Chưa quyết liệt phòng chống dịch cúm gia cầm

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10: Chưa quyết liệt phòng chống dịch cúm gia cầm

Một nội dung quan trọng mà Chính phủ thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng mười (ngày 29-10) là kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.

Nhiều thành viên Chính phủ cho rằng công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch cúm ở người của Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn và Bộ Y tế trong thời gian qua chưa quyết liệt, cụ thể.

Nhiều chủ trương, biện pháp mới chỉ dừng lại trên công văn, chỉ thị, kế hoạch, còn nhiều việc cụ thể chưa xử lý được. Ví dụ khâu lưu thông, kiểm dịch, giết mổ, chế biến gia cầm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, trong khi ý thức phòng chống dịch của người dân chưa tốt.

Thủ tướng chỉ rõ cần triển khai rộng rãi mạng lưới phát hiện dịch với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí...

Để tránh nguy cơ xảy ra dịch, phải kiểm tra chặt chẽ khâu lưu thông, buôn bán, kiểm dịch, tiêm phòng, giết mổ, chế biến gia cầm, đồng thời phải qui rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân đối với các việc này.

Thủ tướng Phan Văn Khải

“Trước mắt, cần làm sớm một số việc như không cho nuôi gia cầm ở các thành phố, thị xã và các thị trấn đông người; vận động, yêu cầu người dân không ăn thịt gia cầm; kiểm soát chặt chẽ khâu kiểm dịch, buôn bán, giết mổ gia cầm” - Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu.

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo sau phiên họp Chính phủ, người phát ngôn của Thủ tướng, ông Nguyễn Kinh Quốc, cho biết trách nhiệm của hai bộ đã được Thủ tướng phân định rất rõ ràng: Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ kiềm chế, không để lây lan dịch cúm gia cầm; Bộ Y tế chịu trách nhiệm không để lây lan ở người. Cũng theo người phát ngôn của Thủ tướng, kinh phí cho việc phòng chống dịch cúm gia cầm dự kiến lên đến khoảng 2.000 tỉ đồng (hơn 100 triệu USD).

Một vấn đề quan trọng khác có ý nghĩa lâu dài mà các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận là chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm giai đoạn 2006-2010.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - thương binh & xã hội, trong năm năm 2001-2005, chương trình về việc làm đã tạo thêm việc làm cho 7,5 triệu người, tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị hằng năm đều giảm (2001: 6,28%, 2005 còn 5,31%), tỉ lệ sử dụng lao động ở nông thôn tăng dần (2001: 74%, đến 2005 đạt 80%), cơ cấu lao động đã có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực, chất lượng lao động từng bước được nâng lên.

Để hoàn thành mục tiêu của chương trình việc làm giai đoạn 2006-2010 là tạo việc làm cho 8 triệu người, Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng cần kết hợp với chương trình xóa đói giảm nghèo, tập trung vào nông thôn, miền núi, khu vực đồng bào dân tộc, gắn việc thực hiện chương trình với công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm.          

N.LINH - D.THÁI

Theo Tuổi trẻ Online
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video