Liên minh châu Âu (EU) hôm qua thông báo sẽ chi 28,3 triệu euro (35,5 tỷ USD) cho quỹ mới nghiên cứu cúm gia cầm. Việt Nam là một trong số các đối tác tham gia các nghiên cứu này.
Theo đó, chương trình nghiên cứu của EU sẽ có 17 dự án, với thời gian nghiên cứu khoảng 2-4 năm, nghiên cứu cả sức khỏe người và động vật.
Một nhân viên y tế Ai Cập đang phun thuốc sát trùng xung quanh một ngôi nhà ở al-Abiyat hồi tháng 3-2005. Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hatem al-Gabali nói ông lo ngại sẽ có nhiều ca nhiễm cúm gia cầm ở người trong vài tuần tới (Ảnh: AFP) |
Đối với nghiên cứu ở động vật, các dự án sẽ tập trung vào việc bào chế vaccine, phát triển các hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường hiểu biết về virus cúm gia cầm, chuyển giao công nghệ cho các nước thế giới thứ ba, thành lập hệ thống giám sát chim di cư.
Trong số các dự án được chọn, có 9 dự án có sự tham gia của các nước bên ngoài EU, gồm Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Úc, Mỹ, Canada và Croatia, nhiều nước trong số này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các ổ dịch cúm gia cầm trong thời gian gần đây.
* Trong một diễn biến khác, hôm qua các nhà khoa học Mỹ cho biết họ đã phát triển được loại vaccine mới có thể ngừa virus cúm Tây Ban Nha ở chuột thí nghiệm. Đây là loại virus gây ra đại dịch toàn cầu năm 1918 khiến 20-50 triệu người thiệt mạng, trong đó có những người trưởng thành khỏe mạnh. Các nhà khoa học cho rằng nó là chủng virus cúm gia cầm đã biến thể và gây bệnh cho người.
Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển loại vaccine này với hy vọng nó sẽ là “vũ khí” mới bảo vệ con người và gia cầm trước virus H5N1.
TƯỜNG VY