Giấc ngủ có thể cải thiện thông qua việc thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống.
Mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ xảy ra phổ biến không chỉ ở người cao tuổi mà có cả người trẻ. Mất ngủ từ nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu không được điều trị đúng cách nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân dẫn đến mất ngủ?
Ngủ là hành vi quan trọng, chiếm khoảng 1/3 thời lượng cuộc sống. Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thiếu ngủ thường xuyên, ngủ dưới 5 tiếng mỗi ngày, giảm về chất lượng, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu, thường xuyên tỉnh giấc.
Mất ngủ là sự không thỏa mãn về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ đi kèm với ít nhất một trong các triệu chứng như khó vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, thường xuyên thức giấc hoặc khó quay lại giấc ngủ, thức dậy vào buổi sáng sớm và không có khả năng quay lại giấc ngủ. Mất ngủ khiến con người mệt mỏi, dễ nóng giận, cáu gắt, hay quên, mất tập trung, do dự, không quyết đoán. Tình trạng này kéo dài có thể gây ảo giác.
Nguyên nhân mất ngủ có thể các bệnh lý nội khoa như cơ xương khớp, tim mạch, phổi, tiêu hoá, gan mật, lý thần kinh, tiểu đường, tuổi cao, sử dụng chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà...
Rối loạn giấc ngủ khiến chất lượng cuộc sống con người suy giảm nghiêm trọng. (Ảnh: India Times).
Theo nghiên cứu của Đại học Columbia (New York, Mỹ), mất ngủ kéo dài có thể tăng gấp đôi nguy cơ phát triển chứng cao huyết áp trong khoảng 10- 20 năm. Ngoài ra, theo các nhà khoa học, những người thường xuyên làm việc đêm, thiếu ngủ có nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhất là ở độ tuổi 30-50.
Một trong các biến chứng nguy hiểm của mất ngủ còn phải kể đến đó là đột quỵ. Một số nghiên cứu chỉ ra ở nhóm tuổi 18-35, nếu mất ngủ, làm việc quá sức về đêm thường xuyên, có nguy cơ đột quỵ cao gấp 8 lần bình thường.
Thực phẩm có thể trị được chứng mất ngủ
Các chuyên gia dinh dưỡng của Mỹ vừa tổng kết ba loại thực phẩm giúp con người có được giấc ngủ ngon trong cuộc sống hiện đại hối hả và căng thẳng.
Thứ nhất là thực phẩm chứa tryptophan. Tryptophan giúp tạo thành hợp chất 5-HT1A trong cơ thể con người, giúp giảm sự hưng phấn của trung khu thần kinh, tạo ra cảm giác mệt mỏi nhất định. Đồng thời 5-HT1A có thể chuyển hóa thành Melatonin. Đây là hợp chất đã được chứng minh có tác dụng an thần và ru ngủ dễ dàng. Gạo là chất có chứa tryptophan phong phú nhất trong các loại ngũ cốc. Ngoài ra, hàm lượng tryptophan trong hạt bí, đậu hũ, tía tô, mè đen cũng rất cao. Tryptophan kết hợp cùng những thực phẩm giàu abumin sẽ có tác dụng tốt hơn, vì thế trước khi ngủ có thể ăn thêm chút hoa quả, ngũ cốc có mật ong.
Thứ hai là thực phẩm có chứa vitamin B, có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau, giúp giải tỏa sự bất an, đưa con người dễ dàng đi vào giấc ngủ. Nhóm vitamin này có nhiều trong yến mạch, đại mạch, lúa mạch.
Cuối cùng là nhóm thực phẩm chứa canxi và magiê giúp làm dịu bớt thần kinh. Các nghiên cứu cho thấy canxi và magiê đều có thể trở thành chất “xoa dịu” và “trấn tĩnh” một cách tự nhiên. Sữa có hàm lượng canxi cao, được coi là “thuốc ngủ tiên”. Ngoài ra, nhiều loại hoa quả có hàm lượng magiê cao. Ví dụ như trong các thí nghiệm lâm sàng, trái đào thường được dùng để điều trị suy nhược thần kinh, mất ngủ, mộng mị.
Theo các nhà nghiên cứu, những loại thực phẩm nói trên nếu được dùng cùng nhau sẽ càng có tác dụng tốt. Tuy nhiên, bánh mì làm bằng lúa mạch có thể hút hết canxi trong sữa, vì vậy tránh dùng chung. Việc phối hợp tốt và khoa học những loại thực phẩm này giúp chúng ta có một giấc ngủ ngon.