Bạn có tin ở linh hồn? Bạn không tin ở linh hồn? Thật khó trả lời, vì đó là một khái niệm mà chưa bao giờ con người thực sự làm chủ. Nhưng giải thích sự tồn tại và vận động của thế giới xung quanh và thậm chí là của chính bản thân mình là nhu cầu không bao giờ vơi cạn của con người. Vì thế, các nhà khoa học vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm câu trả lời về linh hồn.
Bí ẩn chưa có lời giải về linh hồn sau khi chết
Từ một câu chuyện kỳ lạ tại Tây Tạng
Tại vùng đất huyền bí nhất trên thế giới, Tây Tạng cho đến ngày nay vẫn còn lưu truyền một sự kiện hết sức kỳ lạ về "Người cầu vồng". Sự kiện xảy ra năm 1998 tại Kham, khu vực hẻo lánh phía đông Tây Tạng, sự biến mất kỳ lạ của vị Lạt ma Khenpo A-chos. Ông là một trong các vị Lạt ma có uy tín nhất trong vùng, thường xuyên thuyết giảng về đạo Phật dù Chính phủ Trung Quốc có những quy định rất khắt khe về việc này. Vào tuổi 80 vị Lạt ma vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh. Một hôm, Lạt ma Khenpo A-chos lên nằm trên giường của mình, miệng lẩm bẩm câu thần chú Tây Tạng "Om mani padme hum" và qua đời. Ngay sau đó, cầu vồng xuất hiện trên căn phòng nhỏ của ông suốt cả ngày.
Những người học trò của Khenpo A-chos tổ chức lễ cầu kinh để linh hồn người thầy siêu thoát. Nhưng hiện tượng lạ thường xảy ra: da thịt của vị Lạt ma bắt đầu hồng hào trở lại. Dường như Khenpo A-chos đang từ từ tái sinh. Học trò của ông đi hỏi ý kiến một vị Lạt ma và được lời khuyên hãy bọc thi thể của thầy lại và tiếp tục cầu kinh. Họ làm đúng như lời chỉ dẫn. Một tuần sau, khi mở tấm áo bọc thi thể vị Lạt ma, người ta chỉ thấy vài sợi tóc còn sót lại trên gối, thi thể của Khenpo A-chos đã hoàn toàn biến mất. Từ đó người Tây Tạng gọi ông là "Người cầu vồng".
Bức tranh Ascend in the Empyrean của hoạ sĩ Hieronymus Bosch miêu tả linh hồn về trời (Ảnh: apocalyptic-theories)
Câu chuyện thần bí lan ra khắp nơi. Cha Francis Tiso - một cha đạo dòng thánh Benedict tại Mỹ cũng nghe được câu chuyện kỳ bí này. Ông là một trong những chuyên gia nghiên cứu về đạo Phật và đã có học vị tiến sĩ trong lĩnh vực này. Cha Francis Tiso tổ chức một chuyến đi đến Kham để ghi lại lời kể của những người đã chứng kiến sự kiện. Người mà cha Tiso muốn gặp nhất là vị Lạt ma đã được các học trò của Lạt ma A-chos hỏi ý kiến. Vị Lạt ma nói với cha Tiso rằng sự biến mất của Lạt ma A-chos là do một lực vật chất xuất phát từ trong linh hồn của ông ấy. Đây không phải là một câu nói mang hàm ý triết học hoặc ẩn dụ, điều ông muốn nói ở đây là một sự thực đã xảy ra. Vị Lạt ma đưa cho cha Tiso xem một bức ảnh của Lạt ma A-chos khi ông đã qua đời. Bằng mắt thường có thể nhìn thấy rất rõ một luồng ánh sáng phát ra từ thân thể của Lạt ma A-chos. Xem bức ảnh, cha Tiso thốt lên: "Đây là sự giao hoà giữa cái có thể và không thể, giữa một con người hiện hữu và con người siêu phàm. Một ngày nào đó chúng ta sẽ tìm được cơ sở để chứng minh rằng nó có thật".
Điều mà cha Tiso muốn tìm trong sự kiện xảy ra tại Kham cũng nằm trong vấn đề lớn mà ông đang nghiên cứu, đó là có hay không sự tồn tại của linh hồn con người. Hiện nay, những cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề này vẫn diễn ra quyết liệt. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, nếu có sự tồn tại của linh hồn thì làm sao để xác định được. Những người cho rằng linh hồn là có thật dựa vào các tài liệu tôn giáo để chứng minh cho sự tồn tại của nó, còn người phản đối thì cho rằng các lập luận đó quá mơ hồ và không thể đủ độ tin cậy khi được kiểm chứng bằng các nghiên cứu khoa học.
Những kiểm chứng khoa học
Nhiều người đã cố gắng chứng minh sự tồn tại của linh hồn bằng các thí nghiệm khoa học. Một trong số đó là bác sĩ Duncan MacDougall. Sau khi tiến hành thí nghiệm trên 7 người chết, ông phát hiện rằng ngay sau khi qua đời, cân nặng của người chết giảm đi từ 11 đến 43g. Ông cho rằng đó là phần vật chất mà người ta thường gọi là linh hồn thoát ra khỏi thi thể. Sau này, nhiều người khác cũng thử lặp lại thí nghiệm của Duncan, nhưng câu trả lời cho sự tồn tại của linh hồn vẫn chưa được làm sáng tỏ. Phần trọng lượng bị mất đi đó của con người sau khi chết được giải thích chỉ đơn giản là sự bốc hơi của lượng nước có sẵn bên trong cơ thể.
Một bác sĩ khác cũng cố gắng chứng minh sự tồn tại của linh hồn bằng những thí nghiệm khoa học, đó là Gerard Nahum, giám đốc bộ phận nghiên cứu của công ty dược phẩm Berlex. Ông đã bỏ ra 20 năm chỉ để nghiên cứu lĩnh vực này. Theo Nahum, vấn đề khó nhất để xác định sự tồn tại của linh hồn là phải tìm được những chuỗi điện từ phát ra từ thi thể người chết. Ông đặt hàng loạt những máy dò hiện đại xung quanh thi thể (máy viba, máy dò tia hồng ngoại, tia gama, điện từ,...) để tìm ra "linh hồn". Nahum chắc chắn rằng sau khi chết, tất cả những gì thuộc về người đó khi họ còn sống không thể ngay lập tức mất đi hoàn toàn được. Nó sẽ phải qua một quá trình chuyển biến đến một nơi nào đó trong không gian. Tại những nơi đó, chúng sẽ được giữ gìn và tồn tại vĩnh cửu. Nhưng khi ông thử trình bày ý tưởng của mình với các trường đại học tại Mỹ thì tất cả đều từ chối. Ngay cả nhà thờ Thiên Chúa giáo cũng không chấp nhận tài trợ cho những nghiên cứu của Nahum. Vì thế những nỗ lực của nhà khoa học này giậm chân tại chỗ...
"Đó không phải là thứ dành cho đôi mắt, mà là của trái tim. Đối với chúng ta, có lẽ sự nhìn nhận bằng đôi mắt và cả sự cảm nhận từ trái tim sẽ cho câu trả lời chính xác nhất” - Lời của vị Lạt ma mà cha Tiso gặp tại Kham đã nói. |
Tại Đại học Virginia, một chuyên gia tâm thần học là Gruce Greyson cũng có các nghiên cứu liên quan đến sự tồn tại của linh hồn. Greyson là người đầu tiên tập trung vào tâm lý của những người đang ở ranh giới của sự sống và cái chết. Ông phát hiện ra rằng một vài người đang hấp hối đều nhìn thấy một luồng ánh sáng xanh rất mạnh, và cảm thấy một đường hầm đang dẫn họ về phía trước. Nhưng thực ra Greyson lại không hoàn toàn tin tưởng vào sự tồn tại của linh hồn. Ông cho rằng, phải có nhiều nghiên cứu nữa thì mới chứng tỏ được sự tồn tại hay không tồn tại của linh hồn.
Những câu trả lời có căn cứ từ khoa học hoặc tôn giáo hiện nay vẫn chưa thể coi là thoả đáng. Qua 30 năm tìm hiểu về trạng thái tâm thần của người hấp hối, ông đã phát hiện thấy khoảng 10% số người trong số các bệnh nhân suy tim đều có dấu hiệu hoạt động của não trong khi họ đang bất tỉnh. Sau khi được cứu chữa và tỉnh lại, những bệnh nhân này cho biết họ thấy những hoạt động của bác sĩ và y tá ở một điểm cao hơn. Tiếp tục nghiên cứu, Greyson cho đặt một màn hình với những giao diện khác nhau bên ngoài phòng cấp cứu bệnh nhân bị suy tim. Ông cho rằng, nếu thật sự có sự tồn tại của linh hồn, thì những người bị suy tim sau khi tỉnh lại sẽ biết được màu sắc của màn hình đặt tại phòng bên cạnh. 50 người đã được thử nghiệm, nhưng không một ai biết được màn hình có màu gì. Nhà khoa học giải thích rằng đó là do tác dụng của thuốc gây mê đã cản trở sự thoát ra của linh hồn.
Pim van Lommel, bác sĩ chuyên khoa tim người Đan Mạch cũng đồng ý với quan điểm của Greyson. Lommel cho rằng con người không chỉ có một ý thức, trong khi họ đang ở trong tình trạng hấp hối thì những ý thức khác hoạt động và mở rộng phạm vi của nó nhiều hơn so với bất cứ thời điểm nào trước đó. Lúc đó họ có thể hồi tưởng lại những khoảng thời gian xa xôi nhất trong quá khứ và cảm nhận được một cách rõ ràng hơn bình thường sự vật và con người xung quanh. Trong khi đó, thần kinh trung ương của họ vẫn đang ngừng hoạt động.
Những giả thiết trên đã đặt ra một sự nghi ngờ đối với kiến thức mà chúng ta đã biết và thừa nhận từ lâu: Ý thức là sản phẩm của não bộ. Điều đó giờ đây có thể không còn chính xác nữa. Bởi vì nếu như vậy, ý thức sẽ không thể tồn tại nếu não bộ ngừng hoạt động. Nhưng các thí nghiệm ở trên thì đều chứng minh cho điều ngược lại.
Còn hai học giả của trường Oxford là Stuart Hameroff và Roger Penrose lại giải thích sự tồn tại của linh hồn bằng quá trình lượng tử. Theo hai ông, não bộ con người được chia ra làm hàng tỉ ô siêu nhỏ, các ô này liên kết với nhau thông qua một quá trình di chuyển của các lượng tử. Khi cơ thể một người ngừng hoạt động, máu sẽ không được chuyển đến các ô này, và chúng cũng ngừng hoạt động. Nhưng sự di chuyển của các lượng tử thì không mất đi. Chúng sẽ thoát ra bên ngoài não bộ và ghi nhận những gì tồn tại ở không gian xung quanh. Nếu người đó tỉnh lại, các lượng tử sẽ quay trở lại não và hoạt động với chức năng thông thường của chúng. Những gì chúng ghi lại được khi thoát ra bên ngoài cũng được não bộ tiếp nhận. Và đó là lý do tại sao một người hấp hối nhưng sau đó được cứu sống lại có thể biết được những sự kiện mà anh ta không hề tận mắt chứng kiến hoặc được nghe kể lại.
Vậy nếu người đó không tỉnh lại được nữa thì các chuỗi lượng tử đó sẽ di chuyển đi đâu? Tiếp tục mở rộng giả thuyết của Hameroff và Penrose, bác sĩ Ian Stevenson đã nghiên cứu về khả năng các chuỗi lượng tử đó sẽ được tiếp nhận trong bộ não của trẻ sơ sinh, hay nói cách khác đó chính là sự tái sinh! Sau khi Ian Stevenson mất, con trai ông là Tucker tiếp tục theo đuổi giả thuyết này. Tucker tiến hành phỏng vấn rất nhiều trẻ em, trong số đó ông đã tập hợp được 1.400 em có khả năng biết được những sự kiện xảy ra trước khi chúng sinh. Thậm chí một vài em còn có thể kể rất rõ những sự kiện trong cả các giai đoạn phát triển rất sớm của lịch sử loài người.
Thực tế cho đến nay, dù có tập hợp được tất cả các công trình nghiên cứu khoa học về vấn đề này thì chúng ta cũng không thể nào biết được chính xác liệu có sự tồn tại của linh hồn hay không, và nếu có tồn tại thì chúng sẽ tồn tại ở dạng nào. Có lẽ khoa học không phải lúc nào cũng là giải pháp tối ưu cho tất cả mọi vấn đề. Như lời của vị Lạt ma mà cha Tiso gặp tại Kham đã nói: "Đó không phải là thứ dành cho đôi mắt, mà là của trái tim. Đối với chúng ta, có lẽ sự nhìn nhận bằng đôi mắt và cả sự cảm nhận từ trái tim sẽ cho câu trả lời chính xác nhất."