Ẩn ngữ nghệ thuật thời tiền sử

Tháng 12/1994, Jean-Marie Chauvet và hai người bạn khám phá hệ hang động vùng Ardèche nước Pháp. Thật may mắn, họ đã tìm thấy các bức bích họa sinh động về ngựa, sư tử, bò tót, tê giác cũng như voi ma-mút. Một số hình ảnh được vẽ, số khác được “chạm” vào vách hang.

Khám phá của Chauvet là một trong những khám phá khảo cổ vĩ đại nhất thế kỷ XX. Nhưng giống như các khám phá khác, trong khi giải đáp được nhiều vấn đề, nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi mới.

Người nguyên thủy với dấu chân trần hiện rõ trên bùn đã vào hang động từ bao giờ? Tại sao họ vào sâu trong lòng đất để vẽ tranh? Hành vi bí ẩn đó có phải là nguồn gốc của cái mà chúng ta gọi là “nghệ thuật” ngày nay hay không? Những hình ảnh đó liên quan thế nào với vật khắc trên xương, ngà voi và các bức tượng nhỏ tìm thấy ở các địa danh thời Đồ Đá Mới? Những câu hỏi đó từng được đặt ra trước kia, nhưng nay thì cần trả lời càng sớm càng tốt.


Bích họa sinh động về đàn ngựa trong hang động vùng Ardèche
(Ảnh: renminbao)

Niên đại tranh trong hang được Chauvet xác định khá dễ dàng. Kỹ thuật carbon phóng xạ cho thấy chúng có tuổi 32.410 năm, với sai số 720 năm. Đó là những bức tranh khá tinh tế lâu đời nhất mà chúng ta từng biết. Chúng xuất hiện gần như đồng thời với sự có mặt của người hiện đại tại Tây Âu. Chúng đặt ra một câu hỏi hoàn toàn mới là, “nghệ thuật” có thể xuất hiện hoàn chỉnh ngay từ đầu, chứ không trải qua một quá trình phát triển từ thấp tới cao? Và tại sao lại vẽ tranh sâu trong lòng đất?

Câu hỏi tại sao vĩ đại?

Năm 1860, khi khám phá các “tác phẩm nghệ thuật” đầu tiên, giới nghiên cứu giả định rằng, động cơ duy nhất của chúng là thẩm mỹ. Nói cách khác, các bức tranh thời Đồ Đá Mới chỉ đơn giản là “nghệ thuật vị nghệ thuật” và việc vẽ tranh là thú tiêu khiển của người tiền sử. Nhưng rất khó hình dung cảnh người nguyên thủy vất vả bò xuống tận hang sâu chỉ để vẽ các con vật mà họ thấy quanh mình trên mặt đất.

Ngay cả mệnh đề “nghệ thuật vị nghệ thuật” cũng cần được đặt ra đúng nghĩa, vì nhiều nhà lịch sử nghệ thuật tin rằng, không hề có cái “vị nghệ thuật” đơn thuần như thế. Việc nghiên cứu vai trò của nghệ thuật trong các xã hội ngoài phương Tây - nhất là tại phương Đông - cho thấy, nghệ thuật luôn được đặt trong một mạng lưới xã hội và mang nhiều mục đích.

Sử học lừng danh Abbé Henri Breuil nghiên cứu bức bích họa  trên vách đá (Ảnh: culture.gouv)
Lời giải thích cho các con đường hiểm nguy sâu trong lòng đất xuất hiện hầu như không chậm trễ. Nhà nghiên cứu Pháp Salomon Reinach (1902) cho rằng, “dùng ma thuật để sai khiến” chính là lý do. Con người vẽ hình để điều khiển những con thú mà họ vẫn săn. Hành vi đó thường được bao phủ dưới bức màn bí ẩn và phải thực hiện xa nơi cư trú là điều dễ hiểu. Rồi khi phát hiện các hình vẽ sư tử, nhà tiền sử học lừng danh Abbé Henri Breuil (1952) cho rằng, con người vẽ vì muốn khỏe như chúng. Theo Reinach, qua “nghệ thuật”, con người thời Đồ Đá Mới hy vọng săn được nhiều thú để cuộc đi săn thành công.

Dần dà giới nghiên cứu nhận ra rằng, đó là cách giải thích quá đơn giản. Nó không thể đúng cho rất nhiều loại hình nghệ thuật và không giải thích được những đặc trưng còn chưa phát hiện. Chẳng hạn nó không tính đến thực tế là, hình dạng các mỏm đá và vách hang thường được dùng làm đường viền của hình vẽ.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Leroi-Gourhan, học trò cũ của Breuil, đưa ra cách giải thích hoàn toàn mới. Nó dựa trên cấu trúc luận, một quan điểm triết học do nhà dân tộc học Claude Lévi-Strauss phát triển. Cấu trúc luận cho rằng mọi người đều tư duy theo xu hướng đối nhau một cách nhị nguyên, vì bộ não được kết nối như vậy (hai bán cầu não có chức năng bổ sung nhau). Nên tư duy của chúng ta thường đối nhau kiểu: tự nhiên/văn hóa, nóng/lạnh, sáng/tối, chúng ta/họ, nam/nữ…

Chính nam/nữ là cái mà Leroi-Gourhan muốn lập thuyết. Ông tin rằng trong toàn bộ 20.000 năm của thời Đồ Đá Mới, các hang động được cấu trúc theo nguyên tắc nam/nữ. Một số động vật, như ngựa, tượng trưng cho nam tính, còn số khác, như bò tót, tượng trưng cho nữ tính.

Các loài “nữ tập trung tại giữa hang, còn các loài “nam thì tản mát khắp nơi. Hình sư tử, gấu và các dã thú nguy hiểm khác thì nằm sâu trong hang. Đáng tiếc là bằng chứng không ủng hộ giả thuyết thú vị này: các hình vẽ phân bố khá ngẫu nhiên trong hang.

Năm 1972, Marshach giả định rằng, một số “tác phẩm” chạm trên xương hay ngà voi, với niên đại 32.000 năm, có thể là một loại lịch. Năm 1983, Pfeiffer đưa ra cách giải thích bổ sung cho quan niệm của Leroi-Gourhan, khi tập trung tới tác động của môi trường hang sâu lên giác quan và tinh thần con người.

Ngày nay chúng ta thám sát hệ hang động bằng đèn chiếu hiện đại và biết rõ trước kia nhiều người đã từng ở đó. Pfeiffer cho rằng, với người thời Đồ Đá Mới, tình thế hoàn toàn khác. Dưới ánh đuốc bập bùng, các hình ảnh động vật dường như cử động và hít thở. Không thể hiểu động cơ của người nguyên thủy nếu bỏ qua chi tiết quan trọng đó.


Bích họa bò tót trong hang động vùng Ardèche (Ảnh: lehmpfuhl.org)

Thế giới các linh hồn

Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang tranh cãi về một cách giải thích cũng dựa trên sự kết nối thần kinh của bộ não, nhưng không liên quan với tính đối ngẫu như trên. Nó xuất phát từ một thực tế là, hầu hết các xã hội săn bắn - hái lượm trên thế giới đều có hệ niềm tin chung là vu thuật, cho dù nó có nhiều biến thái khác nhau. Cộng đồng vu thuật luôn tin rằng, ngoài thế giới mà họ đang sống, còn có thế giới các linh hồn.

Nhiệm vụ của pháp sư là thâm nhập thế giới đó để giao tiếp với các linh hồn, chữa lành bệnh tật, kiểm soát môi trường động vật và thay đổi thời tiết. Muốn thế họ phải trải qua “trạng thái ý thức thay đổi”, từ sự phân ly nhẹ tới ảo giác mạnh hay chiêm bao. Khi đó, họ có thể gặp một linh hồn động vật để nhận được sức mạnh và sự giúp đỡ của nó.

Theo cách giải thích này, hang động thời Đồ Đá Mới là con đường dẫn tới thế giới bên kia. Những cố gắng thể lực khi phải bò sâu xuống hang sẽ trợ giúp thêm cho trạng thái cách ly cảm giác, vì khi đó cơ thể tiết ra các hóa chất tạo thuận cho sự thăng thiền. Trong vương quốc đó, các pháp sư tìm kiếm linh hồn động vật trong vai kẻ giúp đỡ và những hình ảnh khác. Bằng cách nhìn và tiếp xúc, cũng như đốt đuốc lên rồi lại dụi tắt đi, họ xem vách hang chính là tấm màng ngăn cách họ và thế giới các linh hồn.

David Lewis-Williams dựa trên các bức tranh trên đá ở Nam Phi cho rằng: chúng thường được tạo ra trong sự tự thăng thiền (Ảnh: gradnet.wits.ac)

Khi tin là đã nắm bắt được một linh hồn động vật, họ liền “kéo” nó qua màng ngăn và dùng kỹ năng nghệ sĩ để “cố định” cái mà họ “nhìn thấy” lên vách hang. Đó là lý do tại sao nhiều hình ảnh dường như xuất phát từ hình dạng bề mặt phiến đá, hay là một phần của phiến đá. Mặt khác, một số hình ảnh lớn và phức tạp đến mức hình như chúng do một nhóm người tạo nên. Với các phiến đá có sẵn, con người có thể chuẩn bị cho những hình ảnh sẽ đến với họ phía sâu trong hang.

Vu thuật là hệ niềm tin và tư tưởng năng động mà con người có thể xử lý và thay đổi tùy theo từng hoàn cảnh xã hội. Một số đặc trưng cơ bản của nó, như niềm tin vào thế giới bên kia, dường như không thay đổi trong suốt thời Đồ Đá Mới, nhưng các đặc tính khác thì có thể thay đổi sau mỗi thiên niên kỷ.

Dựa trên các bức tranh trên đá tại Nam Phi, mới đây, David Lewis-Williams và Thomas Dowson (1988) đề xuất một giả thuyết bất ngờ. Họ cho rằng, chúng thường được tạo ra trong sự tự thăng thiền. Tâm lý học cho rằng, trong các trạng thái ý thức thay đổi xuất hiện do thiền, do dùng chất gây ảo giác hay do cách ly cảm giác, bộ não và con mắt sẽ phối hợp nhau để tạo ra các hình ảnh khác thường. Họ cũng cho rằng, các hình ảnh như thế không chỉ xuất hiện trong “nghệ thuật“ đá Nam Phi, mà còn tại Lascaux nước Pháp, cũng như tại nhiều nơi trên thế giới.

Một số câu hỏi quan trọng liên quan với “các bảo tàng nghệ thuật” tại Ardethe và các hang động khác có thể giải đáp bằng quan niệm vu thuật. Số khác thì chưa. Chẳng hạn, hình ảnh bò tót có ý nghĩa khác hình ảnh con ngựa như thế nào? Chú ngựa khắc trên miếng xương mang theo người có khác ngựa vẽ trong hang hay không? Đơn giản là chúng ta chưa rõ. Chỉ có một điều đã hoàn toàn rõ là, những bức bích họa trầm mặc đó cho thấy, tại Chauvet và tại nhiều nơi khác, chúng ta đã may mắn tiếp xúc với thế giới mất đã từ lâu của con người thực sự đầu tiên.

Khi tìm hiểu nội dung, ý nghĩa và động cơ của “nghệ thuật” thời tiền sử, chúng ta cần tránh cái nhìn đơn cực, như Ucko và Rosenfeld chỉ ra từ 1967. Vì trên tất cả, đó chính là con người phức tạp, với khả năng tích hợp hoàn hảo các quan niệm vũ trụ, ma thuật và các mục tiêu chức năng trong cùng một tác phẩm.

Đỗ Kiên Cường

Theo CAND.com.vn
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video