Ngày nay nếu bị thoát vị, các nội tạng nằm sai vị trí thì có thể dễ dàng giải quyết bằng ngoại khoa. Nhưng vào thế kỷ thứ XVII thì bệnh nhân rất đau đớn và dễ tử vong. Nghiên cứu xác ướp Hàn Quốc mới đây cho thấy điều đó.
Ảnh: Kim et al
Sử dụng máy CT scan và khám nghiệm tử thi trên một xác ướp Hàn Quốc tiết lộ rằng đây là một quan chức cao cấp sống cách đây hơn 300 năm. Kết quả giám định cho thấy, gan và dạ dày của người đàn ông này đã thoát ra một lỗ dò ở thành bụng và cơ hoành, các chuyên gia lại không tin rằng ông ta đã chết vì điều kiện này.
Theo báo cáo được tạp chí LiveSciene đăng tải, người đàn ông quyền quý này trong độ tuổi trung niên, bị thoát vị trong lồng ngực. Xác ướp được phát hiện hồi năm 2013, được chôn cất trong khu mộ hoàng gia thuộc triều đại Chosun, vị trí ở Andong, Hàn Quốc. Kiểm tra xác ướp cho thấy vào thời điểm tử vong, ông ta chừng 45 tuổi. Người đàn ông này cao 1,60m và đã kết hôn vì cách búi tóc của ông ta thể hiện điều đó theo phong tục Hàn Quốc.
Các chuyên gia cũng đã xem xét khá kỹ bằng chứng của thoát vị và mô tả trên tạp chí PLoS ONE. Họ nhận thấy ông phải sống với tình trạng Bochdalek, là loại thoát vị cơ hoành bẩm sinh (CDH). Lúc đó, y học chưa phát triển đủ để chẩn bệnh và điều trị. Người đàn ông thường xuyên bị các triệu chứng đau ngực, buồn nôn và khó thở.
CDH là một dị tật bẩm sinh do bị tạo lỗ nơi cơ hoành. Điều này có nghĩa là các cơ quan nội tạng trong ổ bụng có thể bị áp lực từ dưới đẩy ngược qua lỗ vào khoang ngực và rất dễ gây tử vong nếu phổi và tim bị chèn ép. Các chuyên gia đã sử dụng CT scan và khám nghiệm tử thi để xác nhận sự nghi ngờ về CDH đối với xác ướp, một phần dạ dày, gan và ruột bị đẩy ngược lên trên.
Daily Mail cho biết người lãnh đạo nhóm nghiên cứu là Yi-Suk Kim từ Đại học Ewha ở Seoul, Hàn Quốc thì lại không nghĩ rằng người đàn ông này bị chết một cách trực tiếp vì điều kiện bệnh của mình.