Hóa thạch cá voi 40 triệu năm

  •  
  • 2.139

Một người thợ thủ công Italia đã phát hiện một hóa thạch cá voi có niên đại cách ngày nay 40 triệu năm. Các chuyên gia cho hay, loại hóa thạch này chưa bao giờ được tìm thấy trước đó.

 >>> Phát hiện nghĩa địa của 75 con cá voi trong sa mạc

Trang Msnbc cho hay, một người thợ đá Italia đang xẻ phiến đá vật liệu thì phát hiện bên trong có một bộ xương. Biết rằng bộ xương trong một phiến đá là chuyện hoàn toàn không bình thường, vì vậy người thợ thủ công này đã mang phiến đá tới tìm chuyên gia G. Bianucci của trường Đại học Pisa.

Từ 6 mảnh ghép của hóa thạch có thể hình dung rất rõ loài cá voi thời tiền sử.
  Từ 6 mảnh ghép của hóa thạch có thể hình dung rất rõ loài cá voi thời tiền sử.

Sau khi tìm hiểu, G.Bianucci kết luận khối đá mà người thợ thủ công tìm thấy chính là một hóa thạch cá voi thời tiền sử. Điều quan trọng chính là, loại hóa thạch này chưa bao giờ được tìm thấy trước đó.

Hóa thạch đặc biệt này được phát hiện vào năm 2003. Phần đầu và phần xương thân trên của con cá voi được giữ nguyên vẹn trong khối hóa thạch. Được biết hóa thạch này được tìm thấy tại một mỏ đá của Ai Cập. Sau khi được cắt thành 6 mảnh mỏng, người ta có thể nhìn thấy rất rõ hóa thạch cá voi trong tảng đá.

Hóa thạch cá voi 40 triệu năm

Hiện tại hóa thạch độc đáo này được lưu giữ tại bảo tàng lịch sử tự nhiên của trường Đại học Pisa và giáo sư G. Bianucci quyết định sẽ phục nguyên hình dáng và nguồn gốc của hóa thạch cá voi này.

Thewissen, giáo sư Đai học Y khoa Đông bắc Ohio nói: “Hóa thạch này có một ý nghĩa cực kỳ đặc biệt bởi lẽ nó là một loài vật hoàn toàn mới có thể giúp chúng ta tìm hiểu tính đa dạng của loài cá voi thời tiền sử vào thời kỳ Eocene, cách ngày nay 55 triệu năm tới 35 triệu năm. Ngoài ra, nó thực sự rất đẹp!”

Hóa thạch cá voi 40 triệu năm

P.Gingerich một chuyên gia về cá voi cổ đại thuộc đại học Michigan căn cứ trên hóa thạch dự đoán rằng con cá voi thời tiển sử này dài khoảng 3 mét, nặng khoảng 295kg. Ngoài ra, nghiên cứu bộ xương hóa thạch này, các nhà nghiên cứu còn phát hiện nhiều thông tin thú vị về loài cá voi thời cổ đại. Chẳng hạn như kết cấu của phần mũi, loài cá voi cổ đại này có năng lực khứu giác mà loài cá voi hiện tại không có.

Hóa thạch cá voi 40 triệu năm

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy một hóa thạch hoàn chỉnh và đẹp như vậy, ngoài ra, nó còn có năng lực khứu giác. Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng để nghiên cứu quá trình tiến hóa của loài cá voi”.

Trên hóa thạch, các nhà khoa học cũng tìm thấy những dấu vết răng. Điều này chứng tỏ nguyên nhân khiến con cá voi cổ đại này tử vong có thể là do bị một một con cá mập cổ đại tấn công. Sau khi bị tấn công, chú cá voi cổ đại này có thể đã nằm dưới đáy biển nhiều tháng trước khi bị biến thành hóa thạch, bởi lẽ người ta chỉ nhìn thấy các hóa thạch của các loài giáp giác ở một bên thân của nó.

Về phần thân dưới của hóa thạch đã biến mất, các nhà khoa học cho rằng nó có thể là thương tích do cuộc săn đuổi dẫn đến cái chết của con cá voi, hoặc cũng có thể quá trình hình thành hóa thạch tạo ra.

Theo Livescience, Vietnamnet
  • 2.139