Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Âu, các chuyên gia phỏng đoán nguyên nhân là do các nước nới hạn chế di chuyển giai đoạn hậu Covid.
Sau khi Anh thông báo về 7 người mắc đậu mùa khỉ hôm 17/5, các ca nhiễm lần lượt xuất hiện ở nhiều nước như Bồ Đào Nha (5) và Tây Ban Nha (23 trường hợp nghi nhiễm).
Mỹ ngày 18/5 ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên. Bệnh nhân là một người đàn ông sống ở Massachusetts, từng di chuyển đến Canada bằng xe riêng. Người này lây bệnh từ một bệnh nhân châu Âu.
Các đợt bùng phát gây lo ngại cho chuyên gia và giới chức y tế vì trước đó, mầm bệnh chủ yếu xuất hiện tại khu vực phía Tây và trung tâm châu Phi, ít khi lây lan rộng rãi.
Hiện tượng hiếm gặp
Đậu mùa khỉ gây phát ban, mẩn đỏ và ngứa ngáy khắp người. Các triệu chứng thường nhẹ, có thể điều trị. Có hai chủng đậu mùa khỉ phổ biến. Đầu tiên là chủng Congo, biểu hiện nặng hơn, tỷ lệ tử vong là 10%. Chủng thứ hai tập trung ở Tây Phi, ít nghiêm trọng, thường gây tử vong cho 1% người mắc bệnh. Hiện các bệnh nhân ở Anh mắc chủng đậu mùa Tây Phi.
"Từ trước đến nay, các đợt bùng phát đậu mùa khỉ khá hiếm, chỉ xảy ra khoảng 8 lần trong quá khứ", Jimmy Whitworth, giáo sư y tế công cộng quốc tế tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết.
Vì sao virus đột ngột bùng phát?
Các chuyên gia phỏng đoán việc các nước nới hạn chế đi lại hậu Covid-19 là nguyên nhân khiến bệnh đậu mùa khỉ trỗi dậy. Họ lo ngại bởi đậu mùa khỉ cùng họ với đậu mùa, căn bệnh nguy hiểm từng là nỗi ám ảnh với toàn thế giới.
Nhân loại đã xóa sổ bệnh đậu mùa vào năm 1980 bằng chương trình tiêm chủng hiệu quả. Vaccine cũng phòng ngừa cả bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, theo Anne Rimoin, giáo sư dịch tễ học tại Đại học California tại Los Angeles, miễn dịch ở người giảm dần qua thời gian. Đây có thể là nguyên nhân khiến đậu mùa khỉ một lần nữa bùng phát.
Các nhà khoa học cho rằng người dân không nên quá hoảng loạn. "Các ca nhiễm sẽ không gây ra đại dịch như Covid-19. Tuy nhiên, đây vẫn là đợt dịch nghiêm trọng, chúng ta cần đối phó một cách nghiêm túc", giáo sư Whitworth nói.
Virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi. (Ảnh: CDC)
Đường lây truyền
Chủng đậu mùa khỉ lần đầu được tìm thấy ở khỉ vào năm 1958. Tuy nhiên, hiện nay, động vật gặm nhấm là nguồn lây chính. Tại châu Phi, virus đậu mùa khỉ được tìm thấy ở nhiều loại động vật khác như sóc, chuột và nhiều loài khác. Người dân thường mắc bệnh khi ăn thịt chưa nấu chín kỹ và sử dụng các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh.
Virus cũng lây lan trong quá trình tiếp xúc gần người mắc bệnh, thông qua dịch thể, các tổn thương ở da hoặc niêm mạc. Tuy nhiên, hiện tượng lây truyền từ người sang người tương đối hạn chế.
Đợt dịch ở Anh đang khiến giới chuyên gia ngạc nhiên, bởi các ca nhiễm không có bất cứ liên hệ nào với nhau. Chỉ trường hợp đầu tiên, phát hiện ngày 6/5 từng di chuyển đến khu vực virus còn lưu hành là Nigeria. Một số nhà khoa học cảnh báo các ca nhiễm có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng", bởi một số bệnh nhân chưa được báo cáo.
Cơ quan An ninh Y tế Anh cũng cho biết ca nhiễm gần đây chủ yếu là người đồng tính nam hoặc song tính. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các nhà khoa học sẽ giải trình tự gene để xem virus có liên quan đến nhau hay không.
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
WHO cho biết hời kỳ ủ bệnh của đậu mùa khỉ thường là 5 đến 21 ngày. Quá trình nhiễm bệnh được chia làm hai giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn virus xâm nhập, kéo dài từ 0 đến 5 ngày, triệu chứng đặc trưng là sốt, nhức đầu dữ dội, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau lưng đau cơ và suy nhược cơ thể (thiếu năng lượng).
Nổi hạch là điểm khác biệt của đậu mùa khỉ so với những bệnh khác, có biểu hiện ban đầu tương tự như thủy đậu, sởi, đậu mùa thông thường. Giai đoạn thứ hai là phát ban trên da, thường biểu hiện trong một đến ba ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt. Phát ban có xu hướng tập trung nhiều ở mặt và tứ chi hơn là thân. Phát ban tiến triển tuần tự, từ việc rát da (chưa nổi mẩn) đến sẩn ngứa (các nốt mẩn nhô cao), sau đó là mụn nước (tổn thương dứa dịch bên trong) và mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng).