Các thử nghiệm ban đầu cho thấy phương pháp kiểm tra tim mới dựa vào ảnh chụp cắt lớp có thể nhận diện người nào có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim – theo các chuyên gia thuộc Đại học Edinburgh (Anh).
Bằng cách sử dụng chất đánh dấu phóng xạ kết hợp với ảnh chụp cắt lớp có độ phân giải cao của tim và các mạch máu, các nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy một bức tranh tổng thể và chi tiết về trái tim, với những vùng nguy hiểm được thể hiện rõ qua hình ảnh. Bằng cách này, họ dễ dàng phát hiện những mảng bám nguy hiểm đang hoạt động bên trong các động mạch nuôi dưỡng trái tim. Phát hiện này sở dĩ rất quan trọng là bởi nếu những mảng bám này không may bong tróc khỏi thành mạch máu, chúng có thể hình thành nên cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Ảnh chụp cắt lớp chỉ ra phần động mạch có mảng bám bên trong. (Ảnh: BBC)
Các thử nghiệm đầu tiên được tiến hành trên 40 bệnh nhân từng trải qua cơn đau tim gần đây cho thấy kỹ thuật mới đã phát hiện mảng bám gây đau tim ở 37 bệnh nhân. "Tôi nghĩ không phải tất cả các mảng bám được phát hiện đều dẫn tới nhồi máu cơ tim, nhưng kỹ thuật mới có thể hữu ích trong việc xác định những người có nguy cơ cao mắc bệnh cần điều trị tích cực" – Tiến sĩ Marc Dweck, một chuyên gia tim mạch cho biết. Dù vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng họ cần tiến hành thêm nhiều thử nghiệm nữa để phát hiện những mảng bám nguy hiểm trước khi (chứ không phải sau khi) xảy ra nhồi máu cơ tim.
Theo Tiến sĩ Dweck, đau tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới mà không hề có dấu hiệu cảnh báo nào cho đến khi bệnh bộc phát. Do đó, nếu có thể loại bỏ và ổn định những mảng bám này, bằng cách kết hợp uống thuốc và thay đổi lối sống một cách tích cực, chúng ta có thể ngăn ngừa và hạn chế đáng kể số người thiệt mạng vì bệnh này mỗi năm.