt mạng vì uống rượu mỗi năm. Tuy nhiên, WHO cho biết thông tin ăn 100g thịt đỏ mỗi ngày khả năng mắc ung thư lên tới 17% là chưa được kiểm chứng đầy đủ.