Trong bụng Trái đất có "địa ngục" sinh ra từ hành tinh khác

  •   4,25
  • 4.889

Vùng vận tốc cực thấp (ULVZ) là một khu vực kỳ lạ sâu bên trong lòng Trái đất, gần lõi, nơi các sóng địa chấn chậm lại khó hiểu khi đi qua. Các nhà khoa học hành tinh đã cố lý giải nó là cái gì trong nhiều năm.

Vụ va chạm giả thuyết giữa Trái đất và Theia
Vụ va chạm giả thuyết giữa Trái đất và Theia - (Ảnh: New Scientist).

Nhà địa chấn học Surya Pachhai từ Đại học Quốc gia Úc, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết các mô hình mới của họ cho thấy ULVZ có thể được tạo thành bởi một vùng không đồng nhất về mặt hóa học so với các phần khác của vùng gần lõi, có nguồn gốc từ thời kỳ đầu trong lịch sử Trái đất.

Theo Science Alert, đó là vụ va chạm giữa Trái đất với hành tinh giả thuyết Theia, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy nó có thật. Theia, với kích cỡ ngang Sao Hỏa, đã va chạm cực mạnh với Trái đất sơ khai rồi hòa trộn vật liệu vào Trái đất. Một ít vật liệu bắn ra từ vụ nổ bay lên quỹ đạo Trái đất, qua năm tháng tụ thành Mặt trăng.

Trong nghiên cứu mới, các tác giả đã chạy hàng trăm ngàn mô phỏng máy tính, sử dụng quy trình gọi là "đảo ngược Bayes" để tìm lại phần lịch sử đã mất, sau đó đối chiếu với dữ liệu thực tế được chụp từ bên dưới Biển San Hô giữa Úc và New Zealand.

Họ nhận ra ULVZ có thể là phần vật liệu dị biệt từ hành tinh Theia giả thuyết, chưa được trộn đều với nguyên liệu Trái đất. Cú va chạm thậm chí tạo thành một đại dương magma nóng chảy với thành phần hóa học khác biệt, sau đó đại dương địa ngục này cũng chìm sâu vào lòng Trái đất và thành một phần của thế giới ULVZ bí ẩn.

Điều này khá phù hợp với giả thuyết phổ biến trước đó là ULVZ là magma nóng chảy do một số khu vực của lớp phủ bị tan chảy khó hiểu.

Nghiên cứu vừa công bố trên Nature Geoscience.

Cập nhật: 06/01/2022 Theo NLĐ
  • 4,25
  • 4.889