Trong tương lai, những phụ nữ không có tử cung, tử cung bất thường hoặc vì lý do nào đó đã phải cắt bỏ tử cung có thể sẽ vẫn có cơ hội mang thai. Các nhà khoa học tại Bệnh viện trung tâm New York (Mỹ) đang nghiên cứu để có thể tiến hành cuộc cấy ghép tử cung đầu tiên ở Mỹ.
Cũng giống như hầu hết những nội tạng hiến tặng khác, tử cung có thể lấy từ một người chết. Trong vòng 6 tháng qua, khoảng 150 gia đình hiến tặng nội tạng người thân ở New York đã được yêu cầu hiến luôn tử cung của người đó. 9 gia đình đã đồng ý và 8 tử cung đã được tách khỏi cơ thể người chết trong điều kiện sử dụng được.
Người nhận tử cung cần phải trong tình trạng ổn định và “tích hợp” với thuốc chống đào thải ít nhất là 3 tháng trước khi mang thai.
Họ cũng được yêu cầu phải có sẵn phôi trữ đông. Đến lúc này, phôi sẽ được đưa vào tử cung theo đường âm đạo. Các bác sĩ cho biết việc thụ tinh trứng tự nhiên bằng quan hệ tình dục ngay sau khi cấy ghép sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Đứa trẻ sẽ chào đời bằng phương pháp sinh mổ để hạn chế rủi ro. Sau khi đứa trẻ chào đời, tử cung sẽ được lấy ra ngoài, từ đó giúp người nhận sẽ không còn phải uống thuốc chống đào thải nữa.
Ngoại trừ các rủi ro có thể ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình cấy ghép, mối lo ngại lớn nhất trong các cuộc cấy ghép kiểu này là người nhận phải uống thuốc chống đào thải bộ phận mới suốt đời.
Trước đây, vào năm 2000, các nhà khoa học tại Ả Rập Xê Út từng một lần tiến hành ghép tử cung lấy từ người sống cho một phụ nữ. Tuy nhiên, họ buộc phải phẫu thuật lấy nó ra ngoài sau 3 tháng cấy ghép do một cục máu đông trong mạch nối cơ thể người nhận với tử cung. Đó là lần cấy ghép tử cung duy nhất trên thế giới từ trước đến nay.
Lần này, các bác sĩ tại New York cho rằng họ sẽ cấy ghép nhiều mạch máu hơn và sử dụng các loại thuốc chống đông máu hiệu quả hơn để hạn chế rủi ro trên.
Nhưng dù sao đi nữa, tất cả chỉ mới là kế hoạch và giới chuyên môn cho rằng sẽ không có chuyện những ca cấy ghép như thế này có thể được thực hiện trong tương lai gần.
K.O