Mới lên 4 tuổi nhưng bé Phan Đình Quốc Bảo ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An đã biết đọc, viết và làm toán từ lúc gần 3 tuổi. Chuyên gia Vũ Thế Khanh, người từng "thẩm định" nhiều thần đồng, nhận định cậu bé này quả là đặc biệt.
Đến xã miền núi Châu Thành (huyện Quỳ Hợp), khi hỏi về cậu bé biết đọc từ lúc gần 3 tuổi, bác Nguyễn Văn Sỹ, bí thư chi bộ xóm Hoa Thành hồ hởi nói ngay “thằng bé ấy nhà ở cuối xóm, là thần đồng xưa nay hiếm ở vùng rừng núi này” rồi dẫn phóng viên đến nhà bé Phan Đình Quốc Bảo.
Đang lúi húi chơi cùng mấy đứa trẻ hàng xóm, khi được bà nội gọi về để “đọc sách”, cậu bé với vẻ ngoài khá già dặn và khôi ngô này chạy một mạch về nhà, cầm lấy cuốn sách và mấy tờ báo mà khách đưa rồi đọc một cách ngấu nghiến.
Bé Bảo đọc sách trước sự chứng kiến của nhiều người. Ảnh: Trường Long.
Mặc dù năm nay mới 4 tuổi (Bảo sinh ngày 09/08/ 2005), nói chưa thật sõi nhưng tất cả các loại báo, giấy tờ mà phóng viên đưa ra, em đều đọc nhanh gọn, hầu như không sai chính tả, nhiều chữ viết tắt cũng được em dịch đúng nghĩa một cách nhanh chóng, như UBND, HĐND trong các bản báo cáo hành chính.
Ngoài khả năng đọc, Bảo còn có thể viết, làm toán. Khi được yêu cầu, Bảo không ngần ngại đọc thuộc lòng bảng cửu chương. Những phép toán cộng trừ trong phạm vi 2 chữ số đều được em tính nhẩm khá nhanh. Đối với những số lớn, hàng nghìn, bé Bảo đặt dọc các con số lại rồi cộng, trừ có nhớ một cách thành thục. Chữ viết của bé tuy còn xấu, nhưng rất đúng chính tả.
Bác Phan Đình Quang, ông nội cháu Bảo cho biết, cách đây hơn một năm, gia đình có đưa bé đi học mẫu giáo tại Trường Mầm non bán công xã Châu Quang, nhưng chỉ sau một tuần, cháu đòi ở nhà, không muốn đi học vì "đã biết hết chữ cái rồi".
Lần đầu tiên những người trong gia đình phát hiện ra khả năng đọc của Bảo là khi bế cháu đi chơi, gặp chiếc xe ô tô, Bảo đọc luôn biển số xe cho bà nội, không sai một chữ. Thấy lạ, về nhà mọi người mới đưa sách cho cháu thì thấy cháu đọc rõ ràng và đọc rất nhanh.
Bố mẹ Bảo là giáo viên, đang công tác ở miền Nam, vì kinh tế khó khăn nên gửi con về cho ông bà nội nuôi từ lúc nhỏ. Gia đình ông bà làm nghề nông ở vùng miền núi nghèo của huyện Quỳ Hợp, không có điều kiện, sách báo để chỉ bảo cho cháu nhiều.
Cũng theo người nhà, từ khi sinh ra đến nay, Bảo phát triển bình thường. Cậu rất thích tiếp xúc với mọi người, rất mê xem tivi và luôn tỏ ra là một cậu bé hiếu động. “Bố mẹ nó thì ở xa, ông bà nội cũng lo quần quật làm ăn, không ai dạy cháu đọc chữ hay làm toán nên việc cháu biết đọc, viết khiến mọi người rất bất ngờ” - ông nội Phan Đình Quang khẳng định.
Quốc Bảo và bà nội. Ảnh: Trường Long.
Chứng kiến khả năng kì lạ của cháu Bảo, anh Nguyễn Bá Sơn, cán bộ văn hóa huyện Quỳ Hợp cho biết, đây là trường hợp đặc biệt, lần đầu tiên có ở huyện miền núi này. "Chúng tôi đang động viên gia đình tạo mọi điều kiện tốt nhất để cháu bé phát triển hết khả năng của mình", anh nói.
Theo ông Vũ Thế Khanh, trẻ được coi là thần đồng khi: |
"Với những đứa trẻ bình thường, đi học lớp một vẫn phải rất nỗ lực để có thể tiếp thu các phép tính đơn giản và để đọc thông, viết thạo thì phải được chỉ bảo một cách tỉ mỉ. Trong khi đó cháu bé này đã có những khả năng đó khi mới 3 tuổi, dù được người lớn dạy hay không thì cháu cũng có một khả năng đặc biệt", ông Khanh nói.
Cũng theo ông, hiện nay, hiện tượng thần đồng không bao giờ lớn khá phổ biến. Hướng phát triển tốt nhất là người lớn hãy cứ để bé học tập một cách bình thường như bao bé khác, không nên gây sức ép; không làm các phép thử quá nhiều, không được bỏ qua bất cứ giai đoạn nào để cháu bé không phát triển lệch hướng.
"Đã có rất nhiều cháu bé có những khả năng đặc biệt, nhưng vì chịu sức ép từ gia đình, xã hội từ quá sớm nên khi càng lớn lên thì những khả năng ấy cũng bị thui chột theo thời gian, nhiều em thậm chí không nhanh nhẹn bằng những đứa trẻ bình thường được phát triển một cách bài bản", chuyên gia nhấn mạnh. .
Trước đây, bé trai Phan Chí Bảo 3 tuổi ở TP. Vinh Nghệ An cũng bộc lộ khả năng đọc, viết, làm toán từ rất sớm, nhưng trường hợp bé Phan Đình Quốc Bảo đã khiến nhiều người kinh ngạc bởi cậu bé này sinh ra ở một xã miền núi, kinh tế gia đình khó khăn và phải sống xa bố mẹ từ rất nhỏ.