Để cùng tồn tại với kiến lửa, một loài thằn lằn ở miền đông nam nước Mỹ tăng chiều dài chân để chạy nhanh hơn. Chúng cũng hình thành phản xạ bỏ chạy khi nhìn thấy kiến.
Trong vòng một phút, 12 con kiến lửa có thể giết chết một con thằn lằn bụng xanh (Sceloporus occidentalis) có chiều dài cơ thể trung bình 8 cm. Tracy Langkilde, một nhà sinh học của Đại học Pennsylvania, cho biết, kiến lửa đã “hất cẳng” nhiều loài động vật ra khỏi môi trường sống của chúng.
Nhưng Tracy nhận thấy một số thằn lằn bụng xanh biết cách chạy trốn khi kiến tới gần. Bà cho rằng đó là hành vi tự vệ mang tính tiến hóa.
Kiến lửa được vô tình đưa vào Mỹ từ Nam Mỹ trong những năm 30. Có lẽ những chuyến tàu biển đã giúp chúng tới vùng đất mới. Kiến không có kẻ thù trong tự nhiên. Vì thế mà giới khoa học tin rằng nếu con người không có biện pháp kiểm soát số lượng kiến, chúng sẽ chiếm tới hơn một nửa diện tích đất trên địa cầu.
Một con thằn lằn bụng xanh ở Mỹ. Ảnh: photo.net. |
Chiều dài của chân tỷ lệ thuận với tốc độ chạy của thằn lằn. Tracy tìm hiểu thằn lằn trưởng thành ở nhiều nơi. Bà nhận thấy ở những nơi mà thằn lằn và kiến lửa sống chung, chân của thằn lằn dài hơn và chúng cũng nhát hơn. Tại một vùng nông thôn không có kiến lửa ở bang Arkansas, chỉ có gần một nửa thằn lằn bụng xanh bỏ chạy khi kiến lửa tới gần, còn phần lớn vẫn đứng yên và chờ kiến bỏ đi.
Khi nghiên cứu thằn lằn con, Tracy nhận thấy đa số những con ở khu vực có kiến lửa có chân dài hơn ngay từ khi mới sinh.
Theo Tracy, tăng chiều dài chân và phản xạ bỏ chạy khi nhìn thấy kiến là hai đặc tính di truyền được ưu tiên truyền lại cho thế hệ sau vì nó cho phép thằn lằn tăng cơ hội sống sót khi sống chung với kiến. Nhiều chuyên gia khác cho rằng phát hiện mới này là niềm hy vọng đối với những loài đang đối mặt với nhiều thay đổi trong môi trường sống do tình trạng ấm lên của khí hậu.