Căn bệnh lạ khiến hàng trăm người tại Ấn Độ bất ngờ lên cơn co giật

Kasapu Jagadheeshwar Rao (ở thị trấn Eluru, bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ) thường thức dậy vào sáng sớm để dọn dẹp ngôi đền gần nhà. Sáng 5/12/2020, như thường lệ, Rao dậy tắm cho các tượng thần theo nghi thức tại đây. Bất ngờ, mắt Rao tối sầm lại. Anh gục xuống sàn.

Ba giờ sau, Rao tỉnh dậy và thấy mình trong bệnh viện. Anh là một trong hơn 650 người ở miền nam Ấn Độ nhập viện vì căn bệnh bí ẩn mà y văn thế giới chưa từng ghi nhận.

Theo Washington Post, căn bệnh huyền bí khiến người mắc phải đột ngột bất tỉnh, co giật hoặc nôn mửa. Nhiều người trong số họ mất trí nhớ tạm thời và đau cơ lưng, cổ. Ít nhất 4 người đã tử vong.

"Không ai biết chuyện gì đang xảy ra"

Ông Burugu Ravi đang cấy lúa thì bị ngã và lên cơn co giật. Kl Yarlapati David Raju đổ sụp chỉ cách băng ghế anh vừa ngồi vài bước chân. Prasad Kali cho biết con trai 26 tuổi lên cơn co giật 3 lần, mỗi lần cậu đều cắn lưỡi đến chảy máu. Gurram Nageswara Rao nói vợ anh đột nhiên giật bắn người và sùi bọt mép. Vài ngày sau, cậu con trai 11 tuổi cũng co giật bất ngờ vào lúc ăn tối xong.

“Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi đi bộ, đang ngủ. Chúng tôi không biết khi nào căn bệnh ập đến”, Gurram Nageswara Rao sợ hãi.

Đó là những gì mà tờ Washington Post ghi lại khi nói về tình trạng kỳ lạ ở người dân thị trấn Eluru khi họ bất ngờ lên cơn bạo bệnh. Theo ông Geeta Prasadini, Giám đốc Y tế bang Andhra Pradesh, người mắc chứng bệnh này sẽ khởi phát triệu chứng bằng những cơn co giật mà không có triệu chứng báo trước.


Hàng trăm người tại Ấn Độ, bao gồm cả trẻ em, đột ngột lên cơn động kinh, sùi bọt mép và hôn mê vì mắc bệnh lạ. (Ảnh: ABC27).

Nguyên nhân vẫn là bài toán khó với các chuyên gia y tế. Nhiều người lo ngại nó có thể do loại virus mới. Tuy nhiên, kịch bản này được cho là khó xảy ra. Nhiều điều xung quanh căn bệnh vẫn không thể lý giải. Các chuyên gia thống nhất đây không phải là bệnh truyền nhiễm và nguyên nhân có thể là độc tố.

Nhưng nó là gì? "Không ai biết chuyện gì đang xảy ra", Geeta Prasadini, Giám đốc Y tế bang Andhra Pradesh, thừa nhận.

Tờ AP thống kê Ấn Độ đã ghi nhận hơn 650 người mắc bệnh này. Nhiều người đã hồi phục và được xuất viện. Theo Hindustan Times, một người đàn ông 45 tuổi đã tử vong vào ngày 6/12/2020, chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi giới chức y tế biết đến căn bệnh bí ẩn này. Sau đó, số người tử vong đã tăng lên 4, tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy ca tử vong này là do bệnh động kinh gây ra.

Ngay khi tin tức về căn bệnh bí ẩn nổ ra, cảm giác bao trùm người dân thị trấn Eluru và bang Andhra Pradesh là sự sợ hãi. Với hơn 200.000 nhân khẩu, thị trấn Eluru được bao quanh bởi những nông trường, những đường phố tấp nập xe kéo rơ moóc, môtô, ôtô các loại và người bán hàng rong.


Những người thân giúp nạn nhân mắc căn bệnh bí ẩn ra khỏi xe cấp cứu tại một bệnh viện ở thị trấn Eluru, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ vào ngày 8/12/2020. (Ảnh: AP).

India Today đưa tin triệu chứng của người mắc bệnh này là cơn động kinh trong 3-5 phút, mất trí nhớ tạm thời vài phút, kèm theo lo lắng, nôn mửa, đau đầu, đau lưng, sùi bọt mép.

Trả lời tờ Indian Express, một nhân viên y tế của Bệnh viện Chính phủ, cơ sở Eluru, cho hay: “Những người bị ốm, nhất là trẻ em, đột nhiên nôn mửa và miêu tả cảm giác bỏng rát trong mắt. Số khác ngất xỉu hoặc co giật”.

Theo Time, Sai, nam thanh niên 21 tuổi, ở Eluru, bất ngờ lên cơn co giật và hôn mê sau khi đi chơi với bạn vào ngày 6/12/2020. Vài giờ sau, Sai vẫn cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt. Điều bí ẩn là chỉ 2 ngày sau, Sai được xuất viện, cơ thể không hề có thêm triệu chứng bất thường. Cảm giác như thể căn bệnh chưa từng xuất hiện.

Theo AP, các chuyên gia Ấn Độ bối rối vì không có bất kỳ mối liên hệ chung giữa hàng trăm bệnh nhân. Họ đều có kết quả âm tính với nCoV khi xét nghiệm axit nucleic và các bệnh do virus khác như sốt xuất huyết, Chikungunya, thậm chí Herpes. Không ai trong họ có quan hệ họ hàng hoặc sống cùng một khu vực, độ tuổi trải dài cả người lớn, trẻ em.


Một nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm cho những người mắc căn bệnh bí ẩn tại Ấn Độ. (Ảnh: AFP).

Những giả thuyết

Trong những ngày đầu bùng phát, sự sợ hãi của người dân khiến gần như mọi thứ họ nghĩ đến đều trở thành nguyên do của dịch bệnh bí ẩn. Nhiều chuyên gia đặt giả thuyết về điều kiện vệ sinh kém, ô nhiễm đường ống nước thải, hóa chất trong nguồn nước hay thuốc trừ sâu trên thực phẩm, ô nhiễm kim loại nặng, thậm chí ngộ độc thuốc diệt muỗi.

Chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều bệnh viện, viện khoa học quốc gia, đổ xô đến thị trấn Eluru để tìm câu trả lời. Họ lấy mẫu máu, dịch tủy sống, nước tiểu, nguồn nước sinh hoạt, sữa, cỏ, gạo, cá, cà chua, cà tím, thậm chí cả không khí để xét nghiệm.

Ủy ban nghiên cứu gồm 21 chuyên gia do Viện Khoa học Y sinh Ấn Độ (AIIMS) ở thủ đô Delhi được thành lập và kiểm tra bất kỳ phát hiện gì mà họ cho rằng đáng lo. Trong hàng loạt thử nghiệm, nhóm chuyên gia phát hiện nhiều điều họ không ngờ tới. Đó là trong các trường hợp nghi ngờ nhiễm căn bệnh bí ẩn, hai người bị sốt xuất huyết và Chikungunya, một người dương tính với SARS-CoV-2.

Nhưng những phát hiện khác còn đáng lo hơn. Báo cáo sơ bộ từ AIIMS cho thấy dấu vết của các kim loại nặng như chì, niken trong ít nhất 10 mẫu bệnh phẩm. Nồng độ thủy ngân trong gạo cũng cao bất thường. Thủy ngân cũng được tìm thấy trong nước mặt, nước ngầm, cao hơn ngưỡng cho phép tới 26 lần.

Sự hiện diện của các kim loại nặng làm tăng nguy hại tới sức khỏe về lâu dài như tổn thương não, thận. Tuy nhiên, chúng không có khả năng gây ra hiện tượng co giật. Đặc biệt, các nạn nhân có xu hướng phục hồi nhanh.


Nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải nguyên nhân gây căn bệnh bí ẩn. Nhưng kết luận cuối cùng là gì thì không một chuyên gia nào dám khẳng định. (Ảnh: Getty Images).

“Các chuyên gia y tế nghi ngờ việc sử dụng quá nhiều bột tẩy trắng và clo trong quá trình vệ sinh khi phòng ngừa Covid-19 có thể là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước”, người đứng đầu cơ quan y tế bang Andhra Pradesh, ông Krishna Srinivas, cho biết.

Theo Healthline, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Texas Health Resources, tiến sĩ Nikhil Bhayani, cho rằng còn quá sớm để kết luận điều này. Dựa trên các báo cáo, kết quả xét nghiệm máu, khó để nói rằng đây là bệnh truyền nhiễm.

Các chuyên gia chuyển giả thuyết sang thuốc trừ sâu. Các cuộc kiểm tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Ấn Độ ở Hyderabad cho thấy chất diệt cỏ có trong cà chua và cà tím. Họ cũng tìm thấy triazophos - loại thuốc trừ sâu organophosphate - trong các mẫu nước sinh hoạt của nhiều gia đình.

Tiến sĩ Robert Glatter, bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Lenox Hill, New York, Mỹ, cùng quan điểm: “Hiện tại, giới chức y tế Ấn Độ và thế giới chưa rõ nguyên nhân cuối cùng của căn bệnh bí ẩn là gì. Tuy nhiên, khả năng khác mà tôi nghĩ tới là ngộ độc organophosphate”.

Ông Robert cho biết nạn nhân ăn phải thực phẩm chứa hợp chất organophosphate có thể dẫn tới run cơ, lú lẫn, co giật, tiêu chảy, sùi bọt mép, chảy nước mắt.

Ông Bhaskar Katamneni, quan chức y tế bang Andhra Pradesh, cho biết: “Căn bệnh này có thể là do ngộ độc thuốc trừ sâu. Những nông trường quanh thị trấn Eluru đã sử dụng một lượng lớn thuốc trừ sâu, và có lẽ, chúng đã ngấm vào nguồn nước”.

Dù vậy, giả thuyết này cũng vấp phải nhiều phản biện. Hóa chất trên không có trong nước máy hoặc hồ chứa. Một số bác sĩ cho rằng triệu chứng của bệnh nhân không phù hợp với lời giải ngộ độc thuốc trừ sâu này. Theo AP, báo cáo y tế cho thấy ngay cả những người không sử dụng nước của thị trấn cũng bị bệnh.

Căn bệnh bí ẩn trên đã biến mất như chính cách nó xuất hiện. Từ tháng 3, không còn thêm tin tức về nó. Những người mắc bệnh cũng đã xuất viện và không gặp thêm bất kỳ triệu chứng hay hậu quả nào lâu dài.

“Cơn co giật đột ngột chưa rõ lý do” - tên mà Ủy ban của Viện Khoa học Y sinh Ấn Độ (AIIMS) đặt cho căn bệnh này - vẫn là huyền thoại chưa có lời giải.

Cập nhật: 03/05/2021 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video