Các nhà khoa học Anh đã tìm ra cách để xạ trị trở nên hiệu quả hơn trong bệnh ung thư chỉ nhờ việc giúp bệnh nhân luyện tập… nín thở.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Brimingham (Anh) đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm tại các bệnh viện ở New Castle (Anh), Bỉ, Hà Lan và chứng minh được hiệu quả của phương pháp luyện thở giúp tăng sức mạnh cho xạ trị ung thư.
30 bệnh nhân ung thư đã được cung cấp không khí giàu oxy (nồng độ 60%, cao gần gấp 3 nồng độ 21% của không khí bình thường), đồng thời tăng cường loại bỏ carbon dioxide khỏi phổi nhờ máy thở cơ học, đeo như mặt nạ. Họ được luyện tập trong nhiều ngày dưới sự giám sát của chuyên gia sao cho đến cuối cùng, với một hơi không khí giàu oxy hít vào, họ có thể nín thở trong suốt 6 phút.
Luyện nín thở dưới sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại đem lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư - (ảnh minh họa từ SHUTTERSTOCK).
Mục đích của hành động này là… giữ lồng ngực và bụng bệnh nhân thật yên trong vòng 6 phút đó.
Tiến sĩ Mike Parkes, tác giả chính của nghiên cứu cho biết mỗi nhịp thở khiến ngực và bụng con người di chuyển tới 4cm. Trong khi đó, một trong những yếu tố quyết định thành công của xạ trị là giữ cơ thể bệnh nhân càng yên càng tốt.
Ở nhiều đơn vị điều trị ung thư, các bác sĩ giúp bệnh nhân luyện nín thở ngắn nhằm giúp trong khoảng thời gian ít ỏi đó, các chùm tia có thể tìm đến nơi cần tấn công chính xác nhất. Với khả năng nín thở trong vòng 6 phút, các bệnh nhân trong thí nghiệm đã có thể giữ cơ thể hầu như bất động lâu hơn người khác rất nhiều và nhờ đó hiệu quả của xạ trị tăng cao.
Trong một buổi điều trị khoảng 65 phút, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nín thở trong khoảng 41 phút, chia làm 9 phiên, thời gian còn lại để dành cho việc thiết lập phiên nín thở và phục hồi hơi thở sau phiên nín thở.
Bệnh nhân không cần thiết phải đạt đến mức 6 phút cũng đủ để liệu pháp có hiệu quả, bởi người bình thường chỉ nín thở khoảng 30 giây. Bệnh nhân được khôi phục hơi thở ngay nếu huyết áp tâm thu của họ tăng đến 180 mmHg. Có tới 67% tình nguyện có thể dễ dàng vượt qua 6 phút mà không bao giờ chạm tới giới hạn này.
Nghiên cứu vừa đăng tải trên Radiotherapy & Oncology, tạp chí khoa học của Hiệp hội Xạ trị và ung thư học Châu Âu.