"Ở nước ta chưa có cơ sở nào đào tạo chuyên gia điện hạt nhân. Trong khi đó, nhân lực là yếu tố quyết định đến sự vận hành an toàn và hiệu quả của một nhà máy điện nguyên tử. Vì thế, cần gấp rút thành lập một trung tâm đào tạo như vậy", giáo sư Hoàng Đắc Lực, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam bộc bạch.
Đề xuất về Trung tâm được Viện đưa ra tại hội thảo Đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân cho Việt Nam, diễn ra sáng nay tại, Hà Nội. Theo đó, trung tâm sẽ tăng cường và mở rộng chuyên môn cho 3 loại chuyên gia là chuyên gia dự án, chuyên gia pháp quy, chuyên gia nghiên cứu và phát triển.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc chuẩn bị nguồn nhân lực phải được tiến hành sớm, trước khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành hàng chục năm. Như dự kiến, để đáp ứng nhu cầu của một nhà máy điện hạt nhân cần khoảng 450 chuyên gia, tuy nhiên hiện cả nước mới có khoảng 600 người làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến hạt nhân, lại chủ yếu về các ngành ứng dụng phi năng lượng và đã có tuổi đời khá cao.
Ngoài ra, cũng theo ông Lực, mỗi năm, nước ta có khoảng 70-80 cử nhân tốt nghiệp đại học về ngành nguyên tử, song hệ thống giảng dạy ở các trường chưa thích hợp cho nhu cầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Cũng có một số viện nghiên cứu đào tạo sau đại học và 2 cơ sở của Viện năng lượng Việt Nam ở Hà Nội và Đà Lạt nhưng rất nhỏ bé và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Viện Năng lượng nguyên tử đã kiến nghị nhà nước cần có chế độ lương bổng và đãi ngộ đặc biệt đối với nhân lực hạt nhân, những người được đào tạo công phu và phải lãnh trách nhiệm rất cao do đặc thù của ngành này.
"Khó khăn nhất là đến giờ Chính phủ chưa có quyết định nào về việc này nên kiến nghị mới chỉ là kiến nghị chứ chính chúng tôi cũng chưa có kế hoạch cụ thể gì cho việc xây dựng trung tâm đào tạo cũng như phát triển nguồn nhân lực hạt nhân", ông Lực nói.
Yến Minh