Các nhà khoa học mới đây phát hiện hóa thạch của loài muỗi hút máu có từ cách đây 46 triệu năm trong một phiến đất sét ở phía tây bắc Montana, Mỹ.
Theo LiveScience, hóa thạch muỗi được các nhà nghiên cứu xác định là có từ 46 triệu năm trước. Con muỗi ở tình trạng no căng máu sau khi châm vòi vào một một con chim hoặc một loài động vật có vú, nhưng sau đó không may bị rơi và chìm xuống đáy hồ nước.
Các phân tích phát hiện thấy các hợp chất hữu cơ trong hemoglobin, protein vận chuyển oxy trong máu ở vùng bụng của con muỗi trong mẫu hóa thạch.
Hóa thạch con muỗi no căng máu được tìm thấy ở Montana. (Ảnh: LiveScience)
Hóa thạch được phát hiện trong một phiến đất sét, một loại đá được hình hành từ các lớp trầm tích lắng đọng dưới đáy hồ nước. Trong khi đó, hầu hết các loại hóa thạch côn trùng được tìm thấy trong hổ phách, phần còn sót lại của nhựa cây khô, nơi côn trùng được bảo quản tốt hơn.
Trong khi nghiên cứu, Dale Greenwalt, một nhà nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia tại Washington, Mỹ, cùng các cộng sự có thể khám phá sâu bên trong của hóa thạch muỗi nhờ các phân tử bismuth, một loại kim loại nặng có thể làm bốc hơi các chất hóa học được tìm thấy trong hóa thạch.
Những chất hóa học trong không khí sau đó được phân tích bằng một máy phổ kế, một thiết bị có thể xác định chất hóa học dựa trên khối lượng nguyên tử. Kỹ thuật này cho phép khám phá các mẫu hóa thạch mà không phải phá hủy mẫu vật như trước đây như các kỹ thuật mài hóa thạch thường được sử dụng.
Thông thường, phát hiện về loài côn trùng chết cách đây nhiều năm không hoàn toàn mới lạ. Tuy nhiên, con muỗi được phát hiện không tự phân hủy ngay lập tức sau khi chết mà biến đổi thành hóa thạch và tồn tại trong thời gian dài.
Phát hiện này đồng thời cung cấp các bằng chứng cho thấy porphyrin, các hợp chất hữu cơ được phát hiện trong các sinh vật sống từ vi khuẩn đến con người là cực kỳ ổn định, nhờ đó các nhà khoa học có thể nghiên cứu các loài động vật và thực vật đã chết từ rất lâu.