Chim ở Bắc Mỹ nhỏ dần đi vì biến đổi khí hậu

Một nghiên cứu gần 40 năm trên hàng chục ngàn con chim chết vì bay trúng các tòa nhà cao tầng ở Chicago (Mỹ) nhận thấy kích thước của chúng nhỏ dần theo thời gian vì biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu, công bố ngày 4/12, liên quan đến 70.716 con chim chết trong giai đoạn từ năm 1978 đến năm 2016 trong suốt 2 mùa di trú xuân và đông mỗi năm tại thành phố lớn thứ ba của nước Mỹ.


Nghiên cứu ghi lại kích thước cơ thể của những con chim chết do bay trúng vào các tòa nhà cao tầng tại Chicago trong gần 40 năm qua - (Ảnh: REUTERS).

Kết quả cho thấy kích thước cơ thể trung bình của những con chim này nhỏ dần theo thời gian mặc dù sải cánh của chúng tăng dần lên.

Hãng tin Reuters cho biết các nhà nghiên cứu kết luận rằng khí hậu ấm lên đã khiến kích thước của một số loài chim nhất định ở Bắc Mỹ, và có lẽ trên khắp thế giới, nhỏ dần đi.

Nhóm nghiên cứu dựa vào hiện tượng được gọi là Quy luật Bergmann, theo đó các cá nhân trong một loài có khuynh hướng nhỏ đi ở các vùng ấm hơn và to hơn ở vùng lạnh hơn với nguyên do được cho là các loài trở nên nhỏ đi theo thời gian vì nhiệt độ tăng.

Nghiên cứu tập trung vào 52 loài, hầu hết là những loài chim biết hót như chim sẻ, chim chích và chim hét (hoét), vốn sinh ra ở vùng có khí hậu lạnh ở Bắc Mỹ và thường sống tại các khu vực ở nam Chicago trong mùa đông.


Nghiên cứu tập trung vào 52 loài chim sinh ra ở vùng có khí hậu lạnh ở Bắc Mỹ - (Ảnh: REUTERS).

Gần 40 năm qua, kích thước cơ thể của cả 52 loài chim trong nghiên cứu đều giảm đi. Trọng lượng cơ thể trung bình của chúng giảm khoảng 2,6%. Chiều dài xương chân cũng nhỏ đi khoảng 2,4%. Sải cánh tăng 1,3% với khả năng để các loài này có thể tiếp tục thực hiện các cuộc di trú đường dài với cơ thể nhỏ hơn.

"Nói cách khác, biến đổi khí hậu dường như đã làm thay đổi kích thước và hình dạng của những loài chim này" - trưởng nhóm nghiên cứu và là nhà sinh học của ĐH Michigan, ông Brian Weeks nói.

"Mọi người đều đồng ý rằng khí hậu đang ấm lên nhưng những thí dụ về việc điều này đang ảnh hưởng đến thế giới tự nhiên như thế nào thì bây giờ mới dần được đưa ra ánh sáng" - ông Dave Willard của nhóm nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu cung cấp bằng chứng mới về xu hướng đáng lo ngại của các loài chim Bắc Mỹ. Một nghiên cứu khác công bố hồi tháng 9 cho thấy số lượng con chim tại Mỹ và Canada đã giảm 29% kể từ năm 1970, tức khoảng 2,9 tỉ con.

"Tôi nghĩ thông điệp ở đây là khi con người thay đổi thế giới với tốc độ và quy mô chưa từng có thì sẽ có những phản ứng nhất quán và rộng khắp liên quan đến đời sống sinh vật để thích nghi với sự thay đổi môi trường" - ông Weeks nhận định.

Cập nhật: 05/12/2019 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video