Châu bản triều Nguyễn

Châu bản là những văn bản của vương triều đã được nhà vua “ngự phê” bằng mực son đỏ. Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính được hình thành trong quá trình quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802 - 1945), triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, bao gồm văn bản của các cơ quan trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương trình lên nhà vua phê duyệt, văn bản các vua ban hành cùng một số văn kiện ngoại giao và thơ văn ngự chế.

Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới

Toàn bộ khối Châu bản triều Nguyễn có 773 tập, tương đương khoảng 85.000 văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại). Các loại hình văn bản của Châu bản triều Nguyễn rất phong phú, bao gồm: chiếu, dụ, chỉ, sớ, tấu, khải, phúc, phiến trình, phiếu nghĩ... được quy định chặt chẽ về chức năng và thẩm quyền ban hành. Châu bản triều Nguyễn chủ yếu được viết tay trên giấy dó, phản ánh các vấn đề của đời sống xã hội, các biến động về lịch sử, các chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20.

Các giá trị nổi bật của Châu bản triều Nguyễn

Tính xác thực

Những sự kiện được ghi chép trong Châu bản mang tính xác thực cao bởi đó là những thông tin phục vụ cho công tác quản lý xã hội và được tiếp nhận, xử lý bởi chính các vua triều Nguyễn. Hình thức văn bản cũng được triều Nguyễn quy định chặt chẽ, các dấu tích để lại trên văn bản như chữ viết của nhà vua, con dấu… rất khó ngụy tạo. Châu bản cũng là nguồn sử liệu quan trọng để biên soạn các bộ sử và các sách điển lệ chính thống như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên, tục biên), Quốc triều chính biên toát yếu, Tự Đức chiếu dụ, Hà đê bộ văn tập, Hà đê tấu tư tập…

Ý nghĩa quốc tế

Châu bản lưu bút tích phê duyệt trực tiếp bằng mực son của các vua triều Nguyễn và sử dụng 4 loại chữ viết là chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ (chữ Việt). Châu bản được soạn thảo và viết tay bằng bút lông bởi các thư lại có khả năng văn chương và chữ viết đẹp. Hệ thống chữ viết trên Châu bản phản ánh các biến chuyển trong việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, những biến động trong hệ tư tưởng xã hội và sự tác động của làn sóng văn hóa từ các quốc gia xâm chiếm tới các quốc gia thuộc địa.

Châu bản triều Nguyễn còn phản ánh hoạt động giao thương của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới như Indonesia, Singapore, Philippin, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Anh, Tây Ban Nha...

Tính quý hiếm

Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu duy nhất tại Việt Nam và hiếm có trên thế giới có bút tích của nhà vua phê duyệt chi tiết về mọi vấn đề của đất nước trên văn bản. Đây là các tài liệu gốc rất có giá trị, giúp nghiên cứu phục dựng toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người của một quốc gia trong một giai đoạn lịch sử. Trải qua thời gian, những hình dấu in trên văn bản, bút tích phê duyệt của các vua, hình thức văn bản, ngôn ngữ, chữ viết, chất liệu giấy, mực… đều trở thành những tư liệu quý giá, cung cấp thông tin hữu ích về các lĩnh vực như: hành chính học, văn bản học, gia phả học, ấn chương học…

Tính toàn vẹn

Với 773 tập tương đương khoảng 85.000 văn bản, Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính lưu giữ đầy đủ và hoàn chỉnh về một triều đại phong kiến ở Việt Nam.

Một trong những giá trị nổi bật của Châu bản triều Nguyễn thể hiện ở chỗ đây là những tư liệu đặc biệt quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong 85.000 Châu bản được lưu giữ có khoảng 19 Châu bản ghi lại cụ thể về việc triều Nguyễn hàng năm đã cử thủy quân Hoàng Sa ra 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khảo sát, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật… cũng như phê chuẩn thưởng/phạt trong việc bảo vệ 2 quần đảo này. Đặc biệt, các châu bản này đã thể hiện Việt Nam là một quốc gia biển rất có trách nhiệm trong công tác cứu hộ, cứu nạn thuyền bè của các nước gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Với những giá trị độc đáo, nổi bật, ngày 14/5/2014, tại phiên họp thứ 2 Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc), Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện, kho tài liệu đồ sộ này đang được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I (số 18 Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo vietnamtourism.com
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video