Bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ thế nào?

  •  
  • 293

Tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa là 30%, vượt qua Covid và được xem là dịch bệnh thảm khốc nhất lịch sử; may mắn là đến nay đậu mùa đã bị xóa sổ nhờ vaccine.

Ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay Covid-19 đã giết chết khoảng 15 triệu người (gồm cả những ca không được ghi nhận). Tỷ lệ tử vong của bệnh là 0,7% trên tổng số người mắc.

Tuy nhiên, lịch sử y khoa thế giới ghi nhận một dịch bệnh thảm khốc hơn, có tỷ lệ tử vong lên tới 30%. Đó là bệnh đậu mùa, chủ yếu tấn công trẻ sơ sinh. Căn bệnh từng là cơn ác mộng ở thế kỷ trước, song bị xóa sổ hoàn toàn vào năm 1980. Nhân loại tốn hàng thế kỷ, thay vì hàng tháng để phát triển loại vaccine hiệu quả ngăn chặn được bệnh này.

Bệnh đậu mùa do hai biến chủng virus là Variola major và Variola minor gây ra.
Bệnh đậu mùa do hai biến chủng virus là Variola major và Variola minor gây ra.

Hiện nay, tại các nước giàu có, tỷ lệ tử vong vì bệnh truyền nhiễm ở trẻ sơ sinh thấp. Hầu hết các bệnh có sẵn vaccine và điều trị được. Đây là một trong những tiến bộ y khoa lớn nhất của nhân loại. Việc loại trừ triệt để đậu mùa là một phần quan trọng của tiến bộ đó.

Bệnh đậu mùa do hai biến chủng virus là Variola major và Variola minor gây ra. Triệu chứng đặc trưng là sốt, sau đó phát ban, nổi mụn đỏ khắp da. Chủng bệnh nghiêm trọng hơn từ virus Variola major giết chết khoảng 30% số người nhiễm, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thậm chí cao hơn. Bệnh nhân thường qua đời trong vòng 8 đến 16 ngày. Variola minor có triệu chứng tương tự, song chỉ gây tử vong cho khoảng 1% số bệnh nhân.

Hệ số lây nhiễm R0 (số người nhiễm bệnh từ cùng một nguồn) của đậu mùa là từ 5 đến 7, tức là cứ một bệnh nhân sẽ lây bệnh cho khoảng 5 đến 7 người khác, gần tương đương với biến chủng Delta hoặc Omicron gây Covid-19.

Thế giới thành công đẩy lùi mầm bệnh nguy hiểm như đậu mùa chủ yếu do chiến dịch tiêm chủng hiệu quả. Trước khi phát triển vaccine hiện đại, người dân tự nghĩ ra nhiều cách để có miễn dịch với virus.

Tại Trung Quốc, vào đầu thế kỷ 15, nhiều người khỏe mạnh cố tình hít các vảy đậu mùa vào mũi để mắc chủng bệnh nhẹ hơn. Khoảng 0,5 đến 2% trường hợp đã tử vong vì sử dụng loại "vaccine tự chế" này, nhưng nó cũng giúp cải thiện đáng kể trạng thái miễn dịch chung của cộng đồng.

Tại Anh, năm 1796, tiến sĩ Edward Jenner chứng minh mắc chủng virus đậu mùa nhẹ sẽ giúp sinh kháng thể. Kể từ đó, cả châu Âu nghiêm túc chạy đua điều chế vaccine. Đến năm 1813, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật đảm bảo cung cấp vaccine đậu mùa, kiểm soát sự bùng phát của virus trong suốt những năm 1800.

Phần còn lại của thế giới thực hiện các nỗ lực tương tự, mức độ thành công khác nhau. Năm 1807, Bavaria ban hành quy định bắt buộc tiêm chủng đậu mùa. Năm 1810, Đan Mạch có động thái tương tự. Chương trình tiêm phòng sau đó tiếp nối trên toàn châu Âu.

Đến năm 1900, đậu mùa không còn là mối đe dọa ở các nước giàu có nhất thế giới. Tỷ lệ tử vong sau mắc bệnh giảm xuống còn 1%. Các nước Bắc Âu tuyên bố đã loại trừ thành công virus. Trong vài thập kỷ tiếp theo, Mỹ và Canada cũng thông báo đẩy lùi được mầm bệnh.

Gần 900.000 học sinh được tiêm phòng đậu mùa tại một trường học ở bang New York, Mỹ.
Gần 900.000 học sinh được tiêm phòng đậu mùa tại một trường học ở bang New York, Mỹ. (Ảnh: NY Daily News)

Tuy nhiên, khi đậu mùa còn tàn phá ở các khu vực khác trên thế giới, chương trình chủng ngừa vẫn cần thiết, nhằm đảm bảo virus không tái phát. Nửa đầu thế kỷ 20, thế giới vẫn ghi nhận từ 10 đến 15 triệu người mắc và khoảng 5 triệu ca tử vong vì bệnh đậu mùa hàng năm.

Mãi tới những năm 1950, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động nỗ lực toàn cầu tiêu diệt virus. WHO cung cấp khuôn khổ chung để các nước phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.

Trở ngại ban đầu là sự hoài nghi trong cộng đồng khoa học về tính khả thi và thực tiễn của ý tưởng tiêu diệt một mầm bệnh truyền nhiễm, theo Donald Ainslee Henderson, cựu giám đốc bộ phận giám sát dịch bệnh tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Trước đây, nhân loại chưa từng đánh bại hoàn toàn dịch bệnh nào. Thế giới có hàng tỷ dân dưới vô số chính phủ, nhiều người đang sinh sống trong vùng chiến sự.

Tuy nhiên, các tiến bộ về y tế đã hiện thực hóa niềm hy vọng của giới y khoa. Trong khoảng thời gian này, công nghệ kim tiêm được cải thiện. Loại kim tiêm hai nhánh giúp tiết kiệm vaccine. Hoạt động du lịch nước ngoài trở nên dễ dàng hơn, giúp việc vận chuyển vaccine và đưa nhân viên y tế công cộng tới các nước trở nên thuận lợi.

Đợt bùng phát năm 1947 tại thành phố New York, Mỹ, bắt nguồn từ một khách du lịch Mexico đã thúc đẩy nỗ lực thần tốc. Giới chức tiêm vaccine cho 6 triệu người trong vòng 4 tuần.

Đậu mùa cũng sở hữu các đặc tính khiến mầm bệnh dễ bị tiêu diệt hơn.Virus không thể cư trú trong động vật. Điều này có nghĩa nó không có khả năng lưu lại ở quần thể hoang dã, chờ cơ hội tái phát ở người như Ebola và các chủng virus corona. Một khi không còn lây nhiễm ở người, đậu mùa sẽ biến mất vĩnh viễn. Những người từng nhiễm bệnh tự nhiên (đã hồi phục) hoặc được tiêm vaccine sẽ có miễn dịch suốt đời.

Ngoài ra, virus phần lớn gây ra triệu chứng rõ ràng, có thời gian ủ bệnh khá lâu là khoảng một tuần. Đặc điểm này tạo điều kiện cho giới chức y tế công cộng nắm bắt căn bệnh và ban hành chiến lược "tiêm chủng theo vòng tròn". Mỗi khi có ca nhiễm được ghi nhận, họ tiêm chủng ngay cho những người đã tiếp xúc để ngăn chặn.

Ông Henderson gọi chiến dịch tiêm chủng vòng tròn là bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại đậu mùa. Thay vì nỗ lực tiêm vaccine cho 100% dân số thế giới (vốn bất khả thi ở các nước thu nhập thấp), chiến lược này cho phép đội ngũ y tế tập trung vào những nơi trọng yếu nhất.

Khi nhiều quốc gia tuyên bố thoát đậu mùa, nguồn lực chuyển sang những khu vực đang bùng dịch.

Năm 1977, thế giới đánh dấu đợt bùng phát đậu mùa cuối cùng ở Somalia. Bác sĩ đã theo dõi và tiêm phòng tất cả các trường hợp tiếp xúc gần, không ai trong số họ mắc bệnh.

Hai năm sau, vào ngày 8/5/1980, Đại hội đồng Y tế Thế giới tuyên bố toàn cầu đã loại bỏ hoàn toàn bệnh đậu mùa.

Hơn 4 thập kỷ, thế giới chưa thể lặp lại thành công này. Chiến lược tiêm chủng vòng tròn được ứng dụng trong các nỗ lực phòng chống bệnh khác, gần đây nhất là Ebola.

Tuy nhiên, những loại virus thế kỷ như HIV hoặc mầm bệnh tồn tại lâu năm như virus corona nói chung chưa bị loại bỏ. Một phần nguyên nhân là do virus có thể cư trú trên động vật. Số khác, như HIV thường lây truyền âm thầm không triệu chứng, khó phát hiện.

Dù vậy, chiến thắng một trong những mầm bệnh nguy hiểm nhất lịch sử vẫn để lại nhiều bài học trong lĩnh vực y tế.

Đầu tiên, chương trình xóa sổ đậu mùa và các bệnh truyền nhiễm cần đến nỗ lực của một hệ thống y tế công cộng được viện trợ tốt. Sự cố gắng của lực lượng y tế tuyến đầu chỉ có ý nghĩa khi các chính phủ phối hợp hành động, các nước nghèo không bị bỏ lại phía sau

Nỗ lực đẩy lùi đậu mùa cũng cho thấy tầm quan trọng của việc phân phối vaccine, cơ sở hạ tầng và vai trò thiết yếu của việc điều phối quốc tế. WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch của bệnh các nước cần được tài trợ hiệu quả, thu hút những tài năng khoa học hàng đầu và không bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu chính trị.

Cập nhật: 13/05/2022 VnExpress
  • 293