Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) vừa hoàn thành một ca phẫu thuật hiếm có: cấy ghép dây thần kinh từ mẹ sang cậu con trai với hy vọng phục hồi cánh tay trái của người con vốn bị chấn thương nặng sau một tai nạn nghiêm trọng.
Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng theo đúng kế hoạch. "Dấu hiệu thành công đầu tiên có thể xuất hiện trong 3 tháng nữa và sau khoảng 1 năm thì sẽ biết liệu cậu bé có sử dụng lại được cánh tay không", đại diện của Bệnh viện Johns Hopkins, Eric Vohr cho biết.
Chuyên gia phẫu thuật thần kinh Michael Dorsi (trái) và Allan Belzberg đang cấy ghép dây thần kinh cho Anderson. |
Từ trước tới nay, việc hiến dây thần kinh từ người sống rất hiếm. Trong một vài trường hợp, mô ghép có thể được lấy từ phần khác của cơ thể, song trong ca của Anderson, việc mất cả đoạn chân có nghĩa là không còn đủ dây thần để sử dụng, tiến sĩ Allan Belzberg, người trực tiếp phẫu thuật cho biết
Mẹ của Anderson, bà Frankie Anderson hiện nay đã 40 tuổi, đã được phẫu thuật lấy đi các đoạn dây thần kinh từ mỗi cánh tay và chân hôm thứ 3, và hiện giờ bà đang nằm hồi sức với các điểm gây tê lạnh vĩnh viễn ở hai khuỷu tay và gan bàn chân.
Hai năm trước, cậu bé Anderson từng có một khối u não và đã được lấy đi. Theo Belzberg thì đây có thể sẽ là một khó khăn, vì việc sử dụng thuốc chống đào thải phục vụ cho đợt cấy ghép này sẽ ảnh hưởng tới khả năng chống khối u tái phát của cơ thể.
Tuy nhiên, Belzberg dự đoán rằng Anderson sẽ không phải uống thuốc chống đào thải vĩnh viễn vì các dây thần kinh hiến sẽ chỉ có giá trị cho tới khi các tế bào dây thần kinh của chính cậu bé phát triển và bao bọc lấy tế bào dây thần kinh hiến. Khi ngừng dùng thuốc chống đào thải, cơ thể bệnh nhân sẽ tự đào thải những tế bào dây thần kinh hiến ra ngoài.
Mỹ Linh (theo AP)