Bí quyết của miếng dán này nằm ở vật liệu cấu thành nó: những mảnh tảo lục lam. Trong các thử nghiệm ban đầu được tiến hành trên cơ thể chuột, các nhà khoa học nhận thấy chúng có tác dụng rõ ràng trong việc thúc đẩy tốc độ làm lành vết thương. Nhờ đặc tính này, chúng được xem là giải pháp dành cho vết thương mãn tính của những người mắc bệnh tiểu đường. Ở người bị tiểu đường, các biến chứng khiến cho vết thương của họ rất khó có thể hồi phục và trong tình huống xấu nhất, phương án cuối cùng chính là cắt cụt chi.
Các miếng dán này giúp điều trị vết thương hiệu quả hơn với tỷ lệ lành lên đến 45%.
Thông thường, các bác sĩ sẽ dùng khí oxy - thứ được cho là có thể làm lành da để chữa cho những tình huống như vậy. Tuy nhiên, bởi vì chỉ một phần nhỏ oxy có khả năng xâm nhập vào bên trong da nên tính hiệu quả của việc này không cao. Để khắc phục điều này, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tạo ra các miếng băng dán chứa đầy vi khuẩn Synechococcus elongatus, thường được biết đến với cái tên tảo lục lam, với khả năng sản xuất oxy khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời, một thành phẩm của quá trình quang hợp.
Ngoài ra, bên trong các miếng dán còn có chứa những hạt hydrogel với khả năng hấp thụ oxy do vi khuẩn tạo ra, sau đó đưa chúng vào sâu bên trong da. Được biết, chi phí để cho ra đời một miếng băng dán như thế này chỉ rơi vào khoảng hơn 23 ngàn. Ở thí nghiệm thực hiện trên chuột, các miếng dán này giúp điều trị vết thương hiệu quả hơn với tỷ lệ lành lên đến 45%, so với mức 20% nếu chỉ dùng oxy như thông thường. Hiện tại, kế hoạch của các nhà nghiên cứu đó chính là tạo ra các miếng dán để thực hiện trên cơ thể động vật có kích thước lớn hơn, trước khi bắt đầu tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người.