Gần 7.000 tỉ đồng cho kế hoạch hành động khẩn cấp

“Nguy cơ và khả năng xảy ra đại dịch là rất cao. Điều này hoàn toàn có cơ sở”. Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng nhắc đi nhắc lại điều này tại hội nghị quán triệt triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.

Tiêm văcxin phòng chống dịch cúm cho gia cầm tại xã Nhơn Hòa Lộc, huyện Tân Thạnh (Long An) ngày 10-10

Tính khẩn trương và quyết liệt thể hiện ngay trong hội nghị kéo dài chỉ 90 phút sáng hôm qua với sự hiện diện đầy đủ của đại diện các bộ, ngành, các địa phương.

Nguy cơ rất cao

Theo Phó thủ tướng, qua ba đợt dịch cúm gia cầm (bắt đầu từ cuối năm 2003, mỗi đợt cách nhau bốn tháng), tại VN đã xuất hiện cúm type A với phân type H5N1 trên người; đã có 90 trường hợp mắc bệnh và đặc biệt 40 trường hợp đã tử vong, tại 31 tỉnh, thành phố.

So với các nước trong khu vực và một số nước trên thế giới xuất hiện dịch cùng thời điểm (hoặc xuất hiện trước VN), số người mắc bệnh và tỉ lệ người tử vong ở VN khá cao. Như Thái Lan có 12/17 người mắc bệnh đã tử vong; Indonesia (6/20); Hà Lan năm 2003 chỉ có 1/83 người mắc bệnh tử vong.

Nếu ngược lịch sử, đây cũng chính là thời điểm gần một thế kỷ xảy ra đại dịch cúm gia cầm tại Tây Ban Nha (1918-1919), sau đó lan ra nhiều nước khác đã cướp đi sinh mạng của 20-40 triệu người.

Ba giai đoạn của kế hoạch khẩn cấp

Kế hoạch hành động khẩn cấp có ba giai đoạn (tương ứng với sáu “pha” qui định của WHO), mỗi giai đoạn có những phương án ứng với từng tình huống cụ thể.

VN đang ở “pha” thứ 3, thuộc giai đoạn 1, tức là đã có người nhiễm bệnh nhưng không có sự lây truyền giữa người với người. Giai đoạn 2 sẽ tương ứng với pha 4 và 5.

Tức là đã xuất hiện bệnh lây lan từ người sang người trong phạm vi hẹp, chưa có khả năng lây truyền thành đại dịch.

Còn pha 6, giai đoạn 3 khi xảy ra đại dịch, virus có khả năng lây lan trên diện rộng. Ở mỗi giai đoạn, kế hoạch hành động khẩn cấp đều nêu rõ những mục tiêu, biện pháp ứng phó với dịch.

Nếu dịch ở giai đoạn 2, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp.

Nghiêm cấm toàn bộ việc buôn bán gia súc, gia cầm ở vùng đang có dịch, tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm. Thành lập các chốt kiểm dịch xung quanh vùng dịch.

Cách ly toàn bộ khu vực có dịch trong 21 ngày. Trường hợp xấu nhất (giai đoạn 3), giả định đại dịch xảy ra, hàng trăm đến hàng ngàn người mắc bệnh thì lúc đó cùng với các biện pháp ứng phó như giai đoạn 2, Chính phủ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp trong toàn quốc.

Biện pháp ứng phó cho các giai đoạn này đều được thực hiện theo phương châm “ba tại chỗ”: lực lượng, vật tư và xử lý tại chỗ.

Và nay nếu đại dịch xảy ra, VN sẽ có khoảng 16 triệu người mắc bệnh (20% dân số), số người tử vong vì bệnh sẽ khoảng 1,6 triệu người. Chưa kể những tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế, xã hội, sức khỏe nhân dân...

Tập trung tài chính

Trước nguy cơ đại dịch, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp và có chỉ thị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp này.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mục tiêu cao nhất của Chính phủ là “làm mọi cách, nỗ lực hết mình, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để kiên quyết không để xảy ra đại dịch. Nếu đại dịch vẫn xảy ra thì phải chuẩn bị kỹ, thật tốt để hạn chế tối đa dịch lây lan, giảm thấp nhất thiệt hại về người”.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm Bùi Bá Bổng, kinh phí để thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp sẽ lên tới gần 7.000 tỉ đồng.

Đây là khoản tiền tập trung cho mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng các hạng mục quan trọng, như mua 10.000 bình phun hóa chất, dự trữ các loại hóa chất, mua sắm cho mỗi xã, phường 5.000 bộ quần áo trang bị bảo hộ (tổng cộng khoảng 20 triệu bộ), văcxin tiêm phòng.

Bộ Y tế cũng cho biết dự kiến phải cần 14.000 tỉ đồng để đầu tư nâng cấp cơ sở y tế, trang bị phương tiện, vật tư hóa chất cho kế hoạch phòng chống đại dịch cúm (giai đoạn 2006-2010).

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Bộ Y tế mua đủ cơ số thuốc dự phòng, 1.000 máy thở và nhanh chóng đầu tư ngay các phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 để phục vụ công tác phòng chống dịch khẩn cấp. 

Để chủ động đối phó với đại dịch, ông Bùi Bá Bổng cho biết kế hoạch hành động khẩn cấp cũng đề xuất việc tổ chức diễn tập phòng chống dịch ở người theo ba cấp độ dịch tương ứng với giai đoạn 1, 2 và 3, với tổng kinh phí diễn tập là 20 tỉ đồng.

ĐỨC BÌNH

Nguy cơ rất cao về một trận đại dịch cúm trên người có thể xảy ra nếu các địa phương không cảnh giác và tập trung phòng chống tái dịch. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng nói về các biện pháp phòng chống dịch cúm đang triển khai...

* Giữa mục tiêu và kết quả thực tế đôi khi có những khoảng cách, liệu hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm có xảy ra hiện tượng này?

- Không, hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm của chúng ta thời gian qua rất quyết liệt và hiệu quả. Thực tế cũng cho thấy dịch cúm gia cầm tại VN đã giảm mạnh so với hai năm trước, giảm đến 80-90%.

Nếu chúng ta tiếp tục tổ chức tốt hoạt động phòng chống dịch cúm tái phát như thời gian qua, tôi tin rằng tới đây VN sẽ không xảy ra những đợt dịch cúm lớn trên phạm vi cả nước.

Chương trình tiêm phòng văcxin cho đàn gia cầm hơn 150 triệu con đang được triển khai tại VN cũng đã được hàng chục chuyên gia dịch tễ hàng đầu thế giới tư vấn và đánh giá rất cao. Chưa có nước nào tổ chức tiêm phòng văcxin với qui mô lớn, lại trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ như VN hiện nay.

Khó khăn lớn nhất của chúng ta hiện nay là phải nhập văcxin từ Trung Quốc, nên việc phát sinh những bất cập, chậm trễ... là điều khó tránh khỏi.

Dù chậm trễ khoảng một tuần nhưng đến thời điểm này nhiều địa phương đã cung cấp đủ văcxin và kế hoạch tiêm phòng văcxin cho đàn gia cầm cũng sẽ hoàn tất vào cuối tháng 11-2005 như chương trình.

* Số lượng đàn gia cầm thường xuyên tăng lên, chưa kể đàn thủy cầm (vịt) “bất hợp pháp” cũng khá lớn, những nhóm này có được tiêm phòng hay không, thưa ông?

- Từ nay đến đầu năm 2007, Nhà nước hỗ trợ kinh phí tiêm phòng văcxin cho đàn gia cầm và sẽ thực hiện liên tục. Sau thời điểm này, những hộ nuôi gia cầm phải trả tiền để tiêm phòng văcxin.

Riêng đàn vịt, trước đây Bộ NN & PTNT đã chỉ đạo các địa phương cấm nuôi đến thời điểm tháng 2-2006. Trong thực tế số lượng đàn vịt vẫn phát sinh do tình trạng tổ chức nuôi bất hợp pháp của một số hộ cá lẻ.

Tuy nhiên, chủ trương của chúng ta là tổ chức tiêm phòng cho tất cả đàn gia cầm, kể cả hợp pháp hay không hợp pháp, nhằm hạn chế nguồn lây bệnh tiềm ẩn.

Dù vậy, tôi cũng nhấn mạnh rằng chúng ta không khuyến khích các hộ dân nuôi gia cầm trái phép, các địa phương phải tích cực kiểm soát hoạt động này.

Ngoài việc tiêm phòng văcxin, hoạt động phòng chống dịch cúm cũng sẽ tiếp tục tập trung vào hai công việc quan trọng, đó là tổ chức tiêu độc khử trùng trên phạm vi toàn quốc trong hai tháng liên tục (bắt đầu từ ngày 15-10), thứ hai là phát hiện sớm và tiêu diệt ngay những ổ dịch mới xuất hiện.

Kinh nghiệm trong hai năm chống dịch vừa qua cho thấy những địa phương nào tổ chức tốt việc tiêu độc khử trùng, ngay cả những nơi có xảy ra dịch cúm, thì hiện tượng dịch lây lan trên đàn gia cầm cũng hạn chế rất nhiều.

* Xin cảm ơn ông.

HẢI ĐĂNG thực hiện

Theo Tuổi trẻ Online
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video