Giữa người và khỉ lớn không có mấy khác biệt

Thuở xưa, ta từng nghĩ mình thuộc một giống loài riêng. Từ khi có các công trình của Darwin cách đây 150 năm, ta lại nghĩ mình là một loài khỉ đặc biệt. Nhưng đó là tại ta chưa quan sát kỹ những con khỉ lớn. 40 năm gần đây, một số nhà khoa học đã thực hiện việc quan sát này và họ ngày càng khó phân định cái gì là đặc trưng của loài người.

Con người là con vật nào vậy? Phải chăng đó là một sinh vật di chuyển ở tư thế thẳng đứng? Rất lâu người ta từng nghĩ như thế, nhưng... ủa, khả năng này cũng có cả ở những giống khỉ lớn cơ mà! Cụ thể như con bonobo, một loài tinh tinh vóc nhỏ có hai chi trên dùng khuân vác thức ăn và hai chi dưới dùng để di chuyển, y như chân của loài người vậy. Bonobo thực chất là một anh chàng tếu táo, lúc nào cũng nhăn nhở cười. Anh chàng này làm phá sản hoàn toàn câu nói của đại văn hào Pháp Rabelais: “Cười là nét đặc trưng chỉ có ở loài người”.

Bạn nghĩ chỉ có homo sapiens (người thông minh) mới biết chế tác công cụ? Từ thập niên 1960, nhà linh trưởng học Jane Goodall đã tiến hành quan sát những chú tinh tinh ở Tanzania. Bà nhận thấy chúng vặt lá những cành con rồi nhúng cành vào tổ kiến để lôi ra, nhấm nháp những côn trùng có vị ngọt này. Qua nhiều nghiên cứu thực tế, các nhà khoa học cũng phát hiện những con khỉ lớn có một “bộ dụng cụ” của chúng: que để lau rửa tai, que kẹp giữa các ngón chân để leo các cây gạo có gai (trái cây này rất hợp khẩu vị loài tinh tinh), thậm chí cả búa và đe bằng đá để đập vỡ những hạt cọ. Ngay cả loài đười ươi, vốn bị coi là “kỹ năng kém”, cũng biết dùng cành cây để nạy lớp vỏ gây ngứa của trái cemangang!

Cùng với các công cụ là nền văn hóa. Qua hàng trăm ngàn giờ quan sát, các nhà nghiên cứu đã phát hiện mỗi cộng đồng tinh tinh đều sở hữu những truyền thống riêng của cộng đồng. Ví dụ, ở Guinea hoặc ở Bờ Biển Ngà chúng dùng đe và búa bằng đá để đập hạt cọ, nhưng ở nơi khác ngay cả khi hạt cọ và vật liệu làm đe búa có sẵn xung quanh, chúng cũng chẳng màng đến món ăn này. Các nhà linh trưởng học đã xác định 39 hành vi văn hóa đặc thù ở các cộng đồng tinh tinh được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thật vậy, ngay cả giáo dục cũng không phải là đặc quyền của homo sapiens. Tại rừng Tai (Bờ Biển Ngà), nhà nghiên cứu Christophe Boesch đã quan sát rất lâu một con tinh tinh cái sửa động tác cho con khi chú tinh tinh này tìm cách đập vỡ một hạt cọ. Tinh tinh mẹ điều chỉnh động tác tay của chú để chú làm việc hiệu quả hơn. Một bà mẹ rất tuyệt vời!

Trong khi đó, tại các phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những con khỉ lớn có khả năng nhận thức về bản thân: chúng nhận ra chính mình qua gương. Người ta đánh dấu màu đỏ lên trán của chúng lúc chúng ngủ. Khi thức dậy nhìn vào gương, chúng lập tức sờ lên trán và tìm cách bôi vết sơn đỏ đi. Đó là bằng chứng cho thấy chúng ý thức trong gương là chính mình chứ không phải chú khỉ nào khác.

Khỉ lớn không thể nói được - kết cấu họng của chúng không cho phép chúng nói. Nhưng vô số thí nghiệm cho thấy chúng có thể sử dụng các ngôn ngữ biểu tượng. Tại Hoa Kỳ, chú bonono tên Kanzi đã gây ngạc nhiên khi tạo ra những từ mới. Tất nhiên, tất cả điều này vẫn còn ở giai đoạn sơ đẳng. Nhưng ta cũng đừng nên quên rằng ta chưa có khả năng hiểu được chúng nói gì với nhau...

Về mặt chính trị thì tinh tinh là vô địch: nghệ thuật đánh lừa, nghệ thuật liên minh liên kết và lật đổ quyền lực là “nghề của chàng”. Trong khi loài gorilla có cuộc sống tương đối yên bình giữa “hậu cung” của chúng thì loài đười ươi tỏ ra khá đơn độc, còn loài bonobo thì sống theo lối “make love, not war” (làm tình chứ không gây chiến) giống như các xã hội hippy của loài người thập niên 1970.

Ta còn thứ gì đặc biệt chỉ của riêng mình không nhỉ? Chiến tranh ư? Không luôn. Tinh tinh cũng biết sử dụng bạo lực, thậm chí đôi khi dùng tra tấn và tiến hành những cuộc chiến tranh giữa các cộng đồng khác nhau. Chúng thường phải đánh đuổi những loài khỉ khác, sau đó chia chiến lợi phẩm một cách khá công bằng cho các thành viên trong cộng đồng.

Còn nghệ thuật, tôn giáo? Còn những cảm xúc khác như cảm giác về sự phù du của cuộc sống? Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu thấu đáo nào về những vấn đề này ở khỉ. Nhưng tạm thời hãy tin rằng chính sự kiêu ngạo đã khiến chúng ta tin rằng mình là sinh vật duy nhất biết suy nghĩ.

Theo Trang Anh - Tuổi trẻ online
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video