Ba bộ hài cốt tiết lộ lịch sử bi thương của những người gốc Phi đầu tiên đặt chân tới Châu Mỹ

Năm 1992, trong khi các công nhân ở Mexico City đang thi công một đường hầm tàu điện ngầm cho thành phố, họ phát hiện ra một ngôi mộ tập thể chứa 3 hài cốt đã hơn 500 năm tuổi.

Địa điểm này trước đây từng là một bệnh viện có tên Real de San José de los Naturales. Thực dân Tây Ban Nha sau khi xâm chiếm Châu Mỹ đã xây dựng nó để chữa trị cho những người bản xứ. Đó cũng là ý nghĩa của cụm từ "los Naturales" trong tiếng Tây Ban Nha.

Nhưng phân tích DNA của 3 bộ hài cốt tiết lộ chúng không thuộc về những thổ dân Bắc hay Trung Mỹ. Với niên đại khoảng năm 1.500 rõ ràng những người này là người Châu Phi. 

Không những vậy, họ còn là một trong số những người gốc Phi đầu tiên đặt chân đến Châu Mỹ. Giống như những người đồng hương khác, có thể họ đã bị bắt cóc khỏi quê nhà, đem qua Đại Tây Dương đến các thuộc địa của người Châu Âu để làm nô lệ.


Có thể 3 những châu Phi này đã bị bắt cóc khỏi quê nhà.

Ước tính trong một giai đoạn 300 năm kéo dài từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, đã có khoảng 10-20 triệu nô lệ được vận chuyển từ Châu Phi tới các thuộc địa ở Châu Mỹ. Khoảng 150.000 người trong số họ, giống như 3 người đàn ông này, rơi vào tay của những thực dân Tây Ban Nha.

Sống một cuộc đời của những người nô lệ vô danh, họ không có giấy tờ tùy thân, không có bất kể một bức ảnh hay văn bản nào ghi lại tên tuổi, quê quán và những sự kiện trong đời họ. Sau khi chết đi, bộ xương tàn là thứ duy nhất giúp họ kể lại câu chuyện cuộc đời mình.

Và đó là một câu chuyện hết sức bi thương với 3 người đàn ông này. Những hài cốt đã tiết lộ họ đều chết trẻ ở độ tuổi ngoài đôi mươi. Những bộ xương in hằn dấu vết của những năm tháng lao động khổ sai với vô vàn chấn thương và chế độ ăn uống khắc nghiệt.

Trong răng của họ, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết DNA của 2 mầm bệnh mãn tính có lẽ đã hành hạ họ một cách đau đớn. DNA và tỷ lệ đồng vị cuối cùng cũng xác nhận được phần nào quê hương gốc gác cho những chàng trai xấu số này.

Một cuộc đời gian khổ, đau đớn

Cả 3 người đàn ông đều chết ở độ tuổi khoảng 25, độ tuổi sức dài vai rộng nhưng dấu vết trên xương cốt lại tiết lộ một sự thật hà khắc. Cơ thể họ đã bị xuống cấp trầm trọng. Một người đàn ông có cột sống với 5 đĩa đệm bị thoát vị ở lưng.

Xương đòn trái của anh ta bị biến dạng, có lẽ là hậu quả của nhiều năm mang vác nặng trên vai. Và cũng có thể chính những vật nặng đó đã làm hỏng cột sống của người đàn ông này.

Một bộ xương khác tiết lộ chủ nhân của nó đã bị viêm xương khớp ở ít nhất một bên đầu gối. Cột sống dưới của người này bị thoái hóa, những gì chỉ có thể tìm thấy ở những người già sau này.


Một bộ xương khác tiết lộ chủ nhân của nó đã bị viêm xương khớp ở ít nhất một bên đầu gối.

Một thời gian trước khi chết, anh này đã bị thương bởi một vết cắt vào trán. Có thể đó là một cú đánh mạnh tới tận xương, và vết thương chưa kịp lành lại thì anh ấy đã chết.

Chân của anh ta cũng đã bị gãy và không được chữa trị đúng cách, khiến xương liền lại ở một vị trí lệch so với ban đầu. Người đàn ông thứ ba cũng có những dấu hiệu lão hóa trên xương. Còn người bị thoát vị đĩa đệm nặng có hai xương sườn và đốt sống cổ bị đổi sang màu xanh lá.

"Có khả năng người đàn ông này đã bị bắn và những mảnh đạn kim loại đã găm vào cơ thể anh ấy [khiến xương bị đổi sang màu đồng]", nhà khảo cổ học Rodrigo Barquera tại Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max và các đồng nghiệp của ông cho biết.

Cả ba người đàn ông này đều có sức khỏe rất kém: xương của họ xốp, không rắn chắc, hộp sọ và đỉnh hốc mắt cũng vậy. Loại xương này chỉ có thể thấy ở những người bị suy dinh dưỡng nặng.

Thông thường, nó là hậu quả của một chế độ ăn uống thiếu máu do thiếu sắt, nhiễm ký sinh trùng đường ruột hoặc bị bệnh nhiễm trùng mạn tính.

Tuổi trẻ xa nhà

Tuổi trẻ, khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời của những người đàn ông này đã bị đánh cắp. Cuộc sống tràn đầy đau khổ của họ tiết lộ thân phận thấp kém của họ tại Châu Mỹ. Không ai được sinh ra ở thuộc địa Tây Ban Nha, họ đến từ Châu Phi, nhiều khả năng là vùng cận Sahara.

Các nhà khoa học biết được điều này là nhờ phân tích tỷ lệ đồng vị strontium trong xương của họ. Chúng ta biết, khi thực vật phát triển, chúng lấy chất dinh dưỡng từ đất và đá, bao gồm một nguyên tố gọi là strontium.


Cuộc sống tràn đầy đau khổ của họ tiết lộ thân phận thấp kém của họ tại Châu Mỹ.

Khi con người ăn rau củ quả, strontium được hấp thu để giúp xây dựng xương. Nguyên tố này sẽ còn lại ở đó cho đến khi bạn chết đi và cơ thể bạn bị phân hủy trở lại đất. Do đó, tỷ lệ các đồng vị strontium khác nhau trong xương và răng của bạn có thể tiết lộ vùng đất mà bạn được sinh ra.

Trong trường hợp của 3 người đàn ông này, strontium trong xương cho thấy họ đã lớn lên ở một nơi cách xa thuộc địa Tây Ban Nha, có lẽ là ở Tây Phi.

Thế giới họ bỏ lại phía sau

Khi họ bị bắt và mang tới Châu Mỹ, những người đàn ông này vẫn cố gắng duy trì những văn hóa riêng của dân tộc mình. Một trong những dấu hiệu đầu tiên khiến Barquera và các đồng nghiệp cho rằng những người này có thể đến từ Châu Phi là các dấu hiệu trên răng của họ.

Nhiều bộ tộc trên khắp thế giới có phong tục mài răng, định hình hoặc nhổ bỏ chúng. Đôi khi, nó là một phần của một nghi thức có ý nghĩa tâm linh, nhưng thường thì nó chỉ giống với một hình thức trang điểm, như thuật xăm mình hoặc xỏ khuyên.

Người đàn ông bị viêm khớp một bên đầu gối và người đàn ông thứ ba đều có răng cửa trên được tạo hình chữ T, trông rất giống với một tập tục của người dân tộc D’zem hiện đại vẫn đang sống ở Cameroon.

Trong khi đó, người đàn ông bị thoát vị đĩa đệm lại uốn nắn các răng cửa trên của mình thành hình chữ V. Ngày nay, một số nhóm người thiểu số sống ở Cameroon, Guinea Xích đạo và phía bắc Gabon cũng sắp xếp các răng cửa của họ thành một hình dạng tương tự.


Ba người đàn ông có vẻ có chung tổ tiên với một số nhóm người ở Châu Phi vùng hạ Sahara.

Tiếp tục đào sâu hơn, Barquera và các đồng nghiệp đã so sánh DNA của ba người đàn ông này với cơ sở dữ liệu về bộ gene của người hiện đại. Kết quả cho thấy người đàn ông bị thoát vị đĩa đệm có liên quan mật thiết với người dân tộc Mende hiện đại ở Tây Phi. Hai người kia có quan hệ gần gũi với người Wambo ở Nam Phi.

Nhưng cả ba người đàn ông có vẻ có chung tổ tiên với một số nhóm người ở Châu Phi vùng hạ Sahara, bao gồm một số người hiện đang sống ở Trung Phi. Barquera và các đồng nghiệp của ông nói rằng qua nhiều thế kỷ nô lệ, thuộc địa hóa và di dân đã thay đổi cảnh quan nhân khẩu học của châu lục.

DNA từ ba người đàn ông ở Mexico City có thể giúp kể không chỉ câu chuyện của họ mà cả câu chuyện về kỷ nguyên thuộc địa và chế độ nô lệ đã xoay vần cả một lục địa Châu Phi như thế nào?

Lưu truyền mầm bệnh vào Châu Mỹ

Khi những người buôn nô lệ mang những người đàn ông này băng qua Đại Tây Dương để vào Châu Mỹ, có lẽ họ đã không biết đến những virus và vi khuẩn đi lậu vé trên tàu của mình. Hai trong số những người đàn ông được phát hiện đã mang trên mình một chủng virus viêm gan B chỉ được tìm thấy ở Châu Phi và Haiti ngày nay.

Đây có thể là những chủng virus viêm gan B đầu tiên được tìm thấy ở Châu Mỹ, cho thấy căn bệnh đã nhập cảnh xuyên lục địa.

Ở hài cốt của người đàn ông còn lại, Barquera và đồng nghiệp đã tìm thấy DNA từ một chủng vi khuẩn có tên là Treponema pallidum pertenue, họ hàng gần của bệnh giang mai.


Bệnh do khuẩn Treponema pallidum pertenue gây ra rất dễ lây lan.

Nó có thể là nguồn gốc những vết viêm đau trên bàn chân và trong xương, khớp, cũng như trên da của anh ta. Hài cốt đã tiết lộ những vết sẹo đau đớn mà người đàn ông này phải chịu đựng vì căn bệnh này.

Bệnh do khuẩn Treponema pallidum pertenue gây ra rất dễ lây lan, nhất là trong điều kiện vệ sinh cá nhân kém. Sử liệu ghi lại cho thấy đã có một thực dân Châu Âu đã chết trong những năm 1600 tại Mexico City, cách không xa bệnh viện Real de San José de los Naturales. Người này cũng đã bị nhiễm cùng một chủng Treponema pallidum pertenue.

Vì vậy, cùng với những nô lệ bị giam cầm của họ, những người thực dân Tây Ban Nha đã nhập cảnh vào cộng đồng của mình một căn bệnh khủng khiếp và cũng đã phải gánh chịu hậu quả từ nó.

Không chỉ là một câu chuyện, đó là một sự thật

Phải tới thế kỷ 18 và 19, một số nô lệ gốc Phi đầu tiên phục vụ cho các thuộc địa của Anh và Hoa Kỳ mói bắt đầu viết ra được câu chuyện của đời mình. Những câu chuyện này đã tiết lộ cho chúng ta thấy một lịch sử đau lòng và tàn nhẫn.


Những bộ xương này không chỉ kể một câu chuyện, mà chúng còn là minh chứng cho một sự thật đã diễn ra.

Nhưng với hàng triệu nô lệ trước đó, cuộc đời họ hoàn toàn là một bí ẩn. Đối mặt với những bộ xương của 3 người nô lệ Phi Châu sống trong thế kỷ 16 là một thứ gì đó hoàn toàn khác. Những bộ xương này không chỉ kể một câu chuyện, mà chúng còn là minh chứng cho một sự thật đã diễn ra.

Các phương pháp khảo cổ hiện đại sẽ ngày càng có khả năng tái hiện lại cuộc đời của những người nô lệ này, chắp ghép những mảnh vá về cuộc đời của họ, trả lại cho họ một danh tính đã bị lãng quên.

Trong tương lai, các nghiên cứu liên ngành như thế này sẽ ngày càng được phổ biến, sẽ ngày càng có nhiều mảnh đời trong quá khứ được tiết lộ, nhà nghiên cứu Thiseas C. Lamnidis cho biết. Đó là cách khoa học có thể giúp những người chết kể chuyện.

Cập nhật: 15/05/2020 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video