Bộ hài cốt làm "đảo lộn lịch sử" ở Indonesia: Ca phẫu thuật sốc 31.000 năm trước

Bộ xương 31.000 năm tuổi "viết lại lịch sử loài người"

Nền văn minh nhân loại đã tiến một bước xa, đầy bí ẩn và gây kinh ngạc 31.000 năm về trước, thể hiện qua một bộ hài cốt thiếu phần dưới chân trái được khai quật ở Borneo - Indonesia.

Theo Science Alert, bộ hài cốt được phát hiện trong hang động đá vôi ở một vùng hẻo lánh thuộc Đông Kalimantan, Borneo - Indonesia vào năm 2020. Từ đó đến nay, nhóm nghiên cứu từ nhiều viện, trường ở Indonesia và Úc, dẫn đầu bởi nhà khảo cổ Tim Maloney từ Trường Đại học Griffith - Úc, đã phân tích và chỉ ra nhiều điều khác thường.

Việc thiếu một phần chân trái có vẻ rất bình thường nhưng lạ lùng ở đây là bàn chân của cá thể trẻ tuổi này đã được cắt bỏ một cách vô cùng khéo léo.


Các nhà khảo cổ đang nghiên cứu bộ hài cốt kỳ lạ - (Ảnh: NATURE).


Bộ xương 31.000 năm tuổi tìm thấy trong hang động ở Indonesia. (Ảnh: Guardian/Tim Maloney).

Phẫu thuật đoạn chi bí ẩn có vẻ đã xảy ra khi người đó còn là một đứa trẻ, khoảng 6-9 năm trước cái chết. Điều đó thể hiện rõ ràng việc đoạn chi là một thủ thuật y học.

"Thật ngạc nhiên khi cá thể cổ đại này sống sót sau một ca phẫu thuật thời thơ ấu rất nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Vết thương lành lại tạo thành một mỏm cụt tốt. Sau đó người đó sống nhều năm trên địa hình đồi núi với khả năng di chuyển bị thay đổi" - nhà khảo cổ sinh học Melandri Vlok từ Đại học Sydney - Úc cho biết những dữ liệu mà bộ xương tiết lộ.

Trước đây, bằng chứng sớm nhất nhân loại có về một ca phẫu thuật đoạn chi là hài cốt nam giới 7.000 năm tuổi được tìm thấy ở Pháp, bị cụt cẳng tay trái, vị trí ngay trên khuỷu tay.

Niên đại 31.000 năm của bộ hài cốt mới được phát hiện - xác định qua kết quả phân tích đồng vị carbon phóng xạ - thực sự gây sốc, không chỉ ở cách phẫu thuật được thực hiện, vết thương được chữa lành mà còn ở hiểu biết về việc đoạn chi có thể là một cách để cứu sống.

Ngay cả ngày nay, đoạn chi vẫn là một phẫu thuật phức tạp đòi hỏi một nhóm bác sĩ về giải phẫu học, tuần hoàn để có thể xử lý các mạch máu, dây thần kinh, tháo khớp... cũng như cần kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt.

Các nhà khoa học thừa nhận, phát hiện này đã làm đảo lộn giả định của giới khảo cổ rằng những ca phẫu thuật phức tạp như thế này không thể tồn tại trong xã hội săn bắt - hái lượm.

Người ta từng cho rằng những tiến bộ y học thế này chỉ bắt đầu khởi động khi loài người tiến đến xã hội biết trồng trọt - khoảng 10.000 năm về trước.

Liệu bộ xương có thể hiện trình độ y tế tiên tiến khác thường này chỉ xảy ra ở riêng một cộng đồng riêng biệt, hay nó đã phổ biến ở nhiều cộng đồng, vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Khả năng nó xuất hiện như một sự kiện hiếm và biệt lập vẫn cao hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng chính điều kiện ở những vùng nhiệt đới nóng ẩm như Indonesia đã thúc đẩy người săn bắt hái lượm sớm tìm đến những dược liệu tự nhiên, là những thứ đảm trách các công đoạn không thể thiếu trong ca mổ như gây mê và sát trùng.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.

Cập nhật: 09/09/2022 NLĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video