Con đường phát triển điện hạt nhân Việt Nam

Việt Nam đã và đang tiếp cận với con đường phát triển điện hạt nhân (ĐHN), từng bước đi vào giai đoạn chuẩn bị xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên trên đất nước mình.

Những bước đi đó trong chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) vì mục đích hòa bình ở nước ta không thể không tính đến xu hướng chung trên thế giới. Và nhất thiết phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời tiên liệu khả năng vượt qua những khó khăn, thách thức to lớn đang ở phía trước.

Xu hướng thế giới: Trở lại với ĐHN?

Ngành điện hạt nhân trên thế giới đã trải qua lịch sử phát triển hơn nửa thế kỷ, với những thăng trầm khác nhau. Trong giai đoạn đầu tiên (những năm 50-60 của thế kỷ trước), ĐHN chỉ xuất hiện ở những nước công nghệ tiên tiến. Sau đó, trong những năm 60-70, ĐHN phát triển ồ ạt với tốc độ 25%/ năm, kéo theo các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc v.v… 

Nhà máy điện nguyên tử ở Cattenom, Pháp.


Sau sự cố hạt nhân Three Mile Island, đặc biệt sau thảm họa Chernobyl, ngành ĐHN toàn cầu đi vào thoái trào. Một số nước như Thụy Điển, Phần Lan, Ý, Đức v.v… chủ trương từng bước loại bỏ ĐHN.

Nhưng bước vào thế kỷ XXI, và đặc biệt trong một vài năm gần đây, chính sách với ĐHN của một loạt quốc gia trên thế giới có sự biến chuyển rõ rệt. Chính các nước từng đi tiên phong nhất trong trào lưu loại bỏ ĐHN nay đã quay ngoắt lại.

Thuỵ Điển từng dự kiến đóng cửa toàn bộ các tổ máy ĐHN vào năm 2002, nhưng thực tế chỉ mới ngừng hoạt động được 2 tổ máy quá hạn trong số 12 tổ máy, và giờ đây, đầu năm 2009 này, chính phủ lại quyết định cho xây thêm nhà máy ĐHN mới.

Ở Phần Lan, Quốc hội đã chuẩn y và một nhà máy ĐHN mới (nhà máy thứ 5 của nước này) đang được xây dựng. Ở Ý, hai công ty năng lượng ENEL (Ý) và EDF (Pháp) vừa thỏa thuận nghiên cứu khả thi việc xây dựng 4 nhà máy ĐHN mới, đồng thời nguyên thủ hai nước Ý và Pháp ký hợp tác về NLNT.

Nước Đức, dù dự kiến nhà máy ĐHN cuối cùng sẽ ngừng hoạt động trước năm 2022, nhưng nay lại tiếp tục cộng tác với Pháp nghiên cứu loại lò phản ứng tiên tiến có độ an toàn cao hơn.

Trong chiều hướng nói trên, cũng không có gì lạ khi các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Anh, Pháp, Nga…vẫn tiếp tục con đường phát triển ĐHN. Riêng nước Mỹ, hai năm trước, trong “Tầm nhìn 2020” về ĐHN, đã cho xây dựng 7 lò mới để bổ sung thêm 10.000MW điện, đưa vào kế hoạch xây dựng khoảng 20 lò khác nữa. Ngoài ra, còn cho phép các lò phản ứng đang hoạt động được kéo dài thời gian khai thác từ 40 lên 60 năm.

Đặc biệt, các nước châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc), các nước đang phát triển (Argentina, Brazil, Nam Phi…) càng đẩy mạnh việc đầu tư phát triển ĐHN. Một số nước như Indonesia, Thái Lan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Libya... sau giai đoạn chần chừ, đang trở lại xem xét việc xây dựng lò phản ứng năng lượng đầu tiên của mình trong thập kỷ tới.

Trên toàn thế giới, sẽ tăng thêm khoảng 100 lò năng lượng trong thập niên tới, xem xét đưa vào kế hoạch xây dựng khoảng 200 lò khác trong 20-30 năm nữa. Công suất ĐHN toàn cầu dự kiến tăng từ 372.000 MW hiện nay lên đến 1.000.000 MW vào giữa thế kỷ và tỷ trọng ĐHN sẽ đạt đến con số 19%.

Rõ ràng, sau hai mươi năm trầm lắng, kể từ sự cố Chernobyl, bức tranh ĐHN trên thế giới đã thực sự thay đổi theo hướng đổi chiều. Các nhà chiến lược năng lượng gần như thống nhất rằng: ĐHN vẫn đóng vai trò quan trọng, ít nhất, trong ba bốn thập kỷ tới, vì đến nay chưa nhìn thấy nguồn năng lượng mới nào khác khả dĩ thay thế ĐHN.

ĐHN Việt Nam: Nhu cầu và triển vọng

Sự đổi hướng nói trên của ĐHN đang được thúc đẩy bởi những nhân tố chủ yếu sau đây:

Một là, sự tiến bộ của bản thân công nghệ chế tạo lò phản ứng năng lượng, trái tim của nhà máy ĐHN. Các cải tiến về công nghệ đã nâng cao hơn độ an toàn của các nhà máy ĐHN và làm tăng thêm niềm tin của dân chúng vào nhà máy ĐHN.

Trên thế giới, đã bắt đầu sử dụng lò phản ứng thế hệ thứ III và III+ với độ an toàn và ý nghĩa kinh tế cao hơn nhờ đã áp dụng triệt để nguyên lý an toàn thụ động để giảm tối đa sự can thiệp của con người trong trường hợp xảy ra sự cố. 

Mỹ - một nước phát triển mạnh điện hạt nhân. Trong ảnh: Số nhà máy điện hạt nhân dày đặc ở nước Mỹ. Nguồn: http://www.solcomhouse.com.


Hai là, mối đe doạ nghiêm trọng của sự biến đổi khí hậu toàn cầu do hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường sống gây nên bởi khí phát thải CO2. ĐHN như một dạng năng lượng thân thiện, đóng vai trò không thể thiếu trong thực thi Nghị định thư Kyoto vì đó là nguồn điện phát thải CO2 thấp, tương đương các nguồn điện gió và mặt trời (2-6gam/kwh), ít hơn điện nhiên liệu hóa thạch đến 40-50 lần.

Chính các nhân tố trên đây đã góp phần thúc đẩy nhiều quốc gia ưu tiên chọn con đường phát triển ĐHN. Dĩ nhiên, với mỗi nước, sự lựa chọn ấy còn phải căn cứ vào nhu cầu và khả năng cụ thể.

Theo các nhà nghiên cứu quy hoạch năng lượng, từ sau năm 2020, nhu cầu điện năng nước ta sẽ vượt quá khả năng đáp ứng, dù đã huy động mọi tiềm lực từ các nguồn điện năng đang khai thác. Một giải pháp tổng hợp gồm phát triển ĐHN song song với nhập khẩu các dạng năng lượng khác (điện lưới, than) được đề xuất là sự lựa chọn hợp lý nhất.

Ở đây, cũng xin lưu ý rằng, các con số dự báo về mức thiếu hụt điện năng, thời điểm xuất hiện ĐHN... luôn phải điều chỉnh và chính xác hoá, tính đến sự biến động kinh tế toàn cầu và đà giảm tăng trưởng GDP ở trong nước.

Theo các nhà chiến lược năng lượng, ĐHN còn đáp ứng những lợi ích khác của quốc gia trong chiến lược phát triển dài hạn. Trong đó, đặc biệt là bảo đảm sự hài hòa và an ninh năng lượng quốc gia, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước...

Như vậy, chiến lược phát triển ĐHN ở Việt Nam đang theo đuổi là phù hợp với xu thế chung của thời đại, đồng thời xuất phát từ yêu cầu và tình hình của đất nước.

Trên thực tế, vấn đề ĐHN ở nước ta đã được Đảng và Chính phủ quan tâm từ 20-30 năm nay, ghi rõ trong một số nghị quyết của Đảng. Bộ Chính trị đã chỉ thị: “Tiến hành khảo sát, nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng nhà máy ĐHN sau năm 2015...”.

Từ đó, Chính phủ đã cho xây dựng “Đề án tổng quan phát triển ĐHN ở VN”, thành lập “Tổ công tác chỉ đạo nghiên cứu nhà máy ĐHN ở VN”. Quốc hội cũng thông qua “Luật Năng lượng Nguyên tử Hạt nhân”.

Hiện nay, bản “Báo cáo Dự án đầu tư Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận” (theo đó, triển vọng nước ta sẽ có Nhà máy ĐHN đầu tiên với 4 tổ máy 1000 MW, tổ đầu tiên dự định đưa vào vận hành vào năm 2020) đang trong quá trình hoàn chỉnh và sắp đặt trên bàn nghị sự của Chính phủ và Quốc hội.

Điện hạt nhân VN: Khó khăn, thách thức 

Để biến triển vọng nói trên thành hiện thực phải vượt qua những khó khăn, thách thức to lớn.

Đối với ĐHN, điều đáng quan tâm nhất chính là vấn đề an toàn. Do đó, việc bảo đảm an toàn cho nhà máy ĐHN phải được quán triệt, từ khâu chọn công nghệ, thiết kế, xây dựng, lắp đặt, vận hành đến công đoạn tháo dỡ khi hết hạn sử dụng, phải thực hiện đồng bộ về mọi mặt – kỹ thuật, công nghệ và pháp quy hạt nhân.

Một kiểu lò hạt nhân an toàn. Nguồn: www.nei.org.


Ngoài ra, với những nước đang phát triển, như nước ta, văn hóa an toàn cho lớp người làm công việc ĐHN lại cần phải được đặc biệt coi trọng.

Nhiệm vụ khó khăn và cấp bách khác nữa hiện nay là vấn đề nhân lực để xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN. Công nghệ hạt nhân đòi hỏi có đủ cả 3 thành phần: chuyên gia, kỹ thuật viên và thợ lành nghề.

Ở đây chỉ nói về nhân lực liên quan trực tiếp đến ĐHN (kể cả an toàn bức xạ, phóng xạ môi trường, kiểm tra không hủy thể). Từ trước tới nay, do chưa có sự chỉ đạo tập trung và kế hoạch cụ thể trên phạm vi toàn quốc, nên số lượng và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu cho lĩnh vực ĐHN.

Vì vậy, cần sớm có một kế hoạch toàn diện và cụ thể, đào tạo trong nước kết hợp ngoài nước, đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời với đào tạo, cần có chủ trương tập hợp và sử dụng những người đã qua đào tạo và thực tế về chuyên môn gần gũi với ĐHN, còn đủ sức làm việc và đang phân tán ở mọi nơi, trong và ngoài nước.

Trong đó, đặc biệt chú ý thu hút các chuyên gia Việt kiều đã và đang làm việc trong các cơ sở ĐHN ở các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản v.v... Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc đã thành công trong chính sách này.

Ở nước ta, ngay trong những năm vô cùng khó khăn sau khi thống nhất đất nước, đáp lại yêu cầu và sự quan tâm của lãnh đạo ngành NLNT Việt Nam do cố GS Nguyễn Đình Tứ đứng đầu, các nhà khoa học hạt nhân Trần Hà Anh, Vũ Hải Long, Nguyễn Thọ Nhân, Nguyễn Văn Thương ... đã tình nguyện về nước phục vụ.

Riêng TS Trần Hà Anh và TS Nguyễn Thọ Nhân được trao nhiệm vụ thành lập và điều hành Phòng Điện Nguyên tử, tiền thân của Trung Tâm Điện Nguyên tử thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân ngày nay. Bài học kinh nghiệm đó, lúc này, càng cần tiếp tục và nhân rộng.

Phát triển ĐHN là một sự nghiệp lớn, đầy khó khăn và thách thức, có ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của đất nước. Vì vậy, sự nghiệp này khó có thể thành công, nếu không có sự đầu tư, điều phối, chỉ đạo sát sao và cương quyết của Đảng và Chính phủ qua một ban chỉ đạo quốc gia có trách nhiệm và quyền lực lớn, gồm những nhà quản lý có thực quyền, có năng lực, bản lĩnh và tâm huyết với tương lai của ngành ĐHN.

Đó là sự đòi hỏi chính đáng và cấp thiết không chỉ trong giai đoạn triển khai xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên, mà cả quá trình lâu dài thực thi “Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình” trên đất nước VN chúng ta.

Theo Vietnamnet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video