Theo phóng viên tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 4/7 thông báo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí trong việc định nghĩa khái niệm về rối loạn nội tiết, một bước quyết định để có thể ban hành lệnh cấm các hóa chất có hại cho sức khỏe con người và môi trường.
Ủy viên châu Âu về sức khỏe và an toàn thực phẩm Vytenis Andriukaitis cho biết một khi được áp dụng, lệnh cấm của EU sẽ đảm bảo tất cả các hoạt chất sử dụng trong các loại thuốc bảo vệ thực vật được xác định có thể gây ra tình trạng rối loạn nội tiết trên người và động vật sẽ được xem xét lại và tiến tới rút khỏi thị trường.
Theo EC, các tiêu chuẩn được định nghĩa cho phép làm rõ các tác nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra chứng rối loạn nội tiết, đồng thời chỉ ra rằng việc xác định các hoạt chất phải được thực hiện trên cơ sở tính đến tất cả các bằng chứng khoa học, bao gồm các nghiên cứu trên động vật, trong phòng thí nghiệm hoặc mô phỏng trên máy tính và sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng.
Các tiêu chí này bị những người phản đối cho là chỉ tập trung vào những chất có trong các loại thuốc trừ sâu. (Ảnh minh họa).
Tình trạng thiếu định nghĩa rõ ràng đã cản trở việc ban hành một quy định thống nhất về những chất có khả năng tác động lên hệ nội tiết và là nguyên nhân gây rối loạn chức năng và các dạng bệnh như béo phì, vô sinh, dị tật bẩm sinh trên thai nhi hay tình trạng chậm phát triển cả về trí lực và thể lực.
Việc thống nhất được các tiêu chí xác định trên là kết quả của một chiến dịch dài, được thông qua sau 3 năm kể từ khi khởi xướng, và một năm sau ngày văn bản đề xuất của EC đưa ra và ngay lập tức bị chỉ trích bởi những người bảo vệ môi trường cùng một số nước thành viên như Pháp.
Các tiêu chí này bị những người phản đối cho là chỉ tập trung vào những chất có trong các loại thuốc trừ sâu. Ngoài thuốc trừ sâu, các tác nhân có thể gây chứng rối loạn nội tiết cũng được phát hiện thấy trong nhiều loại thực phẩm thường dùng hàng ngày, mỹ phẩm hay các loại đồ chơi trẻ em.
Văn bản đã được thông qua tại một ủy ban kỹ thuật bao gồm đại diện của các quốc gia thành viên và giám sát của EC.
Hội đồng đồng châu Âu bao gồm 28 quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu sẽ có 3 tháng để xem xét trước khi phê chuẩn qui định mới này.
Cơ quan châu Âu về an toàn thực phẩm và Cơ quan hóa chất châu Âu sẽ soạn thảo một tài liệu hướng dẫn áp dụng các tiêu chí trên.