5 biến chủng nCoV mới được WHO gắn mác "đáng quan tâm"

Các biến chủng nCoV mới được xếp vào nhóm "đáng quan tâm" đã từng xuất hiện ở nhiều ổ dịch trên thế giới, tiềm ẩn nguy cơ kháng vaccine và lây lan mạnh.

5 biến chủng ncov đáng lưu tâm

Sau gần hai năm, dịch Covid-19 vẫn bùng phát và trở thành nỗi ám ảnh ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, sự xuất hiện của các biến chủng nCoV mới khiến công cuộc chống lại đại dịch càng khó khăn hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Delta, Gamma, Alpha, Beta là 4 biến chủng đáng quan ngại (VOCs). Đây là những biến chủng được khẳng định có liên quan sự gia tăng của các ca mắc Covid-19, khả năng lây lan nhanh hơn chủng cũ. Chúng cũng được cảnh báo có thể giảm hiệu quả của vaccine.

Trong khi đó, biến chủng đáng quan tâm (VOIs) hay cần theo dõi là các chủng xuất hiện ở nhiều ổ dịch tại nhiều quốc gia khác nhau, chứa một vài dạng đột biến có tiềm năng nguy hiểm, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy chúng dễ lây lan hơn hay có độc lực cao hơn.

Hiện tại, WHO theo dõi và xếp 5 biến chủng nCoV mới vào nhóm đáng quan tâm.

Mu

Biến chủng này còn có tên khoa học B.1.621, xuất hiện lần đầu tiên tại Colombia vào đầu tháng 1. Ngày 30/8, WHO bổ sung Mu vào danh sách biến chủng Covid-19 cần theo dõi.

B.1.6.21 đã gây ra một số chùm ca bệnh rải rác tại Nam Mỹ và châu Âu. Tuy vậy, biến chủng này không lây lan mạnh như chủng Delta. Các nhà khoa học nhận định đây không phải là mối đe dọa lớn đối với thế giới.

WHO tiết lộ lý do khiến Mu cần phải theo dõi vì “có một vài đột biến có thể có khả năng vượt qua hệ miễn dịch, giống như hiện tượng xảy ra với biến chủng Beta” và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Hiện tại, bản tin hàng tuần của WHO cho thấy chủng này chỉ chiếm ít hơn 0,1% các trường hợp mắc Covid-19 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, “tỷ lệ mắc chủng Mu ở Colombia (39%) và Ecuador (13%) liên tục tăng cao”. Các số liệu cũng cho thấy ít nhất 48 F0 nhiễm biến chủng này ở Anh.


Biến chủng Mu chiếm đến 39% số ca mắc Covid-19 tại Colombia. (Ảnh: ABC).

Nhà virus học, tiến sĩ Julia Tang, Đại học Leicester, Anh, trả lời phỏng vấn của Telegraph cho biết biến chủng Mu có 3 đột biến tương tự Alpha, Beta.

“Chúng ta đã biết các đột biến này từng được cho là giúp biến chủng kháng lại vaccine, tăng khả năng lây nhiễm. Các đột biến còn lại trên bộ gene virus khiến nó hoạt động hơi khác so với những biến chủng khác. Chúng ta cần thêm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thế giới thực để có thể miêu tả đầy đủ nhất tác động của biến chủng này tới vaccine”, bà nói thêm.

Lambda

Theo DW, biến chủng SARS-CoV-2 Lambda (hay còn gọi là C.37) được phát hiện lần đầu tiên ở Peru. Chỉ sau thời gian ngắn, nó nhanh chóng khiến các chuyên gia ở Mỹ Latin lo lắng về những đột biến bất thường.

Lambda có 7 đột biến trong protein mà virus sử dụng để lây nhiễm sang tế bào người. Các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến đột biến L452Q, tương tự L452R đã được phát hiện ở biến chủng Delta. Đây cũng là đột biến giúp biến chủng Delta lây lan nhanh hơn.

"Chúng tôi vẫn chưa biết chính xác liệu Lambda có khả năng lây nhiễm cao hơn hay kháng vaccine phòng bệnh không. Tuy nhiên, cho đến nay, có vẻ như biến chủng này dễ lây lan hơn so với chủng gốc SARS-CoV-2 ban đầu", tiến sĩ Preeti Malani, giám đốc y tế bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Đại học Michigan, Mỹ cho biết.


Philippines là quốc gia châu Á mới nhất phát hiện ca mắc biến chủng Lambda. (Ảnh: Reuters).

Theo một bài báo của hai chuyên gia Nhật Bản được đăng tải vào đầu tháng 8 trên trang biorxiv.org, biến chủng Lambda mang 3 đột biến RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S, có thể thoát khỏi kháng thể sau khi nhiễm và sau khi tiêm một số loại vaccine.

Tuy nhiên, bài viết vẫn chưa được xuất bản trên một tạp chí có thẩm định. Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy biến chủng Lambda ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của vacicne. Cho đến nay, nghiên cứu mức độ bảo vệ của vaccine trước biến chủng Lambda vẫn cần thực hiện thêm.

Ngày 17/6, Tổ chức Y tế Thế giới phân loại Lambda là “biến chủng đáng quan tâm”, sau khi nó lan nhanh ra toàn cầu. Việc phân loại cho thấy biến chủng mới dễ lây hơn và khó điều trị, có thể tăng khả năng diễn biến nặng ở các bệnh nhân.

Eta

Theo Guardian, biến chủng này còn có tên gọi là B.1.525, được phát hiện vào giữa tháng 2. Ngày 15/2, các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh (Anh), tình cờ phát hiện biến chủng này sau khi giải trình tự gene các bệnh nhân ở 10 quốc gia như Đan Mạch, Mỹ, Australia. Chỉ sau 3 ngày, biến chủng này đã xuất hiện ở 13 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Biến chủng này chứa đột biến E484K, loại có trong B1351 của Nam Phi và P.1 từ Brazil. Nó từng được các nhà khoa học cảnh báo là có thể kháng vaccine.

Đột biến E484K làm thay đổi hình dạng gai protein của virus. Dạng đột biến đặc biệt này khiến virus khó bị hệ thống miễn dịch của cơ thể người phát hiện hơn. Đây là điểm khiến các biến chủng chứa đột biến E484K trở nên nguy hiểm và khó lường hơn.

Biến chủng B1525 đồng thời chứa dạng đột biến Q677H, vốn được phát hiện nhiều ở Đan Mạch, Anh và Mỹ, và thể đột biến F888L.

Tuy nhiên, giám đốc Yvonne Doyle của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho biết: "Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng mới (B1525) gây bệnh nặng hơn hoặc có khả năng lây nhiễm cao hơn". Dù vậy, giới chuyên gia vẫn lên tiếng cảnh báo và yêu cầu theo dõi chặt biến chủng Eta.

Ngày 17/3, WHO xếp Eta vào nhóm biến chủng đáng quan tâm.


Nhân viên y tế test Covid-19 cho người dân tại SVĐ Ashton Gate, ở Bristol, Anh, vào ngày 11/1. (Ảnh: AP).

Kappa

Biến chủng này có tên gọi khác là B.1.617.1, gần giống Delta (B.1.617.2), cũng được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 10/2020. Indian Express gọi Kappa và Delta là “anh em ruột” vì cùng là “hậu duệ” của biến chủng kép B.1.617.

Đầu tháng 7, Kappa gây "báo động đỏ" tại Ấn Độ, khiến giới y khoa trên toàn cầu thúc đẩy tiến hành giải trình tự gene để giám sát sự lây lan của biến thể này.

Những triệu chứng nhiễm chủng Kappa tương tự ở người bị bệnh sởi, xuất hiện 1-2 ngày sau khi virus xâm nhập cơ thể. Biến chủng này đã khiến một bệnh nhân không có tiền sử đi lại, sống tại bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, tử vong.

Kappa là biến chủng kép chứa các đột biến E484Q và L453R. Đột biến L453R cũng xuất hiện trên Delta. Do đó, giới chuyên gia Ấn Độ lo ngại nó có khả năng làm suy yếu miễn dịch.

Tuy nhiên, sau đó, số ca nhiễm chủng Kappa so với Delta chiếm tỷ lệ không nhiều trong làn sóng Covid-19 thứ 2 tại Ấn Độ. Ngoài ra, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) tuyên bố vaccine Covaxin của Bharat Biotech có thể chống lại biến chủng này. Vào tháng 6, Đại học Oxford (Anh) cũng chia sẻ nghiên cứu cho thấy vaccine AstraZeneca bảo vệ chúng ta khỏi Kappa.

Biến chủng Kappa được WHO xếp vào nhóm đáng quan tâm vào ngày 4/4.


Biến chủng Kappa từng khiến Ấn Độ phải "báo động đỏ" vì khả năng lây lan của nó. (Ảnh: Quarzt).

Iota

Theo New York Times, lần đầu tiên thế giới biết đến biến chủng Iota (B.1.526) là trong các mẫu được thu thập tại New York, Mỹ, vào tháng 11/2020.

Các nhà nghiên cứu của Caltech đã phát hiện sự gia tăng của B.1.526 bằng cách quét các đột biến trong trình tự bộ gene của virus dựa trên cơ sở dữ liệu GISAID.

Họ nhận thấy có hai biến chủng virus mới xuất hiện ngày càng nhiều. Cụ thể, biến chủng với đột biến E484K được tìm thấy ở Nam Phi và Brazil có thể làm suy yếu hiệu quả vaccine. Trong khi đó, một đột biến khác có tên là S477N, có thể ảnh hưởng đến mức độ liên kết chặt chẽ của virus với tế bào người.

Vào giữa tháng 2, hai biến thế này đã chiếm khoảng 27% trong số các ca nhiễm được lưu vào cơ sở dữ liệu của thành phố New York. Sau đó, một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ các nhiễm do B.1.526 gây ra đã tăng lên khoảng 35%. Theo New York Times, cả hai loại biến thể đều đã được nhóm lại với tên gọi B.1.526.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Columbia cũng phát hiện ra biến thể mới thông qua giải trình 1.142 mẫu từ bệnh nhân. Họ phát hiện ra rằng 12% người bệnh đã bị nhiễm biến thể có chứa đột biến E484K.

Iota được WHO xếp vào nhóm biến chủng đáng quan tâm vào ngày 24/3. Đến nay, số ca F0 nhiễm biến chủng này không còn được báo cáo tại Mỹ.

Cập nhật: 04/09/2021 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video