6 điều cần biết khi tiêm vaccine Sinopharm

Các phản ứng sau tiêm vaccine Sinopharm như đau tại chỗ tiêm, đau đầu, sốt... đều nhẹ hoặc trung bình; người đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính chưa kiểm soát được không nên tiêm.

Vaccine Covid-19 (Vero Cell) Inactivated được nghiên cứu và sản xuất tại Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc tập đoàn dược Sinopharm, Trung Quốc. Loại vaccine này sử dụng công nghệ bất hoạt với sự hỗ trợ tế bào Vero. Đây là phương pháp truyền thống của nhiều loại vaccine trước đây, sử dụng các phần tử virus đã chết (bất hoạt) để tiếp xúc với hệ thống miễn dịch của cơ thể, từ đó tạo kháng thể bảo vệ.

Vaccine Sinopharm được Tổ chức Y tế giới (WHO) chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 7/5/2021. Bộ Y tế cũng đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 3/6.

Ngày 20/6, 500.000 liều vaccine Sinopharm đầu tiên đã về đến Việt Nam, do chính phủ Trung Quốc tặng. Số vaccine này sau đó đã được phân bổ đến 9 tỉnh, thành phía bắc (Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu và Hà Giang) để tiến hành tiêm chủng.

Những phản ứng sau tiêm vaccine Sinopharm

Phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 (Vero Cell) bất hoạt ghi nhận được hầu hết là nhẹ đến trung bình và tồn tại trong thời gian ngắn. Trong đó, các phản ứng tại chỗ tiêm rất phổ biến là đau, số ít người tiêm bị đỏ, sưng, cứng, ngứa.

Phản ứng toàn thân rất phổ biến là đau đầu. Phản ứng phổ biến là sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, ho, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa.

Các phản ứng không phổ biến là chóng mặt, chán ăn, đau hầu họng, khó nuốt, chảy nước mũi, táo bón, quá mẫn cảm.

Ngoài ra, một số phản ứng hiếm gặp có thể xảy ra là hôn mê, buồn ngủ, khó ngủ, hắt hơi, viêm mũi họng, nghẹt mũi, khô họng, cúm, giảm cảm, đau chân tay, đánh trống ngực; đau bụng, phát ban, niêm mạc da bất thường, mụn trứng cá, bệnh nhãn khoa, tai; khó chịu, nổi hạch.

Những phản ứng sau tiêm rất hiếm gặp (dưới một trên 10.000 liều) là ớn lạnh, rối loạn chức năng vị giác, mất vị giác, dị cảm, run, rối loạn chú ý; chảy máu cam, hen suyễn, kích ứng cổ họng, viêm amidan, khó chịu, cổ đau, đau hàm, u cổ, loét miệng, đau răng, rối loạn thực quản; viêm dạ dày, đổi màu phân, bệnh nhãn khoa, mờ mắt, kích ứng mắt; đau tai, căng thẳng, tăng huyết áp, hạ huyết áp, tiểu tiện không tự chủ, chậm kinh nguyệt.

Riêng về phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine Sinopharm hiện chưa đủ thông tin để ước tính.


Vaccine Sinopharm được sử dụng tại Serbia vào ngày 4/5. (Ảnh: Reuters).

Lưu ý trước, trong và sau khi tiêm

Đến nay, chưa vaccine nào cho thấy khả năng bảo vệ khỏi nhiễm virus 100%. Do vậy, bạn nên giữ ý thức phòng ngừa lây bệnh, dù đã được tiêm vaccine khi đang ở vùng dịch.

Vaccine Sinopharm được chỉ định cho người từ 18 tuổi trở lên. Người tiêm sẽ được tiêm mỗi liều 0,5 ml vào bắp. Lịch tiêm gồm hai mũi, cách nhau 21-28 ngày. Nếu liều thứ hai bị trì hoãn quá 4 tuần thì cần được tiêm trong thời gian sớm nhất có thể.

Khuyến cáo hiện nay của Bộ Y tế là ưu tiên sử dụng cùng một loại vaccine phòng Covid-19 để tiêm đủ hai liều cho cùng một đối tượng.

Tương tự các loại vaccine Covid-19 khác, khi tiêm vaccine Sinopharm, những người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính đã điều trị ổn định phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện, hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Bạn không được tự ý ngừng thuốc đang điều trị vì lý do tiêm vaccine Covid-19. Ngày đi tiêm, bạn cần đem toa thuốc và bệnh án đang điều trị để được bác sĩ tư vấn cụ thể.

Ai được chỉ định tiêm vaccine Sinopharm?

Theo Quyết định số 3326 ngày 6/7/2021 về việc điều chỉnh phân bổ vaccine phòng Covid-19 đợt 6, Bộ Y tế chỉ định tiêm vaccine Sinopharm cho các nhóm như sau:

  • Đối với 7 tỉnh biên giới phía Bắc, gồm: Người dân sống ở các xã biên giới với Trung Quốc; Người có nhu cầu trao đổi, hoạt động thương mại, dịch vụ với Trung Quốc. Riêng 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang tổ chức tiêm thêm cho công dân Trung Quốc trên địa bàn.
  • Đối với 27 tỉnh, gồm: Công dân Trung Quốc sống và làm việc trên địa bàn (theo tỉnh/ cụm tỉnh); Danh sách đối tượng tiêm chủng do Đại sứ quán Trung Quốc cung cấp cho các địa phương sau khi các tỉnh gửi danh sách đầu mối liên hệ. Các địa phương không cần tiến hành rà soát và lập danh sách đối tượng.

Ai chống chỉ định hoặc cần hoãn tiêm vaccine Sinopharm?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhóm trì hoãn tiêm chủng là người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; hoặc người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Chống chỉ định tiêm cho người có tiền sử phản vệ từ độ hai trở lên với bất kỳ dị nguyên nào; hoặc người có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất dị ứng các thành phần của vaccine.

Người trên 65 tuổi, có bệnh nền mãn tính như rối loạn đông máu, tiểu đường, tim mạch... có thể tiêm vaccine Sinopharm không?

Hiện số lượng nghiên cứu trên nhóm người lớn tuổi và có bệnh nền còn hạn chế. Do đó, theo đánh giá của WHO với nhóm người từ 60 tuổi trở lên, cần cân nhắc việc sử dụng vaccine cho nhóm tuổi này. Khám sàng lọc kỹ và chủ động giám sát phản ứng sau tiêm chủng cho các đối tượng đồng ý tiêm chủng.

Có nên tiêm trộn vaccine Sinopharm với các loại vaccine phòng Covid-19 khác như AstraZeneca, Pfizer, Moderna...?

Không có khuyến cáo tiêm trộn vaccine Sinopharm với các loại vaccine phòng Covid-19 khác.

Hiện chưa có đầy đủ dữ liệu về khả năng sử dụng thay thế cho nhau của vaccine Sinopharm với vaccine phòng Covid-19 khác. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm đủ hai liều vaccine Sinopharm.

Nên tiêm vaccine phòng Covid-19 cách tối thiểu 14 ngày với tiêm chủng các vaccine phòng bệnh khác.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân
Trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM

Cập nhật: 23/07/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video