3 quan niệm sai lầm về vaccine Covid-19 của AstraZeneca

Quan niệm người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ không mắc bệnh có thể khiến chúng ta chủ quan. Nếu không tuân thủ quy định đã ban hành, nguy cơ bùng phát dịch là rất cao.

Gần đây, hàng chục nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mắc Covid-19. Họ đều đã được tiêm vaccine của AstraZeneca. Điều này khiến nhiều người cho rằng vaccine mất đi hiệu quả. Tuy nhiên, đây là cách hiểu sai.

100% người được tiêm vaccine sẽ không bị mắc Covid-19?

Theo Giáo sư Trần Tịnh Hiền, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, không có bất cứ loại vaccine nào bảo vệ 100% người tiêm.

Theo phân tích của Cố vấn chuyên môn cao cấp tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (Anh), dựa trên các thông tin khảo sát của AstraZeneca cũng như số liệu thống kê tỷ lệ dương tính ở Mỹ, vaccine không phải là biện pháp bảo vệ tuyệt đối trước đại dịch.

Giáo sư Hiền nhấn mạnh việc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hay ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vaccine và ghi nhận trường hợp dương tính không phải là sự thất bại của tiêm chủng.

Đồng quan điểm, TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội), nhấn mạnh vaccine Covid-19 không bảo vệ tuyệt đối.


Quan điểm người tiêm vaccine Covid-19 sẽ không bị mắc bệnh là sai lầm. (Ảnh: Reuters).

Vị chuyên gia cũng tiết lộ khi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đánh giá lại những người đã tiêm chủng sau một tháng, kết quả cho thấy đến 90% số người đã tiêm mũi 1 đã sinh kháng thể. Đây là kết quả rất khả quan cho thấy, chúng ta đã được vaccine bảo vệ, mặc dù khả năng bảo vệ có thể chưa đủ mạnh. Đây là lý do chúng ta phải tiêm mũi 2.

Đặc biệt, khi đã tiêm vaccine, người được tiêm có thể không mắc Covid-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.

Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), khẳng định vaccine Covid-19 không phải là “bùa hộ mệnh” trước dịch Covid-19.

Ngay sau khi tiêm vaccine sẽ không bị mắc bệnh?

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, ít nhất 12-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu sinh kháng thể. Sau tiêm mũi thứ 2, vaccine đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ một tháng trở lên. Hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo từng loại vaccine.

PGS Trần Đắc Phu cũng cho rằng hiệu quả tiêm chủng sẽ đạt cao sau khi hoàn thành 2 mũi (sau mũi thứ 2 khoảng 1 tháng). Hiệu quả bảo vệ của từng vaccine khác nhau, ở mỗi người được tiêm cũng khác nhau. Người sinh miễn dịch tốt thì hiệu quả tốt và ngược lại.

Một số đánh giá ban đầu ở giai đoạn 3 của vaccine tại Anh và Brazil, người được tiêm mũi đầu tiên vaccine Covid-19 có tỷ lệ chống virus là khoảng 76%. Con số này sau khi tiêm mũi thứ 2 là 82%.


Vaccine của AstraZeneca là loại đầu tiên được Việt Nam phê duyệt và nhập khẩu. (Ảnh: Chí Hùng).

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Delta, được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ), không chỉ vaccine của AstraZeneca, tỷ lệ chống lại virus của nhiều loại vaccine khác cũng giảm.

Cụ thể, hiệu quả mũi đầu tiên của vaccine biến chủng B.1.1.7 (phát hiện lần đầu tại Anh) là 51%, con số này với biến chủng Ấn Độ là 33%. Trong khi đó, hiệu quả chống virus của mũi thứ 2 vaccine Covid-19 với biến chủng Anh là 93% và còn 80% với biến chủng Ấn Độ.

"Chúng ta có thể thấy vaccine vẫn có những bất lợi so với sự phát triển của virus. Tuy nhiên, dựa trên thống kê trên thực tế, vaccine vẫn giúp người được tiêm không có diễn biến nặng, tỷ lệ nhiễm trùng không triệu chứng giảm còn khoảng 50-60%. Quan trọng hơn, tỷ lệ tử vong với nhóm này cũng được giảm xuống tối đa", ông Dũng nhấn mạnh.

Chỉ có người khỏe mạnh mới được tiêm vaccine Covid-19?

Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị trong tình thế nguồn cấp vaccine còn hạn chế, vaccine nên ưu tiên cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao, người lớn tuổi (bao gồm nhóm từ 65 tuổi trở lên).

Bên cạnh những nhóm ưu tiên trên, WHO khuyến khích những trường hợp mắc bệnh lý nền, nhóm có nguy cơ mắc Covid-19 cao hoặc dễ gặp biến chứng nặng như người bị béo phì, tim mạch, hô hấp, tiểu đường nên tiêm vaccine của AstraZeneca.


Người dân nên tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. (Ảnh: Hoàng Hiệp).

Ngoài ra, vaccine của AstraZeneca không được khuyến cáo cho người dưới 18 tuổi.

Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Bộ Y tế nêu rõ 4 nhóm người sau đây không được tiêm phòng:

  • Người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần hoạt chất hoặc tá dược nào liệt kê trong mục thành phần vaccine.
  • Người có cơ địa dị ứng hoặc bệnh lý có sẵn, nếu không chắc chắn về tình trạng dị ứng do cơ địa, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn.
  • Người bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch (corticosteroid liều cao, thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc ung thư).
  • Người đang bị nhiễm trùng, sốt (≥ 37,5°C).
  • Người gặp các vấn đề về xuất huyết/chảy máu hoặc bầm tím, hoặc đang dùng thuốc chống đông máu.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tiêm vaccine Covid-19 là biện pháp phòng bệnh rất quan trọng. Tuy nhiên, người dân nói chung, các trường hợp đã được tiêm vaccine Covid-19 nói riêng vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc thực hiện quy tắc 5K: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế. Đây là biện pháp cần duy trì trong bối cảnh hiện nay.

"Kể cả trên thế giới, các quốc gia vẫn kêu gọi phòng bệnh cá nhân. Đặc biệt, Israel đã tiêm được vaccine Covid-19 cho 50% dân số nhưng họ vẫn kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Đó là chưa kể tới việc xuất hiện biến chủng có thể vô hiệu hóa vaccine", PGS Phu nhận định.

Cập nhật: 16/06/2021 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video