Giải mã bí ẩn về tấm ảnh hồn ma thiếu nữ

Ngày 19/11/1995, Tony O'Rahilly chụp một vụ hỏa hoạn phá hủy tòa thị chính Wem, hạt Shropshire. Sau khi tráng phim, ông phát hiện ra gương mặt một cô bé.

Tony, nhiếp ảnh gia nghiệp dư, lập tức gửi ảnh phim tới Hiệp hội Nghiên cứu khoa học về Những hiện tượng dị thường. Họ lại chuyển tiếp tấm ảnh và tấm phim cho Giáo sư Vernon Harrison, cựu chủ tịch Hiệp hội nhiếp ảnh Hoàng gia Anh. Qua phân tích cả tấm ảnh và hình âm bản, giáo sư Vernon hài lòng với kết luận rằng nó không bị chỉnh sửa.


Hình ảnh hồn ma bé gái mặc một bộ trang phục cổ, đứng giữa đám cháy, nhìn chằm chằm vào ống kính máy ảnh. (Ảnh: SWNS).

"Âm bản cho thấy đây hoàn toàn là một bức ảnh đen trắng, không có dấu hiệu bị giả mạo", Vernon nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này vẫn cân nhắc tới khả năng hình ảnh bé gái chỉ là ảo ảnh ánh sáng, do khói, lửa và bóng đổ tạo ra vào khoảnh khắc nhiếp ảnh gia nhấn nút.

Tony, người qua đời vào năm 2005, luôn khẳng định chắc chắn ông chưa bao giờ chỉnh sửa tấm ảnh mang tên "Hồn ma Wem" của mình. Và tác phẩm đã nổi tiếng khắp các mặt báo trên thế giới vào năm 1995. Thậm chí, cư dân thị trấn Wem còn cho rằng đó là hồn ma của Jane Churm, một thiếu nữ 14 tuổi, vô tình phóng hỏa tòa thị chính vào năm 1677 do đánh rơi một ngọn nến. Từ đó, người dân đồn thổi tòa thị chính bị hồn ma Jane Churm ám.

15 năm sau, bí ẩn về "Hồn ma Wem" mới sáng tỏ. Năm 2010, Brian Lear, một độc giả của tờ Shropshire Star, phát hiện ra điểm tương đồng giữa bé gái đứng trên đường phố Wem trong một tấm bưu thiếp năm 1922, với hình ảnh của Tony.

"Tôi bất ngờ khi thấy cô bé có vài nét trùng hợp với thiếu nữ mang tên "hồn ma Wem". Chiếc váy và mũ đội đầu dường như y hệt nhau", Brian nói.


Tấm bưu thiếp chụp lại thị trấn Wem năm 1922. (Ảnh: SWNS).

Greg Hobson, chuyên gia hình ảnh của bảo tàng National Media tại thành phố  Bradford, nhận định: "Tấm bưu thiếp chính là bằng chứng kết luận bức ảnh là một trò lừa đảo. Tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng bí ẩn đã được giải đáp".

Greg cho rằng, Tony đã sử dụng kỹ thuật nhiếp ảnh từ thời Hoàng đế Edward. Những pháp sư gọi hồn phải chụp ảnh linh hồn người quá cố để tạo lòng tin với khách hàng. Ban đầu, họ sẽ yêu cầu khách cung cấp một tấm ảnh của người quá cố để chụp lại trong phòng kín.

Khi khách hàng trở lại xin lời khuyên từ người quá cố, hình ảnh "linh hồn" phần nào hiện trên một tấm kính. Sau đó, pháp sư sẽ chụp thêm ảnh của khách hàng và cho hiện lên cùng tấm kính đó, tạo nên một bức hình như thể ghi lại khoảnh khắc linh hồn người quá cố ghé thăm trong buổi lên đồng.

Dù có những bằng chứng kết luận tấm ảnh là giả, Tom Edwards, một sử gia địa phương, vẫn tin tưởng Tony. "Ông ấy luôn luôn khẳng định tấm ảnh là nguyên bản, và tôi tin ông ấy".

Câu chuyện về "Hồn ma Wem" còn được lưu truyền như một nét độc đáo của thị trấn. Khi tòa thị chính mới hoàn thành, người ta còn lắp một biển viết về "Hồn ma Wem", và Wem sau này mang biệt danh "Thị trấn ma" - thu hút hàng trăm du khách hàng năm đến tìm hiểu về hiện tượng siêu nhiên.

Cập nhật: 20/06/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video