Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) mới đây đã đệ một đơn kiện thay mặt cho anh Robert Williams. Anh này được cho là đã bị cảnh sát Detroit bắt giữ nhầm do lỗi của công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Lỗi của công nghệ nhận diện khuôn mặt đã khiến cảnh sát bắt nhầm người.
Sở cảnh sát Detroit đã bắt giữ anh Williams vào năm 2019 sau khi kiểm tra video an ninh của một cửa hàng để điều tra vụ trộm. Một người cảnh sát đã sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt dựa trên một bức ảnh được trích xuất từ video, hệ thống chỉ ra rằng anh Williams chính là thủ phạm. Cảnh sát sau đó chọn một loạt những bức hình của những người tình nghi để phỏng vấn một người bảo vệ của cửa hàng (mà không trực tiếp có mặt trong lúc vụ án xảy ra), và lập lệnh khám ngay sau khi người này chọn ảnh của anh Williams.
Anh Williams bị bắt khi đang trên đường từ nơi làm về nhà và phải ở trong trại tạm giam 30 tiếng. ACLU ngay sau đó đã gửi đơn khiếu nại giúp anh này được thả, và cảnh sát nói rằng sẽ không ghi vụ án này vào hồ sơ của anh.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt không phải lúc nào cũng cho ra kết quả chính xác.
ACLU cho rằng cảnh sát đã bắt giữ anh Williams khi mà họ biết rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt không phải lúc nào cũng cho ra kết quả chính xác, đặc biệt là với những người da màu trong các bức ảnh chất lượng kém. Sở cảnh sát phải thừa nhận vụ bắt giữ này dựa trên những chứng cứ chưa xác thực. Từ đó đến nay cũng đã có 2 vụ án bắt nhầm người liên quan đến công nghệ nhận diện khuôn mặt, một là anh Michael Oliver cũng tại Detroit và một vụ án khác bên ngoài thành phố này.
Hiện nay đã có hàng ngàn vụ bắt giữ dựa trên kết quả của nhận diện khuôn mặt, nhưng những trường hợp bị nhầm lẫn kể trên khiến nhiều người tỏ ra phản đối. Những công ty công nghệ lớn như Microsoft, IBM hay Amazon đã đưa ra tuyên bố rằng sẽ không chia sẻ công nghệ của mình với cảnh sát.