Nhận định ban đầu, ba khối đá hình trống đồng ở Cố đô Hoa Lư giống với di chỉ khảo cổ học Mán Bạc - một di chỉ trước nền văn hóa Đông Sơn, cách nay khoảng 4.000 năm.
>> Phát hiện ba khối đá hình trống đồng ở Cố đô Hoa Lư
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung, Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học, ĐH KHXH&NV Hà Nội, niên đại của những khối đá giống trống đồng mới tìm thấy ở Ninh Bình vào khoảng thế kỷ 19, không thể so sánh ba khối đá này với bất cứ di tích và di vật nào ở Mán Bạc vì chúng cách nhau rất xa về thời gian.
Mán Bạc có niên đại hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí (tức cách ngày nay 4000 năm). Thời bấy giờ, cư dân ở trong những ngôi nhà làm bằng gỗ, tre, nứa và không có bất cứ kiến trúc nào bằng để so với 3 khối đá này.
Khối đá được tìm thấy ở Ninh Bình. Ảnh: Cao Tấn
Tiến sĩ Dung cho biết: những vết lõm trên thân của 3 khối đá này (giống vết đục phía ngoài các cối đá người Việt vẫn dùng) là dấu vết kỹ thuật chứ không phải hoa văn trang trí. Đã có sự nhầm lẫn khi so sánh chúng với những vết lõm trên đồ gốm Mán Bạc.
Hoa văn trên các khối đá chính là những trang trí hình cánh sen chứ không phải là những vết đục lõm. "Tôi khẳng định, ba khối đá này không có điểm nào giống với các di vật của di tích khảo cổ học Mán Bạc. Đá chân tảng là những phiến đá, khối đá dùng để kê các đồ vật bằng gỗ, thường được dùng trong các chùa, đền thời phong kiến, và ngày nay vẫn được sử dụng. Đồ vật thuộc di chỉ Mán Bạc thuộc thời kỳ đồng thau, không có những đá chân tảng to, mà chỉ có những đồ vật nhỏ dùng trong cuộc sống hằng ngày, như hái lượm", tiến sĩ Dung nói.
Mán Bạc là địa điểm vừa là nơi ở, vừa là nơi chôn người chết của cư dân có niên đại cách đây 4000 năm, tức cùng thời với văn hóa Phùng Nguyên - một văn hóa sơ kỳ thời đại đồ đồng rất nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam.
Ông Nguyễn Khắc Sử - Trưởng ban đồ đá, Viện Khảo cổ học
Ba khối đá này là chân tảng bằng đá, có nhiều khả năng là đá vôi. Đây không phải hình trống đồng mà là hình bát bông. Thường là phần kê của một kiến trúc gỗ như đình, chùa, đền miếu thời kỳ phong kiến Việt Nam. Hoa văn trang trí là hoa sen, hoàn toàn khác với hoa văn gốm Mán Bạc.
Kỹ thuật chế tác tinh xảo, mang dấu ấn của thời hiện đại. Có nhiều khả năng người thời Lê, Nguyễn và cả ngày nay nữa vẫn làm loại chân tảng này. Vấn đề định niên đại chính xác cho di vật cần phải tìm hiểu cặn kẽ hơn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, chân tảng này không có trong di chỉ Mán Bạc và càng không thể cổ hơn 1000 năm.