Mặc dù tuổi tác và việc tiếp xúc với tiếng động quá lớn là những nguyên nhân phổ biến nhất làm con người suy giảm hoặc mất cảm giác ở cơ quan thính giác, nhưng chứng lãng tại đôi khi có thể là triệu chứng của một căn bệnh khác.
Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh lãng tai
1. Nghiến răng
Nghiến hoặc siết chặt các răng có thể gây trục trặc cho khớp hàm, tạo sức căng lên các cơ và khiến chúng bị đau tấy. Căn bệnh này được y học gọi là hội chứng đau đớn trong hoạt động hàm (TMJ), đang tấn công 1/5 người trong chúng ta vào một thời điểm nào đó.
Thường thì việc nghiến răng xảy ra vào ban đêm, và bạn có thể không hay biết về nó cho tới khi bị đau hoặc cứng hàm vào sáng hôm sau. Thói quen không tốt này cũng có thể gây ra các tiếng động nhỏ khi bạn trò chuyện hoặc nhai, đau hoặc khó mở miệng, các cơn đau đầu dữ dội (đặc biệt đâu nửa đầu), đau tai, ù tai và đôi khi suy giảm thính lực ở một hoặc cả 2 tai, có thể bắt nguồn từ sự co thắt các cơ của tai trong.
Vấn đề thường có thể tự hết. Tuy nhiên, theo giáo sư Andrew Eder, một chuyên gia trong lĩnh vực nha khoa, một số bệnh nhân có thể cần phải dùng thuốc kháng viêm phi steroid một thời gian ngắn hoặc đeo một dụng cụ bảo vệ miệng vào ban đêm để chia tác hàm răng trên và dưới, giúp xoa dịu khớp hàm và để các cơ thư giãn.
2. Các virus
Bệnh cảm lạnh thông thường có thể dẫn đến tình trạng lãng tai vì đường dẫn âm thanh tắc nghẹt, do sự tích tụ chất dịch trong ống Eustachian chạy từ phía sau mũi tới tai giữa. Trẻ em nhiều khả năng mắc chứng lãng tai kiểu này nhất, vì chúng làm hẹp ống Eustachian.
Một số loại virus, kể cả virus gây bệnh quai bị (Cytomegalovirus), bệnh zôna (Herpes Zoster), các virus gây bệnh cúm và cảm lạnh thông thường, có thể làm tổn hại tai trong, dẫn đến lãng tai và đôi khi bị điếc vĩnh viễn. Với virus gây bệnh quai bị, tổn thương có thể xảy ra với bào thai nếu người mẹ nhiễm mầm bệnh trong khi mang bầu.
Chỉ tính riêng tại Anh, mỗi năm có tới 6.000 người trưởng thành bị suy giảm thính lực không rõ nguyên nhân - hiện tượng có thể xảy ra trong vòng vài ngày, đôi khi là kết quả của một viêm nhiễm nào đó. Một năm sau khi bị lãng tai đột ngột như vậy, 1/3 số bệnh nhân không hồi phục được thính lực, 1/3 hồi phục hoàn toàn và phần còn lại chỉ hồi phục một phần thính lực nào đó.
Thuốc steroid hiện là giải pháp chữa trị duy nhất giúp các bệnh nhân lấy lại thính lực. Chúng có thể hữu ích trong một số trường hợp, nếu được uống trong vòng 2 tuần do có tác dụng trấn áp tình trạng viêm tấy.
3. Các khối u lành tính
Sự tắc nghẹt ống tai do các u nang lành tính có thể làm suy giảm thính lực, bằng cách ngăn cản âm thanh. Việc chữa trị ung thư cũng có thể dẫn tới việc suy giảm thính lực một phần hoặc hoàn toàn, do phương pháp hóa trị có thể làm tổn hại ốc tai hoặc dây thần kinh thính giác.
Chứng u dây thần kinh thính giác - một loại khối u não hiếm gặp hình thành trên một dây thần kinh đảm nhiệm vai trò kiểm soát sự thăng bằng và thính lực, có thể gây lãng tai, thường ở một bên tai. Các triệu chứng có thể xuất hiện từ từ và cũng có thể bao gồm cả hiện tượng hoa mắt hoặc ù tai, tê bì một bên mặt và thỉnh thoảng kèm đau đầu cùng các vấn đề thị giác. Cách chữa trị cho căn bệnh này thường là phẫu thuật, mặc dù phương pháp xạ trị cũng có thể được sử dụng.
4. Chứng béo phì
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự liên quan giữa chứng béo phì với chứng lãng tai. Theo một nghiên cứu đăng tải năm 2013 trên tạp chí Laryngoscope, so với các bạn đồng trang lứa có cân nặng bình thường, trẻ vị thành niên béo phì nhiều khả năng sẽ bị suy giảm thính lực hơn và tăng gấp đôi nguy cơ bị lãng tai một bên trước các âm thanh có tần số thấp, chẳng hạn như tiếng kèn trombone.
Các nhà nghiên cứu phỏng đoán, tình trạng viêm nhiễm bắt nguồn từ chứng béo phì có thể góp phần dẫn tới sự suy giảm thính lực.