Nam học là gì? Nói ngắn gọn, nam học là môn học nghiên cứu những vấn đề liên quan đến hệ thống cơ quan sinh dục và sinh sản của nam. Như vậy, nam học dành cho nam cũng như phụ khoa dành cho nữ.
(Ảnh: TTO) |
Vì sao nam học ra đời chậm hơn phụ khoa? Tư tưởng bề trên của nam giới là một trong những yếu tố cản trở vì trong các xã hội mà nam giới thống trị, các đấng mày râu không thể nào chấp nhận được một thực tế là cái bộ phận được coi là “biểu tượng của sức mạnh nam giới” lại có thể có vấn đề, lại là nguyên nhân của sự vô sinh mà xưa nay vẫn chỉ gán cho phụ nữ. Có điều trớ trêu là chính nam giới lại phát triển môn phụ khoa và chứng kiến sự tiến bộ nhanh của môn học này như ngày nay.
Nghiên cứu tính dục nam lại bắt đầu từ tâm lý hơn là từ sinh học, nhiều thầy thuốc trước đây nghĩ rằng bệnh liệt dương chủ yếu là do tâm lý. Đụng đậy được một ngón tay cũng cần cả một cơ chế phức tạp, chẳng lẽ muốn cho cơ quan sinh dục nam nhúc nhích lại không cần một cơ chế như thế.
Bệnh thuộc nam học không chỉ do nguyên nhân tâm lý
Hơn 90% số trường hợp bệnh liên quan đến sinh sản của nam giới là do nguyên nhân thực thể và những nguyên nhân này có thể phát hiện và điều trị có kết quả. Có khi phải dùng thuốc, có khi phải cần đến máy móc hỗ trợ hay phải can thiệp ngoại khoa.
Xu hướng trước đây ở chính giới thầy thuốc gán cho hầu hết các vấn đề liên quan đến sinh sản của nam giới đều có nguyên nhân tâm lý thực chất là hệ quả của sự thiếu hiểu biết. Viện nghiên cứu Masters và Johnson nổi tiếng chỉ điều trị bệnh nhân đã trải qua một loạt những thử nghiệm để loại trừ những bệnh thực thể trước đã. Chính Masters và Johnson đã từng tuyên bố vào thập kỷ 70 rằng hơn 90% trường hợp yếu sinh lý là do tâm lý nhưng giờ đây điều đó chỉ còn là chuyện lịch sử.
Các bệnh thuộc nam học thường gặp:
- Khoảng 50% những cặp vợ chồng hiếm muộn có nguyên nhân từ chồng.
- Kém cương dương không chỉ gặp ở người có tuổi;
- Bệnh mơ hồ về giới tính và thích chuyển thành giới đối lập;
- Rối loạn về xuất tinh;
- Dương vật cong, cương đau; khuyết tật ở đường dẫn tinh (mào tinh, ống dẫn tinh, ống xuất tinh); lỗ niệu đạo lạc chỗ; tinh hoàn ẩn; sưng bìu gồm da bìu và phần trong của bìu; bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nam; sưng bẹn (gồm cả thoát vị); dậy thì chậm ở con trai.
Bệnh thường phối hợp với yếu sinh lý:
1. Tiểu đường
2. Cao huyết áp
3. Xơ vữa mạch máu
4. Suy thận
5. Bệnh tim
6. Bệnh thần kinh - đa xơ thần kinh, đột quỵ, liệt nửa người, chấn thương tuỷ sống, bệnh Parkinson...
7. Thương tích đột ngột - ví dụ vùng tiểu khung và sàn chậu
8. Thương tích dần dần - đi xe đạp lâu năm.
9. Phẫu thuật - trên ruột non, trực tràng, bàng quang, ổ sau phúc mạc, cột sống, niệu đạo, tuyến tiền liệt...
10. Bệnh tại chỗ như bệnh Peyronie
11. Dùng thuốc chữa loét tá tràng, cao huyết áp, bệnh tâm trí...
Tiểu đường ảnh hưởng nhiều đến chức năng cương dương (hơn 50% bệnh nhân tiểu đường bị kém cương dương), cao huyết áp, hút thuốc lá, nghiện rượu, có bệnh gan, thận và bệnh tim, có hơn 250 loại thuốc gây ra kém cương dương. Chấn thương vùng tiểu khung và sinh dục cũng như nhiều can thiệp ngoại khoa ở những vùng này có thể gây ra kém cương dương do làm thương tổn các mạch máu nhỏ và thần kinh đi đến dương vật, thế nhưng hầu hết những bệnh chứng này có thể chữa khỏi bằng những phương pháp nam học hiện đại.
Nam học hiện đại đã đem lại gì?
Có thể coi coi như cuộc cách mạng về điều trị những bệnh ở cơ quan sinh sản nam nhờ có các phương pháp chẩn đoán trở nên đơn giản, chính xác và toàn diện hơn: đo với độ chính xác cao lượng máu đi đến dương vật, khu trú được vị trí mạch máu đi đến dương vật bị nghẽn tắc (tương tự như xác định vị trí nghẽn tắc của động mạch vành), có thể đếm và quan sát tinh trùng trên màn hình máy vi tính.
Phương tiện để tiến hành vi phẫu thuật có thể giúp nhìn thấy những cấu trúc không thể nhìn bằng mắt thường vì có độ phóng đại đến 40 lần, do đó đạt được độ chính xác cao trong thao tác.
Các labô về sinh sản là những địa chỉ nghiên cứu và lưu giữ tinh trùng, phương pháp thụ tinh nhân tạo và tiêm tinh trùng vào nguyên hình chất của trứng đã trở thành những công việc hàng ngày, mổ bắc cầu (bypass) dưới kính hiển vi trong điều trị bệnh liệt dương và vô sinh, cấy thiết bị chuyên dụng để chữa rối loạn cương dương đã có thể thực hiện ở nhiều cơ sở chuyên khoa nhưng còn nhiều công việc khác đang còn chờ ở phía trước.
BS ĐÀO XUÂN DŨNG