Hôm 5/8, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos đã chia sẻ lên mạng xã hội Twitter những bức ảnh vệ tinh trước và sau khi cảng Beirut (Lebanon) bị tàn phá hoàn toàn do vụ nổ kinh hoàng ngày 4/8 gây ra.
Cảng Beirut (Lebanon) trước khi xảy ra vụ nổ (trên) bị phá hủy sau thảm họa kinh hoàng hôm 4-8 (dưới). (Ảnh: ROSCOSMOS).
Bức ảnh đầu tiên, được chụp vào tháng 11-2019, cho thấy hàng loạt các nhà kho lớn trên bờ sông của thủ đô Beirut (Lebanon). Các tòa nhà dày đặc đổ dài về phía biển, với hàng loạt những con phố chật hẹp chạy giữa các trục chính của thành phố.
Trong bức ảnh mới gây sốc, hầu như không còn dấu vết nào về các nhà kho và chúng gần như bốc hơi khỏi mặt đất.
Hình ảnh vệ tinh của cảng Beirut vài ngày trước khi vụ nổ xảy ra. (Ảnh: AP).
Tác động bi thảm của vụ nổ ngày 4-8 sẽ đè nặng thêm áp lực với nền kinh tế vốn đã bị tàn phá của Lebanon. Cảng Beirut là nơi chứa hàng lớn nhất và lưu trữ tận 80% lượng hàng nhập khẩu của Lebanon, theo tạp chí Time (Mỹ).
Hình ảnh vệ tinh của nhà kho trước và sau khi xảy ra vụ nổ cảng Beirut. (Ảnh: VOICE OF MEDIA).
Khung cảnh Beirut hoang tàn sau vụ nổ. (Ảnh: AFP).
Về cơ bản, cảng Beirut là thứ duy nhất vẫn còn giữ cho nền kinh tế của Lebanon tiếp tục duy trì.
Cảng Beirut và các khu vực lân cận trong vòng bán kính 10km bị phá hủy hoàn toàn sau vụ nổ. (Ảnh: AP)
Thủ tướng Lebanon - ôn Hassan Diab cho biết rằng 2.750 tấn amoni nitrat, thường được sử dụng làm phân bón nông nghiệp, đã được lưu trữ tại một nhà kho ở cảng Beirut trong vòng sáu năm, gây nguy hiểm cho sự an toàn của người dân.
Đường xá và xe cộ hư hại nặng sau vụ nổ. (Ảnh: CNN)
Lebanon hiện đang rơi vào tình trạng bất ổn và bên bờ vực sụp đổ. Tỉ lệ nghèo đói gia tăng nhanh chóng, cộng với các gánh nặng y tế do đại dịch COVID-19 gây ra có thể sẽ khiến nền kinh tế nước này đi vào ngõ cụt.
Khói bốc lên từ cảng Beirut. (Ảnh: CNN)
Theo Bộ trưởng Y tế Lebanon Hamad Hassan, số người tử vong do vụ nổ cảng Beirut hiện tại đã lên đến 135 người, với hơn 5.000 người khác bị thương.