Từ 2009, Việt Nam đào tạo nhân lực điện hạt nhân

  •  
  • 274

Bắt đầu từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ tuyển sinh chuyên ngành điện hạt nhân. Đề án này hiện đang được Bộ GD&ĐT xây dựng đề án và mở các khoa đào tạo tại một số trường. 

Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang đang hoàn thành Dự thảo báo cáo đầu tư Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh thuận để trình Chính phủ phê duyệt.

Theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu điện sản xuất ở Việt Nam, theo phương án cơ sở, là 294 tỷ kWh vào năm 2020 và 562 tỷ kWh vào năm 2030; Trong khi đó, khả năng cung cấp nhiên liệu từ các nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam cho sản xuất điện năng chỉ đáp ứng được khoảng 230 tỷ kWh vào năm 2020 và 293 tỷ kWh vào năm 2030. Trước tình hình này, điện hạt nhân đang là sự lựa chọn tối ưu của Việt Nam.

Mô hình công nghệ điện hật nhân Nhật Bản. (Ảnh: Ngọc Huyền)


Dự kiến, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư là 4,5 tỷ USD gồm 2 nhà máy điện hạt nhân. Nhà máy điện Ninh Thuận I được đặt ở xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước có 2 tổ máy mỗi tổ máy công suất 1000 MW; nhà máy Ninh Thuận II được đặt ở xã Vĩnh Hải huyện Ninh Hải cũng có 2 tổ máy công suất 1000 MW. Như vậy với 4 tổ máy này sẽ có tổng công suất là 4000 MW. Tuổi thọ của 2 nhà máy này là 60 năm, đặc biệt nước làm mát dùng cho 2 nhà máy này là nước biển. Vì vậy, 2 nhà máy này được chọn đặt tại Ninh thuận một tỉnh ven biển để tận dụng nguồn nước dồi dào từ biển.

Việt Nam đang thiết lập lộ trình xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân mà theo đó, năm 2020, sẽ đưa vào vận hành tổ máy I, còn tổ máy II sẽ tiếp tục được vận hành vào năm 2021. Như vậy, năm 2020, lần đầu tiên người dân Việt Nam sẽ được dùng điện hạt nhân. Với một tổ máy được vận hành vào năm 2020 sẽ cung cấp 1% tổng lượng điện tiêu thụ trong cả nước. Sau đó các tổ máy tiếp theo sẽ đi vào hoạt động thì lượng điện mà 2 nhà máy này cung cấp sẽ tăng dần lên chiếm 6% tổng lượng điện cả nước vào năm 2030 và đến năm 2050 sẽ chiếm 20-25% tổng lượng điện cả nước.

Nhân lực cho điện hạt nhân đang là vấn đề đặt ra... Trong ảnh: Một cụ già 80 tuổi đang chăm chú xem mô h́nh nhà máy điện hạt nhân tại Triển lăm và hội thảo quốc tế Điện hạt nhân 2006 tổ chức tại Hà Nội (16-19/5). (Ảnh: Ngọc Huyền)

Ông Phan Minh Tuấn, Trưởng ban chuẩn bị đầu tư dự án Điện hạt nhân và năng lượng tái tạo (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết nhiêu liệu sử dụng cho 2 nhà máy này ban đầu sẽ được nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng dần dần sẽ tự lực nhiên liệu bằng cách khai thác và làm giàu Urani trong nước. 

Vẫn theo ông Tuấn, giá thành của điện hạt nhân mà 2 nhà máy này cung cấp sẽ bằng hoặc cao hơn một chút so với nhiệt điện được sản xuất tại nhà máy đặt ngay tại vùng nhiên liệu. Nhưng rẻ hơn so với điện sản xuất từ các nhiên liệu khác mà chúng ta đang sử dụng khoảng từ 10-20%.

Để chuẩn bị cho kế hoạch trên, vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành điện hạt nhân đang là vấn đề bức thiết.

Bắt đầu từ năm 2009, Bộ GD&ĐT sẽ tuyển sinh chuyên ngành điện hạt nhân. Đề án này hiện đang được Bộ GD&ĐT xây dựng đề án và mở các khoa đào tạo tại một số trường. Cụ thể mở ở các trường nào là do quyết định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân không chỉ tập chung ở một trường mà ở nhiều trường khác nhau ví dụ như Hàn Quốc có khoảng 20 - 30 trường ĐH đào tạo về chuyên ngành này. Ở VN, các trường ĐH chỉ đào tạo mang tính ban đầu, sau đó sẽ được đào tạo qua công việc và tiếp tục được đào tạo tại Trung tâm đào tạo chuyên sâu của Viện Năng lượng Nguyên tử VN. Chậm nhất là 31/12/08 Thủ tướng CP sẽ phê duyệt hết các đề án này.

Ngoài ra, Pháp cũng giúp đỡ Việt Nam một chương trình đào tạo. Nhật Bản cũng đưa ra kế hoạch đào tạo để gắn với việc vận hành hai tổ máy của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên... Bộ KHCN cũng đã xây dựng chương trình đào tạo cán bộ nghiên cứu, quản lý, cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng.

Ngọc Huyền (Theo VietNamNet)
  • 274