Cưỡng bức thằn lằn tái định cư

Người ta phải làm gì khi những thằn lằn được luật pháp bảo vệ lại sống ở nơi sắp xây một khu phố mới? Thành phố Heidelberg ở Đức chọn biện pháp mềm dẻo: Bắt sống hằng trăm con và tái định cư chúng.

Khu đất nhìn thật ra không dễ sống. Gạch vụn màu nâu, đây đó vài chai lọ bằng nhựa hay lon đồ hộp rỉ sét, màu xanh là "hàng hiếm". Khắp chung quanh không một cây cho bóng mát. Đá sỏi lạo xạo dưới chân. Sa mạc tí hon do con người tạo ra này nguyên là nơi nối toa tàu lửa của nhà ga chính thành phố Heidelberg.

Các chuyên gia của Liên minh bảo vệ thiên nhiên phải cực nhọc bắt sống tròn 800 con thằn lằn. Ảnh: IUS.


Khu đất hoang có những điều kiện sinh sống hạng nhất cho nhiều loài thằn lằn: địa thế có nhiều ánh nắng, vô số nơi ẩn nấp, nhiều nhện và côn trùng đầy chất dinh dưỡng. Nhưng mà không còn bao lâu nữa: thành phố Heidelberg và các nhà đầu tư muốn xây dựng cả một khu phố mới trên mảnh đất này. Những thổ dân có vảy trong vùng phải nhường chỗ cho con người. Thế nhưng thằn lằn - cũng như tất cả các loài bò sát khác tại Đức - được luật pháp bảo vệ. Bây giờ phải đưa đi đâu khi không được phép đưa chúng sang thế giới bên kia?

Nhà cao tầng cho thằn lằn: Khoảng không giữa những tảng đá là nơi trú ẩn lý tưởng cho chúng. Ảnh: IUS.


Ông Hartmut Müller-Falkenhahn của Viện nghiên cứu Môi trường (IUS) có câu trả lời. Nhà kiến trúc sư phong cảnh lôi ra một tấm ảnh vệ tinh. Vùng đất của "khu phố tàu hỏa" được viền màu xanh nước biển, cạnh đó là vài vạch màu vàng. Đó cũng là những tuyến đường sắt đã ngưng hoạt động và giờ đây được "nâng cấp sinh thái" để trở thành quê hương mới cho thằn lằn.

Thật ra thì cũng không đơn giản đâu. Thằn lằn cũng có một số đòi hỏi tối thiểu về không gian sống. Loài máu lạnh này không thích có quá nhiều cây cỏ, chiếm chỗ không cho chúng tắm nắng. Vì thế mà đã phải đốn bỏ một phần cây và bụi rậm, vài nơi phải chặt trụi hết. Thỉnh thoảng cũng phải cần đến máy cưa gỗ để bảo vệ môi trường, ông Müller-Falkenhahn nói. Rồi phải đặt nhiều "nhà cao tầng" cho chúng: Sọt lưới chứa đá hay gỗ cao khoảng 1 m, rãi sỏi, đá vụn hay cát bên cạnh để làm nơi thuận tiện cho chúng sinh sản.

Một con thằn lằn đẹp: Nhờ vào kiểu dáng màu sắc riêng biệt của từng con mà có thể nhận lại được chúng sau nhiều năm. Ảnh: IUS.


Hôm nay là một ngày săn bắt tốt đẹp cho nhà sinh học Michael Braun và đồng nghiệp từ Liên minh bảo vệ thiên nhiên. Họ bắt được 25 con thằn lằn chỉ trong vòng hơn 2 tiếng. Mỗi con vật đã trưởng thành đều được chụp ảnh. Kiểu dáng màu sắc của chúng không thay đổi nữa nên các chuyên gia vẫn còn có thể nhận lại từng con một sau nhiều năm. Mỗi một con thằn lằn đều được "cấp" một số riêng biệt. Sau khi vào sổ sách, chúng đi bằng ô tô đến quê hương mới, cách đó 1 km.

Tổng cộng phải di dời tròn 800 con thằn lằn, rất nhiều công việc cho ông Braun và đồng nghiệp.

Theo Phan Ba - VnExpress (Spiegel Online)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video