Điếc, biến chứng não vì viêm tai!

Bệnh viện Tai mũi  họng TP.HCM mỗi ngày phẫu thuật khoảng mười bệnh nhân bị viêm tai xương chủm. Nhiều trường hợp phải chấp nhận bị điếc vĩnh viễn sau phẫu thuật để ngăn chặn biến chứng lên não, cứu lấy mạng sống.

Chảy mủ, ù tai

“Tôi bị viêm tai (VT) xương chủm, cứng màng nhĩ từ lâu và đã được mổ năm 1991. Thế nhưng, từ khi mổ đến nay tai tôi vẫn không hết bệnh, mủ vẫn chảy ra thường xuyên. Hiện nay tôi rất đau nhức ở trong tai và nửa bên đầu...” - anh T.H. (thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết. Em N.T.N. (19 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết khi còn nhỏ tai em bị vô nước. Từ đó em bị chảy mủ tai kéo dài, đến năm 2002 mới có điều kiện đi mổ để bác sĩ hút mủ trong tai ra. Sau bốn năm mổ, tai không nghe rõ hơn chút nào. Ngoài ra, trong tai lúc nào cũng nghe như có tiếng ve kêu om sòm...

Các bác sĩ khoa tai đầu mặt cổ, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM đang phẫu thuật cho bệnh nhân N.T.Đ. (17 tuổi, H.Thống Nhất, Đồng Nai) bị bệnh viêm tai xương chủm, ngày 17-1-2007 (Ảnh: L.TH.H)

Bác sĩ Võ Quang Phúc - phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM - cho biết VT là bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Có hai loại là VT ngoài và VT giữa.

Khi bị VT ngoài, bệnh nhân (BN) thường có triệu chứng ngứa tai, cảm giác đầy tai hoặc chảy dịch đục trong tai, nghe kém. Nguyên nhân do để nước dơ vào trong tai (tắm nước hồ bơi hoặc tắm biển nước dơ, nước xà phòng gội đầu...); do bụi, khí thải... từ môi trường bay vào tai; do không rửa sạch tay trước khi ngoáy tai hoặc sử dụng dụng cụ ngoáy tai kém vệ sinh; không vệ sinh tai, để ráy tai đóng nhiều thành cục trong tai gây hiện tượng “nút” ráy tai. Khi tắm biển hoặc bơi lội, nước vào tai sẽ nở ra gây nhiễm trùng. Do chấn thương tai hoặc do xỏ lỗ tai dạo bằng những dụng cụ kém vệ sinh. Có trường hợp không điều trị kịp thời khiến tai bị teo lại, rúm ró như nấm mèo.

Bệnh VT giữa có nguyên nhân do BN bị viêm mũi nhưng không được điều trị đúng, kịp thời khiến vi trùng từ mũi đi qua vòi nhĩ vào tai giữa; bị cảm cúm (viêm đường hô hấp trên) cũng có thể gây ra VT giữa. Với trẻ em, VT giữa thường là do viêm VA. VT giữa cũng có hai loại là VT giữa cấp và VT giữa mãn. VT giữa cấp nếu không điều trị sẽ gây thủng màng nhĩ. Nếu tiếp tục không được điều trị sẽ đưa đến VT giữa mãn tính. VT giữa mãn tính mà không điều trị đúng sẽ dẫn đến VT xương chủm...

Có thể biến chứng lên não

Theo BS Quang Phúc, trường hợp BN bị VT xương chủm, bác sĩ sẽ phẫu thuật triệt để (khoét rỗng đá chủm) để ngăn ngừa các biến chứng méo miệng, mắt nhắm không kín (liệt dây thần kinh mặt), hoặc biến chứng nguy hiểm hơn là viêm màng não, áp xe não (có tỉ lệ tử vong cao). Tuy nhiên, với phương pháp điều trị này, BN phải chấp nhận hi sinh toàn bộ chức năng nghe (mổ xong bị điếc).

Những dấu hiệu báo động BN bị biến chứng lên não là sốt cao, lạnh run giống như người bị sốt rét, nôn ói, nhức đầu ở bên tai bị bệnh hoặc lan ra cả đầu, mủ tai chảy ra màu xanh, hôi như mùi trứng thối, nghe kém hẳn. Khi có các triệu chứng này nên đến bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng để được mổ cấp cứu ngay.

BS Quang Phúc cho biết khi đã bị VT, BN dễ bị tái phát là do đã bị VT một lần thì niêm mạc tai rất mỏng manh và nhạy cảm với yếu tố môi trường. Nguyên nhân khác là BN không tái khám định kỳ theo hẹn (3, 6 hoặc 12 tháng) của bác sĩ để đánh giá tình trạng của màng nhĩ cũng như kiểm tra chức năng nghe của BN. Việc dùng thuốc không đúng cách, để nước dơ vào tai, giữ vệ sinh tai kém cũng dẫn đến tái phát VT.

Để phòng ngừa VT, bác sĩ Quang Phúc khuyên không nên để nước dơ vào lỗ tai, đặc biệt ở trẻ em. Khi ngoáy tai nên dùng tăm bông sạch, rửa tay sạch trước khi ngoáy tai. Nếu muốn lấy ráy tai ở tiệm hớt tóc nên sắm riêng cho mình một bộ đem theo cho thợ làm. Với trẻ em, đi học nghe không rõ nên đi khám BS để xem tình trạng ống tai, màng nhĩ, có bị “nút” ráy tai không.

Cũng cần lưu ý BN không nên tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc nhỏ thuốc đông y. Thực tế vừa qua tại BV có không ít BN bị biến chứng trầm trọng hơn vì tự ý nhỏ vào tai đủ thứ như ancôn, giấm, dầu gió hoặc rắc bột thuốc đông y, bột thuốc từ viên kháng sinh con nhộng.

LÊ THANH HÀ

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video