Tình yêu trong mắt các nhà khoa học không phải là những cảm xúc "tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn".
Kìa một anh chàng đẹp trai. Anh ấy mỉm cười. Bạn cũng mỉm cười. và trước khi kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì bạn đã yêu mất rồi! Vài tuần sau đó, thế giới của bạn chỉ còn có anh ta. Bạn bè và gia đình được xếp vào hàng thứ yếu. Bạn thường xuyên nghĩ đến ngưới ấy, tâm trạng cứ lâng lâng (ngoại trừ những lúc người ta quên gọi điện cho bạn).
Tại sao tim bạn đập loạn nhịp trước một người và dửng dưng trước người khác? Tình yêu luôn là lâu đài bí ẩn đối với những ai đang yêu. Nhưng hiện nay, dựa vào kỹ thuật scan não, các nhà nghiên cứu đã phần nào giải mã 10 câu hỏi về tình yêu người ta thường đặt ra.
1. Điều gì khiến người ta muốn kết đôi? Con người ta được "lập trình" để gắn bó với nhau. Mối quan hệ gần gũi kích hoạt sự sản sinh oxytocin và vasopressin, những chất mà các nhà khoa học vẫn gọi là "hormone ôm ấp".
Chỉ một cái chạm nhẹ từ người mà bạn yêu cũng làm gia tăng hai hormone này. Còn sau những lần ân ái, thâm mật, chúng sẽ tràn ngập cơ thể. Các nhà khoa học cho rằng những hormone này đóng vai trò quan trọng để gìn giữ mối quan hệ lâu dài, khi hai người đã nhìn rõ những khiếm khuyết của nhau.
2. Điều gì quyết định sự hấp dẫn? Nhìn chung, chúng ta bị hút về phía những người giống mình. Phụ nữ xinh xắn có khuynh hướng chọn người có ngoại hình ưa nhìn. Người từ tầng lớp, giai cấp nào sẽ thích đối tượng cũng thuộc tầng lớp, giai cấp ấy.
Theo các chuyên gia, điều này là do tính bình đẳng cũng góp phần vào sự kết hợp bền vững. Nữ diễn viên nổi tiếng thường sóng bước với ngôi sao ca nhạc bởi vì những người đàn ông ấy cũng giàu có và nổi tiếng như họ.
Nhưng một khi bạn đã bỏ qua dáng vẻ bên ngoài và khả năng tài chính, để đi vào tìm hiểu tính cách, thì những người tính tình trái ngược lại thường hút nhau. Chúng ta có khuynh hướng yêu người bí ẩn và có vẻ khó chinh phục.
3. Tình yêu có mù quáng không? Không hẳn, nhưng một khi đã phải lòng ai, tầm nhìn của bạn như bị phủ một lớp mây. Trong tình yêu, bạn vẫn nhận thức rõ những thiếu sót của người kia, nhưng não bộ... chặc lưỡi: "Cho qua!". Nghiên cứu cho thấy khi hai người đang "say" nhau nhìn nhau, phần não liên quan đến đánh giá và cảm xúc tiêu cực gần như không hoạt động, còn phần phán xét, phê bình trở nên mụ mẫm.
4. Tình yêu có gây nghiện? Tình yêu gây nhiều rắc rối cho phản ứng hóa học của cơ thể. Nó khiến bạn hành động như một con nghiện. Người ta nhận ra, lượng serotonin giảm đến 40% ở những đối tượng mới yêu, khiến một số người có dấu hiệu mắc phải chứng rối loạn ám ảnh - thôi thúc. Đó là lý do tại sao bạn không thể đẩy người ấy ra khỏi tâm trí mình.
Thêm vào đó, cơ thể tiết ra cortisol, loại hormone giúp bạn đương đầu với tình huống nguy cấp. Nó giúp bạn luôn trong tư thế sẵn sàng tấn công.
Theo một nghiên cứu, ở những người vừa mới yêu, phần não sản xuất và tiếp nhận dopamine hoạt động mạnh mẽ. Loại chất truyền dẫn thần kinh này gây nên những biểu hiện giống như người nghiện (Những người nghiện cờ bạc hoặc ma túy có phản ứng dopamine tương tự). Vì nó, bạn bị thúc đẩy cho đến khi chinh phục được người kia.
Khi mối quan hệ kết thúc, bạn sẽ trải nghiệm những triệu chứng tương tự như một người nghiện đang cai thuốc. Lượng dopamine giảm xuống khiến tâm trạng suy sụp. Lượng serotonin vẫn thấp, nên rối loạn ám ảnh - thôi thúc chưa chịu ra đi.
Để bù đắp sự mất cân đối này, khuynh hướng liều lĩnh gia tăng. Bạn sẽ nỗ lực hơn và trở nên quá khích. Thái độ này giúp bạn giành lại người ấy, hoặc khiến anh ta... chạy dài.
5. Ngoại hình đóng vai trò như thế nào? Vẻ bề ngoài quan trọng đối với cả hai phái, nhưng nam giới coi trọng yếu tố này hơn. Trong quá trình để ý nhau, phần não xử lý thông tin về ngoại hình ở nam giới hoạt động tích cực hơn. Còn ở phái nữ, hoạt động phần não liên quan đến việc ra quyết định sẽ mạnh hơn. Điều đó khiến cô ấy suy nghĩ hơn một chút chứ không chỉ dừng lại ở ngoại hình.
6. Vì sao một số người miễn cưỡng khi phải quyết định "chung thân"? Có thể là do khác biệt gien. Các nhà khoa học đã thí nghiệm ảnh hưởng của vasopressin đối với hai loài gặm nhấm có họ hàng gần: chuột thảo nguyên và chuột đồng. Chuột thảo nguyên là một trong 3% động vật có vú sống theo quan hệ một chồng, một vợ. Chuột đồng thì không. Nhưng khi những chàng chuột đồng được tiêm loại gien tiết ra chất tiếp nhận vasopressin, ngay lập tức chúng mất đi thói hoang đàng và chấp nhận yên bề gia thất.
Chính nhờ số lượng chất vasopressin mà mỗi người có khả năng gắn bó lâu dài với một ai đó. Kết thúc thí nghiệm trên, người ta khẳng định: Khi một cặp vợ chồng có thể sống với nhau 50 năm thì hẳn có một sự tác động nào đó bên trong chứ không chỉ nhờ tính tình hợp nhau.
7. Tình yêu có làm cho bạn tin tưởng hơn không? Những người yêu nhau thường nhìn đời qua lăng kính màu hồng. Trong một thí nghiệm, người ta từng hai người một cùng nhìn vào những bức chân dung gớm ghiếc. Một trong hai người sẽ được hít oxytocin. Ở những người được hít oxytocin, hoạt động của trung tâm điều khiển cảm giác ghê sợ của não giảm đáng kể. Điều đó chứng tỏ oxytocin giúp gia tăng lòng tin.
8. Điều gì giữ người ta ở bên nhau? Hormone và nỗ lực. Cảm giác xao động kéo dài được 1-2 năm, sau đó, các phản ứng của hormone tắt dần. Nhưng may thay, những phút mặn nồng lại giúp gia tăng dopamine. Vì thế mà sau một chuyến du lịch, bạn thường cảm thấy hài lòng hơn về người bạn đời. Sự thường xuyên gần gũi giúp duy trì oxytocin ở mức cao, nắm tay,vuốt ve... đều tạo cảm giác gắn bó.
9. Tại sao người ta phản bội? Cảm giác bị thu hút, tình yêu lãng mạn và sự gắn bó liên quan đến ba hệ thống não riêng biệt, nhưng chúng chồng lên nhau. Điều đó giải thích vì sao có ai đó khao khát được ôm ấp một người, si mê người khác và muốn gắn bó cuộc đời với người thứ ba! Đơn giản, mỗi loại tình yêu phục vụ cho một nhu cầu riêng biệt, xuất hiện trong những hoàn cảnh khác nhau. Vì thế, những người phản bội cũng có thể phân loại các nguồn cảm xúc của họ.
Điều gì khiến một người có khuynh hướng phản bội nhiều hơn người khác? Không có câu trả lời xác đáng. Người ta cho rằng những người có tính cách thích khám phá cái mới và nhạy cảm với dopamine có khả năng "lạc lòng" lớn hơn. Nhưng những yếu tố riêng của từng mối quan hệ như nhu cầu được quan tâm, mong muốn thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại... cũng "đổ thêm dầu vào lửa".
10. Tình yêu có ảnh hưởng đến sức khỏe? Những cặp có mối quan hệ tốt đẹp thường mạnh khỏe hơn. Họ ít bị stress hơn. Một phần là do họ nâng đỡ nhau về mặt tinh thần trong những lúc khó khăn. Ít stress hơn đồng nghĩa với sức khỏe và chức năng miễn nhiễm tốt hơn. Một thí nghiệm cho thấy, đối với những người đang trục trặc tình cảm, vết thương hay vết bầm chậm lành hơn đến 40%. Tan vỡ trong tình yêu cũng gây nên cảm giác đau thể chất vì vùng cảm giác đau ở não bị kích hoạt.
Sẽ không còn là bí ẩn nữa khi những trạng thái tình yêu được phân tích như những phản ứng hóa học
Quốc Hùng