Trong những âm thanh chíp chíp, ngân vang của tiếng chim hót, các nhà khoa học đã tìm thấy một số điểm tương đồng với ngôn ngữ của con người.
Trong hành trình tìm kiếm điều khiến cho con người trở nên độc nhất vô nhị, chúng ta thường so sánh bản thân với họ hàng gần nhất của mình: loài vượn lớn (great ape). Nhưng khi xét đến khả năng ngôn ngữ tinh túy của loài người, các nhà khoa học còn tìm ra nhiều manh mối thú vị hơn thế.
Ngôn ngữ của con người được tạo nên nhờ khả năng phát âm bẩm sinh đầy ấn tượng. Trẻ sơ sinh có thể nghe âm thanh và từ ngữ, hình thành khối ký ức về chúng, sau đó cố gắng phát ra những âm thanh này và dần cải thiện khi lớn lên. Mặc dù động vật linh trưởng (không xét đến con người) có thể học cách sử dụng giọng nói bẩm sinh theo những cách mới, nhưng lại không cho thấy khả năng tương tự khi học tiếng kêu mới. Thú vị ở đây là, ở một số ít các loài động vật có vú không có họ hàng gần gũi với chúng ta, bao gồm các heo và dơi lại có khả năng này. Trong số những “kẻ học thanh âm” không kể con người, rải rác trên khắp thế giới thì ấn tượng nhất là loài chim.
Một chú chim đang đậu trên cột ở Suffolk, Anh, cất tiếng hót. (Ảnh: Avalon/Universal)
Vẹt, những loài chim biết hót, họ chim ruồi đều có thể học cách phát âm mới. Các tiếng kêu và tiếng hót của một số loài trong nhóm này dường như có nhiều điểm chung hơn với ngôn ngữ của loài người, chẳng hạn như truyền đạt thông tin có định hướng và sử dụng các hình thức đơn giản trong một số yếu tố ngôn ngữ của con người như âm vị học, ngữ nghĩa và cú pháp. Ngoài ra còn có những điểm tương đồng rõ ràng hơn, như là sự tương tự về cấu trúc não, không thể tìm thấy ở các loài không có khả năng học phát âm.
Những điểm tương đồng này đã thúc đẩy bùng nổ nghiên cứu trong những thập kỷ gần đây, theo nhà nghiên cứu Julia Hyland Bruno của Đại học Columbia, chuyên gia phân tích các khía cạnh xã hội trong tiếng hót của chim sẻ vằn. “Rất nhiều người đã ví von sự giống nhau giữa ngôn ngữ và tiếng chim hót”, cô cho biết.
Hyland Bruno tìm hiểu chim sẻ vằn vì chúng có tập tính xã hội cao hơn hầu hết các loài chim di cư khác - chúng thích đi theo các nhóm nhỏ để từ đó tụ tập thành các nhóm lớn hơn. “Tôi bị thu hút bởi cách chúng học văn hóa truyền âm trong các nhóm của mình”, Hyland Bruno cho hay.
Cả tiếng chim hót và ngôn ngữ loài người đều được truyền lại theo tập tính văn hóa cho các thế hệ sau thông qua việc học phát âm. Các quần thể ở cùng một loài chim cách xa nhau về mặt địa lý có thể tạo ra những thay đổi nhỏ về tiếng hót theo thời gian, cuối cùng dẫn đến một “phương ngữ” mới – tiến trình này cũng tương tự như cách con người phát triển âm giọng, phương ngữ và ngôn ngữ riêng biệt.
Với tất cả những điểm tương đồng kể trên, một câu hỏi hợp lý đó là liệu loài chim có ngôn ngữ riêng của chúng hay không. Điều này phụ thuộc vào cách bạn định nghĩa ngôn ngữ là gì.
Nhiều loài chim sử dụng các tiếng báo động khác nhau tùy theo từng kẻ săn mồi.
“Tôi sẽ không nói rằng chúng có ngôn ngữ theo cách mà các chuyên gia ngôn ngữ học định nghĩa”, nhà khoa học thần kinh Erich Jarvis thuộc Đại học Rockefeller ở Thành phố New York nói. Nhưng đối với các nhà khoa học như Jarvis, nghiên cứu sinh học thần kinh của giao tiếp âm thanh ở chim, ông cho rằng: “Tôi sẽ nói rằng chúng có một phần tàn dư hoặc một dạng phôi thai của thứ mà chúng ta có thể gọi là ngôn ngữ nói”.
“Nó giống như từ ‘tình yêu’. Bạn đặt câu hỏi tình yêu là gì cho nhiều người, và sẽ nhận được vô vàn định nghĩa khác nhau. Điều đó có nghĩa nó một phần của bí ẩn”.
Theo Jarvis, có nhiều yếu tố trong ngôn ngữ nói và một số yếu tố tập trung tại những loài cụ thể nhiều hơn những loài khác. Một yếu tố khá phổ biến là thính giác học, giống như một chú chó phản hồi lệnh “ngồi”. Việc học nói của con người và một số loài chim là một trong những yếu tố đặc biệt nhất, nhưng những thứ này chỉ được chia sẻ ở một mức độ nào đó đối với các loài động vật khác, ông nói.
Ngữ pháp của tiếng chim có điểm tương đồng với con người
Một yếu tố quan trọng trong ngôn ngữ của con người là ngữ nghĩa, sự kết nối của từ ngữ với nghĩa của nó. Các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng không giống như từ ngữ của chúng ta, tiếng kêu của động vật là không tự chủ, phản ánh trạng thái cảm xúc của động vật mà không truyền tải bất kỳ thông tin nào khác. Nhưng trong bốn thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loài động vật khác nhau có những tiếng kêu riêng biệt với những ý nghĩa cụ thể.
Nhiều loài chim sử dụng các tiếng báo động khác nhau tùy theo từng kẻ săn mồi. Chim sẻ ngô Nhật Bản, làm tổ trong các hốc cây, có một tiếng kêu khiến gà con phải cúi khúm núm để tránh bị quạ kéo ra khỏi tổ, và một tiếng kêu khác để báo gà con nhảy ra khỏi tổ khi bị rắn cây tấn công. Chim giẻ cùi Siberian điều chỉnh tiếng kêu của chúng tùy thuộc vào việc nhìn thấy một con diều hâu đang đậu, tìm kiếm con mồi hay chủ động tấn công – và mỗi tiếng kêu khơi gợi một phản ứng khác nhau với những con chim giẻ cùi gần đó. Trong khi đó, những con chim bạc má mũ đen sẽ thay đổi số lượng âm “dees” đặc trưng trong tiếng kêu của chúng để biểu thị kích thước tương đối và mối đe dọa của kẻ săn mồi.
Chim giẻ cùi Siberian. Ảnh: Garth Peacock.
Hai nghiên cứu gần đây cho thấy thứ tự phát âm của một số loài chim có thể tác động đến ý nghĩa trong đó. Mặc dù ý kiến này vẫn còn gây tranh cãi, nhưng có thể nó đại diện cho một dạng sơ đẳng của các quy tắc điều chỉnh trật tự và sự kết hợp các từ và thành phần trong ngôn ngữ của con người được gọi là cú pháp, được minh họa bởi ví dụ cổ điển “con chó cắn con người” với “con người cắn con chó”.
Ngoài các âm thanh cảnh báo, nhiều loài chim còn sử dụng các tiếng kêu chiêu mộ để triệu tập các thành viên khác trong loài của chúng. Cả hai giống chim sẻ ngô Nhật Bản và khướu phương nam dường như kết hợp tiếng kêu cảnh báo và triệu tập để tạo ra lời kêu gọi “vũ trang”, tập hợp đồng bọn thành đám đông để quấy rối và đánh đuổi kẻ săn mồi. Khi những con chim nghe thấy âm thanh này, chúng sẽ tiếp cận nguồn âm đồng thời dò xét xung quanh để tìm mối nguy hiểm.
Các nhà khoa học dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu Toshitaka Suzuki của Đại học Kyoto đã phát hiện ra rằng thứ tự kết hợp của các tiếng kêu quan trọng đối với chim sẻ ngô Nhật Bản. Khi nhóm của Suzuki mở đoạn âm thanh thứ tự “báo động + triệu tập” được ghi lại cho những con chim sẻ ngô hoang dã nghe, nó tạo ra phản ứng rung động mạnh mẽ hơn nhiều so với thứ tự “triệu tập + báo động” được đảo ngược. Điều này có thể được giải thích đơn giản là do những con chim phản hồi lại âm thanh kết hợp “báo động + triệu tập” như thể một tín hiệu riêng của chúng mà không hề phân định các thành phần của sự kết hợp.
Một họ chim sẻ khác là willow tit cũng có âm thanh riêng biệt của chúng, những con chim sẻ ngô Nhật Bản vẫn hiểu và phản ứng lại nó một cách bản năng. Khi nhóm của Suzuki kết hợp giữa tiếng kêu “triệu tập” của chim sẻ willow với “cảnh báo” của chim sẻ Nhật, các con chim sẻ ngô Nhật đã phản ứng lại với cùng kiểu hành vi là dò xét và tiếp cận, nhưng chỉ là khi các thành phần theo đúng thứ tự “cảnh báo + triệu tập”.
“Những kết quả này chứng minh một sự tương đồng mới giữa hệ thống giao tiếp của động vật và ngôn ngữ của con người”, theo Suzuki và các đồng nghiệp trên tạp chí Current Biology vào năm 2017.
Nhưng vấn đề là việc giải nghĩa sự kết hợp tiếng kêu giữa chim sẻ ngô và khướu có thực sự phù hợp với ngôn ngữ của con người, thứ vốn liên quan đến các trình tự phức tạp hơn hay không, nhà khoa học thần kinh hành vi Adam Fishbein của Đại học California, San Diego cho biết.
“Nếu loài chim đang làm thứ gì đó giống với ngôn ngữ, kết quả có được sẽ là một loạt các kết hợp khác nhau của nhiều thứ. Đây vẫn là một hệ thống còn bị giới hạn ở chúng”, Fishbein nói.
Hiểu biết bị giới hạn bởi những gì con người nghe được
Nghiên cứu riêng của Fishbein về tiếng hót của chim sẻ vằn cho thấy cú pháp có thể không quan trọng đối với loài chim như đối với con người. “Tôi có cảm giác mọi người đang cố gắng áp đặt cách suy nghĩ của mình về giao tiếp lên những gì loài chim đang làm”, ông nói.
Tiếng chim hót có thể rất phức tạp, có xu hướng trình tự và mô hình điển hình của các nốt, âm tiết và mô típ. Vì vậy tiếng hót của chúng có thể gần tương đồng với ngôn ngữ của loài người hơn là các tiếng kêu báo hiệu và tập hợp của chúng. Đối với tai người, từng phần của tiếng chim hót dễ liên tưởng đến các âm tiết của từ, vì vậy có thể dễ dàng cho rằng thứ tự của từng phần đó là quan trọng về mặt thông điệp. Tuy nhiên, có lẽ điều ngạc nhiên là chúng ta biết rất ít về cách thức tai chim nhận thức các trình tự trong tiếng hót của chúng. Nghiên cứu của Fishbein cho thấy rằng những gì loài chim nghe được từ tiếng hót có thể rất khác so với những gì con người nghe được.
Fishbein đã nghiên cứu những con chim sẻ vằn, chúng được huấn luyện để nhấn một cái nút khi nhận thấy sự thay đổi trong âm thanh nghe được. Khi những con chim xác định chính xác một thay đổi, chúng sẽ nhận được phần thưởng là thức ăn. Nếu đoán sai, đèn trong hàng rào vây quanh chúng sẽ tắt ngay lập tức. Fishbein đã kiểm tra sự khác biệt mà các loài chim thực sự có thể giải mã, giúp các nhà khoa học hiểu được những khía cạnh nào trong tiếng hót là quan trọng đối với chúng.
Trong một bài thử nghiệm, Fishbein và các đồng nghiệp của mình đã mở đi mở lại tiếng hót chuẩn của chim sẻ trong từng khoảng thời gian đều đặn trước khi chuyển sang một phiên bản khác với các âm tiết được họ sắp xếp lại. Con người có thể dễ dàng nghe thấy những thay đổi này, nhưng lũ chim lại tỏ ra rất tệ trong việc xác định trình tự xáo trộn.
Những con chim biểu hiện tốt hơn nhiều trong một thử nghiệm khác mà Fishbein thực hiện. Trong mỗi âm tiết sẽ có những chi tiết tần số cao hơn được gọi là “cấu trúc tinh vi theo thời gian” giống như những gì con người cảm nhận là âm sắc hoặc thanh điệu. Khi các nhà khoa học can thiệp vào cấu trúc tinh vi của tiếng hót bằng cách chơi giật lùi một trong các âm tiết thì những con chim đã “bắt” lấy chúng cực kỳ giỏi.
Fishbein nói: “Đó là một khía cạnh âm thanh mà chúng nghe tốt hơn chúng ta rất nhiều. Vì vậy chúng có thể khai thác mức độ âm thanh mà chúng ta không thể khai thác nếu chỉ vô tình nghe tiếng chim hót”.
Nhà ngôn ngữ học Juan Uriagereka, người đã làm việc với Fishbein tại Đại học Maryland cho rằng sự hiểu biết của con người về những gì loài chim nghe thấy và những gì tác động đến chúng đã bị giới hạn bởi những gì chúng ta nghe được, điều đó cũng tương tự với rất nhiều các nghiên cứu khoa học, các phân tích thống kê được sử dụng để phân tích tiếng chim hót. “Mười năm trước, chúng ta thậm chí còn không biết những đơn vị mà chúng kết hợp là gì. Và dĩ nhiên, những gì chúng ta nghĩ là đơn vị đó cũng chỉ là phỏng đoán của chúng ta thôi, đúng không?”, ông nói.
Chim sẻ ngô Nhật Bản.
Mặc dù tất cả con chim sẻ vằn đực đều học cùng một bài hát duy nhất, nhưng các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng có sự khác biệt về cấu trúc thời gian giữa các lần thể hiện tiếng hót chuẩn, cho thấy rằng loài chim này có hệ thống giao tiếp phong phú hơn nhiều so với những gì chúng ta nghi ngờ. Fishbein nói: “Có thể phần lớn nội dung được gói gọn trong các yếu tố riêng lẻ, và việc chúng được sắp xếp như thế nào không ảnh hưởng đến việc truyền đạt ý nghĩa”.
Giao tiếp có chủ đích
Ngay cả khi một số loài chim cho thấy những khía cạnh thô sơ trong ngôn ngữ của con người, chúng ta vẫn biết rất ít về những gì đang thực sự diễn ra trong ý nghĩ của chúng. Hầu hết các nghiên cứu về giao tiếp của động vật đều tập trung vào việc mô tả các tín hiệu và hành vi, nhìn bề ngoài thì chúng có thể rất giống với hành vi của con người. Việc xác định xem liệu các quá trình nhận thức cơ bản có thúc đẩy hành vi vì thế cũng khó khăn tương tự.
Trọng tâm mà con người cần tìm hiểu ở đây là yếu tố chủ đích. Liệu động vật chỉ đơn thuần phản ứng với môi trường của chúng hay thật sự có ý định truyền tải thông tin cho nhau? Ví dụ như, khi phát hiện ra thức ăn, một chú chim có thể tạo ra một tiếng kêu đặc trưng để thu hút đồng loại đến. Có phải đó sẽ là “Hey! Thức ăn!” - thu hút những con chim khác một cách thiếu chủ đích? Hay đại loại như: “Này các bạn, hãy đến xem chiến lợi phẩm mà tôi tìm thấy này?”.
Các dấu hiệu của sự chủ đích đã được thể hiện ở nhiều loài động vật. Sóc đất, cá chọi Xiêm, gà và thậm chí cả ruồi giấm thay đổi tín hiệu của chúng tùy thuộc vào cá thể tiếp nhận xung quanh, một dấu hiệu cho thấy chúng có một số kiểm soát chủ động đối với những tín hiệu phát ra. Các loài động vật khác dường như cố ý “cho thấy” điều gì đó, chẳng hạn như một chú chó nhìn đi nhìn lại giữa con người và một túi đồ ăn vặt hoặc món đồ chơi được giấu kín, thậm chí có thể thêm một tiếng sủa để thu hút sự chú ý của con người trước tiên. Quạ dường như cũng trưng đồ vật ra cho những con quạ khác thấy bằng cách ngậm chúng trong mỏ - thường chỉ khi những con quạ kia chú ý.
Một số minh chứng rõ ràng nhất gần đây cho việc giao tiếp có chủ đích của các loài chim là từ quan sát các con khướu Arabian hoang dã tại Khu bảo tồn thiên nhiên Shezaf ở Israel. Một nhóm do nhà nghiên cứu Yitzchak Ben-Mocha dẫn đầu đã ghi lại cảnh những con khướu trưởng thành đang dỗ dành con non di chuyển đến nơi trú ẩn mới. Những con trưởng thành sẽ kêu và vẫy cánh trước con non và sau đó di chuyển về phía nơi trú ẩn. Nếu một con non không làm theo ngay lập tức hoặc dừng lại trên đường đi, con trưởng thành sẽ quay lại, hót và nhảy lặp đi lặp lại cho đến khi con non chịu nghe theo.
Các nhà khoa học gọi những tín hiệu như vậy là giao tiếp có chủ đích. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là dạng tiền thân giao tiếp có chủ đích bậc hai. Điều này liên quan đến việc chủ thể phát tín hiệu biết điều gì đó về tâm trí của đối tượng tiếp nhận, như là con chim tìm thấy thức ăn biết được đồng loại vẫn chưa nhận ra sự tồn tại của thức ăn đó và đang cố ý thông báo cho chú chim ngờ nghệch kia. Và như bạn có thể đoán, thì kiểu phân bổ tinh thần này là một hành vi khó kiểm tra.
Các nhà khoa học đang thực hiện một hướng đi khác để cố gắng tìm hiểu điều gì làm cơ sở cho sự giao tiếp như vậy bằng cách so sánh các cấu trúc não cho phép học phát âm ở những loài chim biết hót và con người.
Cơ chế mà chim tạo ra âm thanh rất giống con người
Mặc dù con người và loài chim có quan hệ họ hàng rất xa - tổ tiên chung cuối cùng của cả hai đã tồn tại cách đây hơn 300 triệu năm - nhưng cả hai có hệ thống mạch thần kinh não để học phát âm rất giống nhau. Các loài linh trưởng không phải con người, họ hàng gần nhất của chúng ta, thiếu mạch não chuyên biệt để nhại lại âm thanh, khiến các nhà khoa học kết luận rằng khả năng này không đến từ một tổ tiên chung. Khả năng này hẳn đã tiến hóa độc lập ở loài chim - một ví dụ về cái được gọi là sự hội tụ tiến hóa.
“Có giả định rằng những loài có quan hệ họ hàng gần với chúng ta hơn sẽ giống chúng ta nhất. Và điều đó đúng với nhiều đặc điểm nhưng không phải là tất cả”, Jarvis của Rockefeller nói.
Jarvis nghiên cứu sự tiến hóa của ngôn ngữ bằng cách xem xét bộ não của những con chim biết hót. Những động vật tạo ra âm thanh bẩm sinh kiểm soát hệ cơ tạo ra những âm thanh đó thông qua một mạch trong vùng thân não, một khu vực gần tủy sống điều chỉnh các chức năng tự động như thở và nhịp tim. Jarvis nói: “Điều đã xảy ra là con người và loài chim biết hót đã phát triển mạch ở phần não trước mới này để để tạo ra những âm thanh học được, điều này giúp kiểm soát mạch thân não đối với những âm thanh bẩm sinh”.
Lý thuyết của ông giải thích cách các mạch thần kinh tương tự về khả năng học phát âm phát triển nhiều lần ở các loài có quan hệ xa xôi, chúng được xây dựng từ một mạch liền kề điều khiển việc học một số chuyển động. “Mạch thần kinh não ngôn ngữ nói ở người và mạch thần kinh học tiếng hót ở loài chim được phát triển bởi sự sao chép hoàn toàn đường dẫn truyền thần kinh vận động ở xung quanh”, Jarvis lập luận.
Theo Jarvis, bằng cách nào mà toàn bộ mạch thần kinh não được sao chép vẫn chưa rõ nhưng có thể nó tương tự như cách các gene đôi khi được sao chép và sau đó được sử dụng cho mục đích khác. Tuy nhiên chúng đã tiến hóa, các loài chim biết hót và con người có các mạch não tương tự hiếm gặp, cho phép học và bắt chước âm thanh. Điều này cho thấy rằng các nhà khoa học hành vi đã cố gắng tìm hiểu về ngôn ngữ của con người bằng cách nghiên cứu các loài chim có quan hệ họ hàng xa nhau như chim sẻ vằn giao tiếp.
Jarvis nói: “Tôi nghĩ con người chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao sự khác biệt của mình”. Ông ấy đã quan sát chim vằn hót trong phòng thí nghiệm, chim sáo đá hót trên cây và nghĩ rằng nó có vẻ rất khác so với những gì con người làm. Sau đó một năm, ông đã khám phá ra rằng khả năng kết nối của mạch thần kinh, hoặc cơ chế mà chim tạo ra âm thanh rất giống con người.