Giáo sư David Sudgen của Trường đại học Edimburg nhận xét mỗi mẫu phân tích những khối băng tại Nam Cực là một "kho tư liệu" về khí hậu thế giới qua mỗi thời kỳ, tuy nhiên tỷ lệ bụi biến đổi đột ngột qua những mẫu phân tích từng làm các nhà khoa học lúng túng.
Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng sự khác biệt này bắt nguồn từ những thay đổi về môi trường của chính Nam Cực. Công trình mới đã chứng minh lớp bụi này lại có nguồn gốc từ tiểu lục địa Patagonia tại cực Nam Nam Mỹ.
Giả thuyết mới cho rằng khi Patagonia ở vào giai đoạn lạnh nhất của thời kỳ băng giá cuối cùng (cách đây khoảng 80.000 năm), các dòng nước rỉ ra từ những khối băng khổng lồ tại tiểu lục địa này chảy tràn ra bề mặt bình nguyên và cuốn theo những phân tử bụi, sau đó các cơn gió mạnh làm khô các dòng nước và thổi lượng bụi này tới Nam Cực.
Nhưng khi các khối băng thu hẹp lại, các dòng chảy nhỏ từ những khối băng này lại quy tụ thành những hồ lớn tại chân mỗi khối băng và lớp bụi lắng đọng ở đáy hồ, không bị cuốn theo các cơn gió. Đây chính là nguyên nhân vì sao lượng bụi tới Nam Cực giảm đột ngột khi các khối băng tại Patagonia thu nhỏ.
Các nhà khoa học hy vọng rằng phát hiện mới này sẽ giúp họ hiểu rõ hơn quá trình biến đổi khí hậu trong thời kỳ băng giá cuối cùng và từ đó dự đoán những thay đổi trong tương lai.
Nam Cực được chọn là nơi nghiên cứu về lịch sử khí hậu thế giới vì châu lục này chứa đựng nhiều mẫu vật nguyên sơ, chưa bị ảnh hưởng bởi hoạt động của con người và cũng là nơi mà hiện tượng Trái Đất ấm lên thể hiện rõ rệt nhất./.