Từ bò rừng, biết thêm về người đầu tiên đặt chân đến châu Mỹ

  •  
  • 1.162

Nghiên cứu sự di chuyển của những đàn bò rừng cổ đại cho biết manh mối về những người đầu tiên đến sống ở châu Mỹ.

Trước đây, con đường mòn không có băng che phủ, xuyên qua dãy núi Rocky, từng được xem là tuyến đường mà những người cổ đại đã di cư từ Alaska đến châu Mỹ. Tuy nhiên, gần đây, dựa trên nghiên cứu các mẫu xương bò rừng hóa thạch, các nhà khoa học thuộc Đại học Santa Barbara (California, Mỹ) phát hiện không phải như vậy.

Sử dụng phương pháp phân tích carbon phóng xạ và phân tích ADN, các nhà nghiên cứu đã theo dấu sự di chuyển của những đàn bò rừng trên đường mòn này và xác định nó được lập ra khoảng 13.000 năm trước đây.

Nghiên cứu cho thấy, những người Mỹ đầu tiên có thể đã di cư từ vùng Alaska qua một tuyến đường ven bờ Thái Bình Dương chứ không phải đi theo con đường mòn xuyên qua dãy Rocky.

Bò rừng cổ xưa có sừng lớn hơn nhiều so với bò rừng hiện đại.
Bò rừng cổ xưa có sừng lớn hơn nhiều so với bò rừng hiện đại. (Nguồn: CSM).

Tiến sĩ Peter Heintzman, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: Khoảng 14.000 đến 15.000 năm trước, tại dãy Rocky vẫn còn có khá nhiều băng. "Nếu chưa có con đường mòn, người ta sẽ phải vượt qua các vùng đóng băng, khá nguy hiểm, do đó đi theo con đường ven biển là đáp án chính xác nhất".

Nhóm nghiên cứu cũng tìm ra những bằng chứng cổ nhất về sự có mặt của con người ở phía Nam những vùng băng giá vào khoảng 15.000 năm trước. Các nhà khoa học cho rằng, hai vùng băng Cordilleran và Laurentide đã áp sát vào nhau khoảng 21.000 năm trước đây, trong thời kỳ băng hà cuối cùng. Băng giá đã vùi lấp con đường mòn xuyên qua dãy núi Rocky, tạo ra hai quần thể bò rừng riêng biệt ở phía Bắc và phía Nam của vùng băng.

Qua phân tích gene di truyền trong 78 mẫu xương bò rừng, nhóm nghiên cứu kết luận đàn bò rừng phía Nam đã bắt đầu di chuyển lên phía Bắc khoảng 13.400 năm trước.

Ông Beth Shapiro, Giáo sư Sinh học tiến hóa tại Đại học Santa Cruz (California) cho biết: Những chứng cứ cho thấy, con người đã di cư theo con đường mòn này chủ yếu từ hướng Nam lên Bắc.

Những bằng chứng liên quan đến những người cổ đại Clovis - từng được xem là những người di cư đầu tiên vào châu Mỹ khoảng 13.000 năm trước, ít dần về hướng phía Bắc khu vực đường mòn.

"Do những người này săn bắn bò rừng, chúng ta có thể kết luận họ sẽ bám theo đàn bò khi chúng di chuyển lên phía Bắc vào đường mòn" - Tiến sĩ Shapiro nói. Theo Tiến sĩ Shapiro,đây là con đường mang ý nghĩa lịch sử bởi nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc di cư và trao đổi giữa những nhóm người sống ở phía Bắc và phía Nam của vùng băng giá.

Heintzman và các đồng nghiệp đã công bố phát hiện của họ trên tạp chí của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ.

Cập nhật: 14/06/2016 Theo tgvn
  • 1.162