Top 20 dịch bệnh “xuyên thế kỷ” đáng sợ nhất hành tinh

Những dịch bệnh nguy hiểm từng xuất hiện trên thế giới

Bệnh dịch đã tàn phá nhân loại trong suốt quá trình tồn tại của mình. Trong suốt quá trình lịch sử, các đợt bùng phát dịch bệnh đã tàn phá nhân loại, đôi khi thay đổi tiến trình lịch sử và đôi khi báo hiệu sự kết thúc của toàn bộ các nền văn minh.

1. Dịch bệnh thời tiền sử: Khoảng 3000 năm trước Công nguyên

Việc phát hiện ra ngôi nhà 5.000 năm tuổi ở Trung Quốc chứa đầy những bộ xương là bằng chứng về một trận dịch chết người. Khoảng 5.000 năm trước, một trận dịch đã quét sạch một ngôi làng thời tiền sử ở Trung Quốc. Xác của những người chết được nhét trong một ngôi nhà sau đó đã bị thiêu rụi. Địa điểm khảo cổ này được gọi là "Hamin Mangha" và là một trong những địa điểm thời tiền sử được bảo tồn tốt nhất ở đông bắc Trung Quốc. Nghiên cứu khảo cổ học và nhân chủng học chỉ ra rằng, dịch bệnh xảy ra nhanh đến mức không có thời gian để chôn cất và địa điểm này không có người sinh sống trở lại.

2. Bệnh dịch ở Athens: 430 trước công nguyên

Vào khoảng năm 430 TCN, không lâu sau khi chiến tranh giữa Athens và Sparta bắt đầu, một trận dịch đã tàn phá người dân Athens và kéo dài trong 5 năm. Một số ước tính cho biết, số người chết lên tới 100.000 người. Nhà sử học Hy Lạp Thucydides (460-400 trước Công nguyên) đã viết rằng: "những người có sức khỏe tốt đều đột ngột bị tấn công bởi những cơn nóng dữ dội ở đầu, và đỏ và viêm ở mắt, các bộ phận bên trong như cổ họng hoặc lưỡi, phát ra hơi thở không tự nhiên và có mùi hôi”.

Chính xác dịch bệnh này là gì từ lâu đã trở thành nguồn tranh luận giữa các nhà khoa học; một số bệnh đã được đưa ra như sốt thương hàn và Ebola . Nhiều học giả tin rằng, tình trạng quá tải do chiến tranh đã làm trầm trọng thêm dịch bệnh. Quân đội của Sparta mạnh hơn, buộc người Athen phải ẩn náu sau hàng loạt công sự bảo vệ thành phố. Bất chấp dịch bệnh, chiến tranh vẫn tiếp diễn, không kết thúc cho đến năm 404 trước Công nguyên, khi Athens buộc phải đầu hàng Sparta.

3. Bệnh dịch Antonine: 165-180 sau Công nguyên


Những người lính Đế chế La Mã trở về nhà sau khi đánh trận và mang theo bệnh đậu mùa.

Khi những người lính trở về Đế chế La Mã sau chiến đấu, họ đã mang về nhiều chiến lợi phẩm. Nhiều nhà sử học tin rằng, dịch bệnh lần đầu tiên được đưa vào Đế chế La Mã bởi những người lính trở về nhà sau cuộc chiến chống lại Parthia. Dịch bệnh đã góp phần vào sự kết thúc của Pax Romana (Hòa bình La Mã), giai đoạn từ năm 27 trước Công nguyên đến năm 180 sau Công nguyên, khi La Mã đang ở đỉnh cao quyền lực. Sau năm 180 sau Công nguyên, sự bất ổn gia tăng trên khắp Đế chế La Mã, khi nó trải qua nhiều cuộc nội chiến và các cuộc xâm lược của các nhóm "man rợ ". Cơ đốc giáo ngày càng trở nên phổ biến trong thời gian sau khi bệnh dịch xảy ra.

4. Bệnh dịch ở Cyprian: 250-271 sau Công nguyên

Được đặt theo tên của Thánh Cyprian, một giám mục của Carthage (một thành phố ở Tunisia), người đã mô tả dịch bệnh là dấu hiệu của ngày tận thế , bệnh dịch Cyprian ước tính đã giết chết 5.000 người mỗi ngày ở Rome. Vào năm 2014, các nhà khảo cổ học ở Luxor đã tìm thấy nơi có vẻ như là một khu chôn cất hàng loạt các nạn nhân của bệnh dịch hạch. Cơ thể của họ được bao phủ bởi một lớp vôi dày (trong lịch sử được sử dụng như một chất khử trùng). Các nhà khảo cổ tìm thấy ba lò nung được sử dụng để sản xuất vôi và thiêu hài cốt của các nạn nhân bệnh dịch hạch.

Các chuyên gia không chắc chắn bệnh gì đã gây ra dịch.

5. Bệnh dịch hạch Justinian: 541-542 sau Công nguyên

Đế chế Byzantine đã bị tàn phá bởi bệnh dịch hạch, đánh dấu sự bắt đầu suy tàn của đế chế. Bệnh dịch hạch tái phát định kỳ sau đó. Một số ước tính cho rằng có tới 10% dân số thế giới chết.

Bệnh dịch được đặt theo tên của Hoàng đế Byzantine Justinian (trị vì 527-565 sau Công nguyên). Dưới thời trị vì của ông, Đế chế Byzantine đạt đến mức độ lớn nhất, kiểm soát lãnh thổ trải dài từ Trung Đông đến Tây Âu. Justinian đã xây dựng một nhà thờ lớn được gọi là Hagia Sophia ("Holy Wisdom") ở Constantinople (Istanbul ngày nay), thủ đô của đế chế. Justinian cũng bị bệnh dịch và sống sót; tuy nhiên, đế chế của ông đã dần mất đi lãnh thổ trong thời gian sau khi bệnh dịch hoành hành.

6. Cái chết đen: 1346-1353


Vũ điệu tử thần trong đại dịch Cái chết đen.

Cái chết đen diễn ra từ châu Á sang châu Âu. Một số ước tính cho rằng, bệnh dịch này đã xóa sổ hơn một nửa dân số châu Âu. Bệnh dịch này được gây ra bởi một dòng vi khuẩn Yersinia pestis có khả năng đã tuyệt chủng ngày nay và do bọ chét lây lan trên các loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh. Thi thể các nạn nhân được chôn trong các ngôi mộ tập thể .

Bệnh dịch đã thay đổi tiến trình lịch sử của châu Âu với rất nhiều người chết.Việc thiếu lao động giá rẻ cũng có thể góp phần vào việc đổi mới công nghệ.

7. Dịch bệnh Cocoliztli: 1545-1548

Các nhiễm trùng gây ra dịch bệnh cocoliztli là một hình thức của bệnh sốt xuất huyết đã giết chết 15 triệu cư dân của Mexico và Trung Mỹ.

Một nghiên cứu gần đây đã kiểm tra ADN từ bộ xương của các nạn nhân đã phát hiện ra rằng, họ bị nhiễm một phân loài của Salmonella được gọi là S. paratyphi C gây sốt ruột, một loại sốt bao gồm bệnh thương hàn. Sốt ruột có thể gây sốt cao, mất nước và các vấn đề về đường tiêu hóa và vẫn là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người ngày nay.

8. American Plagues: thế kỷ 16

American Plagues là một cụm bệnh Âu-Á do các nhà thám hiểm châu Âu mang đến châu Mỹ. Những căn bệnh này, bao gồm cả bệnh đậu mùa, đã góp phần vào sự sụp đổ của nền văn minh Inca và Aztec. Một số ước tính cho rằng 90% dân số bản địa ở Tây Bán cầu đã bị chết.

Căn bệnh này đã giúp một lực lượng Tây Ban Nha do Hernán Cortés lãnh đạo chinh phục thủ đô Tenochtitlán của người Aztec vào năm 1519 và một lực lượng Tây Ban Nha khác do Francisco Pizarro lãnh đạo chinh phục người Inca năm 1532. Người Tây Ban Nha đã chiếm lãnh thổ của cả hai đế chế. Trong cả hai trường hợp, quân đội Aztec và Incan đã bị tàn phá bởi dịch bệnh và không thể chống chọi với các lực lượng Tây Ban Nha.

9. Đại dịch hạch Luân Đôn: 1665-1666

Trận bùng phát lớn cuối cùng của Cái chết Đen ở Anh đã gây ra một cuộc di cư ồ ạt khỏi London, do Vua Charles II dẫn đầu. Bệnh dịch bắt đầu vào tháng 4 năm 1665 và lây lan nhanh chóng trong những tháng mùa hè nóng nực. Bọ chét từ các loài gặm nhấm nhiễm bệnh dịch hạch là một trong những nguyên nhân chính truyền bệnh. Vào thời điểm bệnh dịch kết thúc, khoảng 100.000 người, bao gồm 15% dân số London, đã chết.

10. Đại dịch hạch Marseille: 1720-1723

Các ghi chép lịch sử nói rằng Đại dịch hạch ở Marseille, Pháp bắt đầu khi một con tàu có tên là Grand-Saint-Antoine cập cảng Marseille, chở hàng hóa từ phía đông Địa Trung Hải. Mặc dù con tàu đã được kiểm dịch, nhưng bệnh dịch hạch vẫn xâm nhập vào thành phố, có thể là do bọ chét trên các loài gặm nhấm nhiễm bệnh dịch hạch.

Bệnh dịch lây lan nhanh chóng, và trong ba năm vào những năm 1720, có thể có tới 100.000 người đã chết ở Marseille và các khu vực lân cận. Người ta ước tính rằng có tới 30% dân số Marseille có thể đã thiệt mạng.

11. Bệnh dịch hạch ở Nga: 1770-1772

Dịch hạch hoành hành ở Mátxcơva vào khoảng năm 1770, những công dân bị cách ly bùng phát thành bạo lực. Bạo loạn lan rộng khắp thành phố và lên đến đỉnh điểm là vụ sát hại Tổng giám mục Ambrosius, người đang khuyến khích đám đông không tụ tập tại nhà thờ.

Hoàng hậu của Nga, Catherine II (còn được gọi là Catherine Đại đế ), đã rất tuyệt vọng trong việc ngăn chặn bệnh dịch và khôi phục trật tự công cộng. Vào thời điểm bệnh dịch kết thúc, khoảng 100.000 người có thể đã chết.Năm 1773, Yemelyan Pugachev, một người tự xưng là Peter III (người chồng bị hành quyết của Catherine), đã dẫn đầu một cuộc nổi dậy dẫn đến cái chết của hàng nghìn người khác.

12. Dịch sốt vàng da Philadelphia: 1793

Khi cơn sốt vàng da hoành hành Philadelphia, Mỹ vào thời điểm đó, các quan chức đã lầm tưởng rằng nô lệ được miễn nhiễm. Do đó, những người theo chủ nghĩa bãi nô đã kêu gọi những người gốc Phi được tuyển dụng để chăm sóc người bệnh.

Căn bệnh này do muỗi mang mầm bệnh và lây truyền trong thời tiết mùa hè đặc biệt nóng và ẩm ướt ở Philadelphia năm đó. Cho đến khi mùa đông đến, muỗi chết hết, dịch bệnh mới dừng lại. Đến lúc đó, hơn 5.000 người đã chết.

13. Cúm Tây Ban Nha: 1918-1920

Ước tính có khoảng 500 triệu người từ Nam đến Bắc Cực đã trở thành nạn nhân của Dịch cúm Tây Ban Nha . Một phần năm trong số đó đã chết, với một số cộng đồng bản địa bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng. Khả năng lây lan và khả năng gây chết người của bệnh cúm được tăng cường do điều kiện chật chội và chế độ dinh dưỡng kém trong thời chiến mà nhiều người đã trải qua trong Thế chiến thứ nhất.


Một bệnh viện cấp cứu trong thời gian dịch cúm năm 1918 tại trại Funsston, Kansas.

Mặc dù có tên là Cúm Tây Ban Nha, bệnh có thể không bắt đầu ở Tây Ban Nha. Tây Ban Nha là một quốc gia trung lập trong thời kỳ chiến tranh và không thực thi kiểm duyệt nghiêm ngặt báo chí, do đó có thể tự do công bố sớm về căn bệnh này.

Trong dịch cúm theo mùa, khoảng 15% dân số nhiễm bệnh do virus lây lan. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch bệnh này xảy ra hằng năm nên dẫn đến tình trạng khoảng từ 3 triệu đến 5 triệu người bị cúm nặng và khoảng 250 nghìn đến 500 nghìn ca tử vong mỗi năm trên thế giới.

14. Dịch bệnh bại liệt ở Mỹ: 1916

Một trận dịch bại liệt bắt đầu ở thành phố New York đã gây ra 27.000 ca mắc và 6.000 ca tử vong ở nước Mỹ. Căn bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em và đôi khi khiến những người sống sót bị tàn tật vĩnh viễn.

Dịch bệnh bại liệt xảy ra lẻ tẻ ở Mỹ cho đến khi vắc-xin Salk được phát triển vào năm 1954. Khi vắc-xin này được phổ biến rộng rãi, các ca bệnh ở Mỹ đã giảm. Trường hợp bại liệt cuối cùng ở Mỹ được báo cáo vào năm 1979. Những nỗ lực tiêm chủng trên toàn thế giới đã làm giảm đáng kể căn bệnh này, mặc dù nó vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn.

15. Cúm Châu Á: 1957-1958


Đại dịch cúm gia cầm châu Á.

Đại dịch Cúm Châu Á là một đại dịch cúm toàn cầu khác. Bắt nguồn từ Trung Quốc, căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người. Loại virus gây ra đại dịch là sự pha trộn của các loại virus cúm gia cầm.

Các Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật ghi chú rằng, sự lây lan bệnh nhanh chóng và được đưa tin ở Singapore vào tháng năm 1957, Hồng Kông vào tháng Tư năm 1957, và các thành phố ven biển của Mỹ vào mùa hè năm 1957. Tổng số người chết là hơn 1,1 triệu người trên toàn thế giới, với 116.000 trường hợp tử vong ở Mỹ.

16. Bệnh SARS

SARS là chữ viết tắt của Hội chứng hô hấp cấp nặng, được gây ra bởi coronavirus SARS. Lần đầu tiên virus này nhiễm vào cơ thể người là vào cuối năm 2002 ở Trung Quốc. Trong vòng vài tuần, nó lây lan sang 37 quốc gia thông qua đường du lịch hàng không. Virus SARS đã lây nhiễm sang khoảng 8.000 người trên toàn thế giới, trong đó khoảng 800 người tử vong.

Hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm coronavirus SARS đều phát triển bệnh viêm phổi. Virus lây lan qua sự tiếp xúc giữa người bị bệnh với người không bị bệnh. Việc truyền nhiễm được cho là qua chất dịch của bệnh nhân (đờm, nước mũi, nước bọt...) từ việc người bệnh ho hoặc hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây lan khi chạm vào những vật dính chất dịch đó. SARS cũng có thể lây lan rộng hơn trong không khí.

17. HIV/AIDS

HIV là từ viết tắt của loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Khi vào cơ thể người, loại virus này tấn công và phá vỡ hệ thống miễn dịch, dẫn đến tình trạng gọi là AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải). Nếu không có một hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, những người bị AIDS còn dễ bị mắc phải những tổn thương khác, thường gây ra nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.

Virus lây lan qua máu, tinh dịch và chất dịch cơ thể khác. Hầu hết những người nhiễm virus HIV đều qua quan hệ tình dục hoặc chia sẻ thuốc tiêm với người bị nhiễm.

Kể từ khi xuất hiện vào những năm 1980, HIV đã lây nhiễm sang 60 triệu người và khiến khoảng 30 triệu người tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng Bệnh (CDC), tại Hoa Kỳ, có khoảng 50 nghìn người bị nhiễm HIV mỗi năm. Vào cuối năm 2009, 1,1 triệu người sống chung với HIV. Ước tính có khoảng 18% những người bị bệnh này không biết họ bị nhiễm. Trên toàn thế giới, năm 2010, có khoảng 1,8 triệu trường hợp tử vong; năm 2011, có thêm khoảng 2,5 triệu trường hợp nhiễm HIV.

18. Đại dịch Cúm lợn H1N1: 2009-2010

Đại dịch cúm năm 2009 chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em và thanh niên, và 80% trường hợp tử vong là ở những người dưới 65 tuổi. Đó là điều bất thường, vì hầu hết các chủng virus cúm, bao gồm cả những chủng gây ra bệnh cúm theo mùa, gây ra tỷ lệ tử vong cao nhất ở những người từ 65 tuổi trở lên. Nhưng trong đại dịch cúm lợn, những người lớn tuổi dường như đã có đủ khả năng miễn dịch đối với nhóm virus H1N1 nên không bị ảnh hưởng nhiều. Thuốc chủng ngừa virus H1N1 gây ra bệnh cúm lợn hiện đã được đưa vào thuốc chủng ngừa cúm hàng năm.

19. Dịch bệnh Ebola ở Tây Phi: 2014-2016

Ebola đã tàn phá Tây Phi từ năm 2014 đến năm 2016, với 28.600 trường hợp được báo cáo và 11.325 trường hợp tử vong. Trường hợp đầu tiên được báo cáo là ở Guinea vào tháng 12 năm 2013, sau đó bệnh nhanh chóng lây lan sang Liberia và Sierra Leone. Phần lớn các trường hợp và tử vong xảy ra ở ba quốc gia đó. Một số ít hơn các trường hợp xảy ra ở Nigeria, Mali, Senegal, Mỹ và châu Âu.

Không có cách chữa khỏi Ebola, mặc dù những nỗ lực tìm kiếm vắc-xin vẫn đang được tiến hành. Các trường hợp Ebola đầu tiên được biết đến xảy ra ở Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1976, và virus có thể bắt nguồn từ loài dơi.

20. Dịch bệnh do virus Zika: 2015-ngày nay


Phun khử trùng, tiêu diệt muỗi mang mầm bệnh Zika.

Ảnh hưởng của dịch Zika gần đây ở Nam Mỹ và Trung Mỹ sẽ không được biết đến trong vài năm tới. Trong khi đó, các nhà khoa học phải đối mặt với cuộc chạy đua với thời gian để kiểm soát virus. Virus Zika thường lây lan qua muỗi thuộc giống Aedes, mặc dù nó cũng có thể lây truyền qua đường tình dục ở người.

Mặc dù Zika thường không gây hại cho người lớn hoặc trẻ em, nhưng nó có thể tấn công trẻ sơ sinh còn trong bụng mẹ và gây dị tật bẩm sinh. Loại muỗi mang virú Zika phát triển mạnh nhất ở những vùng khí hậu ấm áp, ẩm ướt, khiến Nam Mỹ, Trung Mỹ và các vùng phía nam nước Mỹ là những khu vực chính cho virus sinh sôi.

Cập nhật: 25/05/2021 Theo Vietnamnet, Livescience
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video