Trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại protein ký sinh trùng kết hợp với độc tố để tìm ra các tế bào ung thư trước khi chúng phân chia và phát bệnh.
Các nhà khoa học đã tìm ra được cách chữa ung thư
Các nhà khoa học vừa phát hiện ra loại protein từ ký sinh trùng sốt rét có thể tiêu diệt 9/10 bệnh ung thư nguy hiểm nhất hiện nay. Một nhóm các nhà nghiên cứu Đan Mạch và Canada tình cờ phát hiện ra bước đột phá này khi đang tìm kiếm phương thuốc chống lại bệnh sốt rét ở phụ nữ mang thai. Kết quả của hai nhóm nghiên cứu sau khi thử nghiệm hàng ngàn mẫu từ khối u não cho tới bệnh bạch cầu đã chỉ ra rằng protein ký sinh trùng sốt rét có đủ khả năng tấn công hơn 90% tất cả các loại khối u.
Chuyên gia nghiên cứu về bệnh sốt rét, giáo sư Ali Salanti từ khoa Miễn dịch và Vi sinh vật của đại học Copenhagen, cho biết các phân tử carbohydrate từ ký sinh trùng sốt rét có trong nhau thai phụ nữ giống hệt với carbohydrate tìm thấy trong các tế bào ung thư. Mads Daugaard, người đứng đầu phòng thí nghiệm bệnh lý phân tử thuộc Trung tâm Ung thư Vancouver (Canada), cho biết: "Chúng tôi đã tạo ra các protein mà ký sinh trùng sốt rét dùng để bám vào nhau thai, thêm vào đấy 1 loại độc tố. Khi tổ hợp này bị hấp thụ bởi các tế bào ung thư thì độc tố được thải ra, kết quả là tế bào ung thư bị tiêu diệt. Mọi thử nghiệm đều được tiến hành trên chuột đã được nhiễm nhiều loại ung thư khác nhau".
Protein từ ký sinh trùng sốt rét có thể tiêu diệt 9/10 bệnh ung thư nguy hiểm nhất hiện nay.
Với bệnh ung thư hạch không Hodgkin, khối u trong cơ thể chuột được điều trị với vaccine có kích thước bằng khoảng một phần tư kích thước của khối u ở nhóm chuột không tiêm thuốc. Với bệnh ung thư tuyến tiền liệt, các khối u đã biến mất trong hai trong số sáu con chuột được điều trị một tháng sau khi nhận được những liều đầu tiên. Với ung thư xương di căn, năm trong số sáu con chuột được điều trị vẫn còn sống sau gần tám tuần, so với con số không cá thể nào sống sót trong số những con chuột không được điều trị.
Trước đó, giáo sư Ali Salanti nhận định: "Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã tìm kiếm điểm tương đồng giữa sự phát triển của nhau thai và một khối u. Nhau thai là một cơ quan, trong vòng vài tháng có thể phát triển chỉ từ vài tế bào lên thành cơ quan nặng tới 0,9kg, cung cấp cho phôi thai khí oxy và nuôi dưỡng nó như trong điều kiện bên ngoài. Bên cạnh đó, khối u cũng thực hiện quá trình tương tự và chúng tăng trưởng mạnh mẽ với điều kiện như trên".
Trong quá trình nghiên cứu, một công ty chuyên về công nghệ sinh học đã được thành lập nhờ sự hợp tác từ 2 phía - công ty dược phẩm VAR2. Hiện tại, công ty này đã bắt tay vào việc nghiên cứu những thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn trước khi có thể thử nghiệm trên người. Mặc dù vậy, trở ngại lớn nhất hiện nay là bên cạnh tế bào nhau thai của phụ nữ đang mang thai thì còn những tế bào nào khác có thể tham gia vào nghiên cứu này. Giáo sư Ali Salanti cho biết thời gian thử nghiệm sẽ kéo dài ít nhất là 4 năm trước khi mọi thứ thực sự trơn tru.