Bắt đầu từ năm 2007, HS phổ thông ở Nga sẽ thường xuyên được thử phản ứng ma túy với “bác sĩ” thực hiện mẫn cán chính là... bố mẹ. “Căn bệnh tuổi trẻ”, tại Matxcơva AIDS có cái tên “mỹ miều” như vậy. Là bởi, theo số liệu của cơ quan đại diện UNICEF tại Nga, hơn 80% người bị nhiễm HIV ở nước này dưới tuổi 30.
Cơ quan liên bang kiểm soát buôn bán ma túy (FSKN) vẫn giữ quan điểm riêng là phải đưa ra phương pháp thuần Nga: chống không chỉ từ “cung” mà cả từ “cầu”. Ở các trường đại học phải chống lại ở khâu “cung”. Tân SV phải qua cuộc “sát hạch ma túy” không kém phần khắt khe so với kỳ thi đại học.
Thế còn HS phổ thông? FSKN cũng chủ trương thử phản ứng ma túy, nhưng tự nguyện chứ không bắt buộc. Các bậc cha mẹ được phát miễn phí các dụng cụ thử phản ứng. Họ cũng được huấn luyện cách thức nhận biết các triệu chứng về mức độ nghiện ngập của con cái. Phụ huynh không nhất thiết phải thông báo kết quả thử cho bất kỳ ai, tự họ quyết định phải làm gì tiếp theo.
Nghị sĩ Valeri Zubov chất vấn: “Ừ, thử phản ứng ma túy ở đầu vào đại học, rồi làm gì với tân SV nghiện?”. FSKN không nao núng. Chẳng có biện pháp nào trọn vẹn cả, từ thực tế sẽ đúc kết kinh nghiệm điều chỉnh. Tình trạng lây nhiễm HIV trong thanh niên Nga không ngồi chờ kết cục tranh cãi!
TRẦN QUANG VINH (Từ Matxcơva, Nga)