Bia và phô mai là sự kết hợp không gì quá lạ, mà ngược lại còn rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, điểm lạ ở đây là con người đã biết thưởng thức chúng từ 2,700 năm trước. Bằng cách phân tích mẫu phân người được tìm thấy ở trung tâm mỏ Hallstatt trên dãy Alps của Áo, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng những công nhân làm việc trong mỏ muối đã biết đến 2 loại thức ăn đồ uống này.
Frank Maixner, nhà vi sinh vật học tại Viện nghiên cứu Eurac ở Bolzano, Ý cho biết ông rất ngạc nhiên khi biết rằng những công nhân khai thác muối khi đó đã đủ tiên tiến để “áp dụng quá trình lên men có chủ đích” bởi “điều này là rất phức tạp, đây là điều mà tôi không nghĩ sẽ có được vào thời đó”.
Bia và phô mai là sự kết hợp rất phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới.
Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này chính là bằng chứng sớm nhất cho đến nay về việc ủ phô mai ở Châu Âu. Trong khi rượu đã tồn tại và được ghi chép lại rất nhiều trong các tài liệu cổ với nhiều tài liệu khảo cổ học, thì phân của những người khai thác muối lại chứa bằng chứng phân tử đầu tiên về việc tiêu thụ bia ở lục địa này vào thời điểm đó.
Kerstin Kowarik đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vienna cho biết: “Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy không chỉ kỹ năng chế biến ẩm thực thời tiền sử phức tạp mà ngay cả kỹ thuật lên men cũng đóng một vai trò nổi bật trong lịch sử ẩm thực thuở sơ khai của con người”.
Thị trấn Hallstatt là di sản thế giới được UNESCO công nhận, nơi sản xuất muối trong suốt hơn 3,000 năm qua. Theo ông Maixner: "Đây là một nơi đặc biệt, nằm trên dãy Alps, một nơi rất xa và tách biệt với cộng đồng. Những người thợ mỏ đã phải dành cả ngày ở đó, làm việc, ăn uống và cả đi vệ sinh trong mỏ.
Nhờ nhiệt độ ổn định rơi vào khoảng 8 độ C và nồng độ muối cao tại mỏ mà phân của những người thợ mỏ được bảo quản rất tốt. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích 4 mẫu phân với các niên đại khác nhau: một mẫu từ thời kỳ đồ đồng, hau mẫu thời đồ sắt và mẫu cuối từ thế kỷ 18. Một trong số đó, có mẫu khoảng 2,700 năm tuổi, được phát hiện có chứa 2 loại nấm: Penicillium roqueforti và Saccharomyces cerevisiae. Cả hai đều được biết đến ngày nay dùng trong chế biến thực phẩm. “Dường như các công nhân khai thác muối đã cố ý dùng công nghệ lên men thực phẩm với vi sinh vật như thời nay”.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy chế độ ăn uống của các thợ mỏ rất cân bằng, chủ yếu nguồn protein được lấy từ ngũ cốc, trái cây, đậu và thịt. “Rất cân bằng và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng mà họ cần”. Sự khác biệt chính với ngày nay nằm ở mức độ chế biến thực phẩm vào thời đó rất thấp.